Phi thuyền của tỉ phú Branson thực hiện chuyến bay thử nghiệm thành công tới rìa vũ trụ

Đây là chuyến bay thử nghiệm có người lái thứ hai và cuối cùng tới rìa vũ trụ của công ty Virgin Galactic, trước khi hãng chính thức thực hiện dịch vụ du lịch vũ trụ cho khách hàng trả tiền.

Hôm 25/5, chiếc máy bay vũ trụ, hay con tàu dưới quĩ đạo Virgin Space Ship Unity (VSS Virgin) của Virgin Galactic, công ty du lịch vũ trụ do tỉ phú người Anh Richard Branson sáng lập, đã thực hiện chuyến bay có người lái thử nghiệm thứ hai tới rìa vũ trụ.

Chuyến bay cất cánh từ đường băng sân bay Vũ trụ ở New Mexico, Tây Nam nước Mỹ vào khoảng 11h15’ giờ ET (22h15’, giờ Việt Nam), Virgin Galactic cho biết.

Ngoài 2 phi công, con tàu mang theo phi hành đoàn gồm 4 nhân viên của Virgin Galactic, trong đó có 1 cựu phi hành gia NASA.

Chiếc máy bay vũ trụ VSS Unity gắn động cơ tên lửa được gắn dưới cánh của máy bay 2 thân khổng lồ Eve (tàu mẹ). Nó tách ra từ tàu mẹ ở độ cao khoảng 15.240 m, kích hoạt động cơ tên lửa và lao thẳng về phía rìa vũ trụ.

 Máy bay vũ trụ VSS Unity của công ty Virgin Galactic. Nguồn: của Virgin Galactic.

Máy bay vũ trụ VSS Unity của công ty Virgin Galactic. Nguồn: của Virgin Galactic.

Sau khi bay tới đích là rìa không gian, VSS Unity quay trở lại, hạ cánh xuống đường băng như một máy bay thông thường.

Chuyến bay thử nghiệm ngày 5/4/2018 phi thuyền Unity đã đạt tốc độ 1,87 Mach (2.180km/h).

Các chuyến bay dịch vụ vũ trụ của Virgin Galactic được thiết kế để đưa khách hàng bay đến độ cao vượt quá 50 dặm (80,5 km) phía trên bề mặt Trái đất, độ cao mà chính phủ Mỹ công nhận là ranh giới của không gian bên ngoài.

Ở giai đoạn đỉnh điểm của chuyến bay, hành khách sẽ trải qua vài phút trong trạng không trọng lượng để ngắm nhìn Trái đất qua cửa sổ.

 Máy bay 2 thân Eve được thiết kế để mang máy bay vũ trụ VSS Unity. Nguồn: Virgin Galactic.

Máy bay 2 thân Eve được thiết kế để mang máy bay vũ trụ VSS Unity. Nguồn: Virgin Galactic.

Chuyến du hành từ khi cất cánh khỏi mặt đất đến khi hạ cánh, thường kéo dài dưới hai giờ.

Các quan chức của Virgin Galactic hy vọng đây sẽ là chuyến bay thử nghiệm cuối cùng trước khi hãng bắt đầu thực hiện các chuyến bay dịch vụ cho khách hàng trả tiền vào cuối tháng 6, sau nhiều năm lỗi hẹn.

Vào ngày 11/7/2021, Virgin Galactic đã "nhanh chân" thực hiện thành công chuyến bay có người lái đầu tiên tới rìa vũ trụ, diễn ra chưa đầy hai tuần trước khi đối thủ của Branson là Jeff Bezos có kế hoạch thực hiện chuyến bay có mục đích tương tự đầu tiên của riêng mình.

Đích thân tỉ phú Branson tham gia chuyến bay cùng với ba thành viên phi hành đoàn.

Chuyến bay thử nghiệm hôm 25/5 thành công. Nguồn: Virgin Galactic

Tỉ phú Branson thành lập Galactic vào năm 2004, cùng khoảng thời gian các tỉ phú Jeff Bezos và Elon Musk thành lập các công ty công nghệ không gian của riêng họ.

Virgin Galactic đang cạnh tranh trực tiếp với Blue Origin của tỉ phú Bezos trong dịch vụ du lịch vũ trụ.

Kể từ chuyến bay thử nghiệm có người lái đầu tiên tới rìa vũ trụ của Bezos vào tháng 7/2021, công ty đã hoàn thành thêm 5 chuyến bay có người lái. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch vũ trụ dưới quỹ đạo của Blue Origin đã bị tạm dừng kể từ khi tên lửa một chuyến bay không người lái của phi thuyền New Shepard phát nổ vào tháng 9/2022.

 Máy bay vũ trụ VSS Virgin được gắn dưới (giữa) tàu mẹ. Nguồn: Virgin Galactic.

Máy bay vũ trụ VSS Virgin được gắn dưới (giữa) tàu mẹ. Nguồn: Virgin Galactic.

Từ cả thập kỷ trước, nhiều người đã đặt cọc để sử dụng dịch vụ, trở thành những khách hàng đầu tiên của Virgin Galactic bay tới rìa vũ trụ.

Đến nay Virgin Galactic đã bán được tổng cộng khoảng 800 vé, trong đó có 600 vé với giá từ 200.000 - 250.000 USD và 200 vé gần đây có giá 450.000 USD.

Trong tuyên bố mới nhất, Virgin Galactic cho biết, đây là lần cuối cùng trong chương trình thử nghiệm chuyến bay và công ty xúc tiến chuyến bay dịch vụ thương mại đầu tiên- sứ mệnh Galactic 01.

Văn Phong/CNN

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/chuyen-la-bon-phuong/phi-thuyen-cua-ti-phu-branson-thuc-hien-chuyen-bay-thu-nghiem-thanh-cong-toi-ria-vu-tru-140583.html