Phía sau Bảo tàng nghệ thuật tư nhân đầu tiên

Đầu tháng 6/2023, bảo tàng nghệ thuật tư nhân đầu tiên tại TPHCM đã được phép đi vào hoạt động. Bảo tàng nghệ thuật Quang San là tâm huyết của một doanh nhân yêu tranh cả đời lăn lộn trên thương trường nhưng luôn giữ giấc mơ về cái đẹp vĩnh hằng.

Truyền thống văn chương nghệ thuật

Anh Nguyễn Thiều Quang nói: “Tôi sinh 1969. Cuộc đời có nhiều thứ đưa đẩy. Học hành giỏi đi học Liên Xô, mơ ước phấn đấu lấy tiền nuôi con. Quê tôi vốn ở Đức Thọ (Hà Tĩnh). Tôi mới đưa các cháu về quê, lên mộ Cố Tổng Bí thư Trần Phú thắp hương. Mong các con luôn nhớ về nguồn cội”.

Ông Hoàng Nghị - Trưởng Phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao TPHCM cho biết: “Bảo tàng Nghệ thuật Quang San có cơ sở vật chất trưng bày hiện đại, sưu tầm được nhiều bộ tranh quý hiếm của những tác giả nổi tiếng, bộ máy nhân sự am hiểu chuyên môn. Sở sẽ đồng hành cùng bảo tàng và mong muốn bảo tàng tiếp tục sưu tầm được nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật hơn nữa, thu hút nhiều du khách tới tham quan, xứng đáng là một điểm đến hấp dẫn đối với những người yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế”.

Nhớ về tuổi thơ, anh kể: “Bố tôi là nhà văn Xuân Thiều, cụ đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Khi tôi còn nhỏ, sống trong khu tập thể toàn các nhà văn, ở gần gia đình Nguyễn Khải. Tôi ham viết, vẽ lắm, nhưng bố tôi lại bảo tôi chỉ tạc tượng là đẹp, nên tôi không theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp nữa mà dùi mài kinh sử”.

Nhà sưu tập Nguyễn Thiều Quang bên bức tượng bố - Nhà văn Xuân Thiều Ảnh: Trần Nguyên Anh

Nhà sưu tập Nguyễn Thiều Quang bên bức tượng bố - Nhà văn Xuân Thiều Ảnh: Trần Nguyên Anh

Bài học lớn nhất với Nguyễn Thiều Quang đến từ bố - nhà văn Xuân Thiều, đó chính là sống trong cuộc đời này mỗi người cần có một lối đi riêng, một cách nhìn riêng và đừng bao giờ bỏ sót các giá trị chân thực, dù chúng bị quên lãng.

Anh Nguyễn Thiều Quang nói: “Bố tôi thường rất tâm đắc với các sáng tác về người lính. Bố tôi nói rằng người lính không chỉ là những người anh hùng mà họ cũng là con người, họ có niềm vui, có cả những sai lầm nữa, nhưng vấn đề là họ luôn vượt lên, hoàn thiện bản thân và chiến đấu hết mình vì Tổ quốc”.

Tác phẩm của Văn Cao trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Quang San

Tác phẩm của Văn Cao trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Quang San

Đứng bên bức tượng nhà văn Xuân Thiều trong Bảo tàng Quang San, nhà sưu tập trầm ngâm: “Thời tôi và thời bố tôi có những khoảng cách không hề nhỏ, nhưng tôi luôn tìm thấy chỗ dựa từ bố”.

Làm giàu nhưng phải… giấu bố

Anh Nguyễn Thiều Quang bùi ngùi: “Đời bố tôi là đời người lính, một nhà văn cả đời chỉ biết đến chữ nghĩa. Những năm đổi mới, tôi từ Liên Xô về, được cơ quan phân công tổ chức buôn bán, xuất nhập khẩu theo cơ chế thị trường, tôi phải giấu bố tôi. Chắc chắn bố tôi sẽ sốc khi biết tôi đi học hành ở nước ngoài về rồi… đi buôn, dù là đi buôn cho nhà nước! Với bố tôi, mô hình lý tưởng là làm công chức ăn lương”.

Có thời điểm anh Nguyễn Thiều Quang làm chủ tịch 8 công ty, nhưng nhà văn Xuân Thiều hỏi “Con đang làm gì?”, anh trả lời là đang công tác nghiên cứu về công trình ngầm. Những năm 1990, có chủ trương thành lập ngân hàng tư nhân, anh Nguyễn Thiều Quang là một trong những thành viên sáng lập ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, nhưng tuyệt nhiên “không hé lời nào” với ông bố nhà văn bởi “các nhà văn rất kỵ khi nói về tiền bạc”.

Anh Nguyễn Thiều Quang nói: “Chúng tôi tổ chức xuất nhập khẩu, đổi các mặt hàng nông sản để lấy nguyên vật liệu về cho các ngành công nghiệp xây dựng phát triển đất nước, điển hình là tham gia nhập khẩu vật liệu về để làm đường dây 500 KV”.

Sinh miền Trung, lớn lên miền Bắc, nhà nước phân công vào miền Nam, đi học thì ở “miền Tây” (châu Âu)… trải đủ “bốn miền”, nhưng chàng trai Hà Tĩnh vẫn không bao giờ quên giấc mơ nghệ thuật. Anh Quang nói: “Tôi mơ ước khi sự nghiệp kinh doanh thành công, tôi sẽ làm điều gì đó có ích cho nghệ thuật của đất nước”.

Hai thập kỷ sưu tập tranh

Khi kinh tế vững vàng, con cái đã lớn, vợ chồng anh Nguyễn Thiều Quang bắt đầu sưu tập tranh. Nhưng, khác với thương trường mua bán hướng tới lợi nhuận thì việc sưu tầm tranh của họ chỉ với một mục đích bảo vệ hội họa khỏi nạn “chảy máu tranh quý” ra nước ngoài.

Vợ chồng anh Nguyễn Thiều Quang nói: “Tới nay chúng tôi đã sưu tầm mua được 1.300 bức tranh quý và gia đình chỉ mua vào chứ chưa bao giờ bán ra bức tranh nào. Nhiều bức tranh chúng tôi mua hàng triệu USD và nhiều người muốn mua lại với giá cao hơn, nhưng chúng tôi không có ý định bán tranh kiếm lời”.

Vợ anh Nguyễn Thiều Quang là một cô gái người Hà Nội gốc, đam mê nghệ thuật, chiều chồng và cả đời theo chồng, từ Liên Xô về Việt Nam, từ kinh doanh đến chơi tranh. Cô nói: “Tôi có hai đứa con cũng đam mê nghệ thuật, các cháu học về nghệ thuật tại Mỹ và Anh. Hai cháu giúp chúng tôi nhiều trong việc thẩm định, bảo quản, trưng bày tranh”.

Hay tin có các bức tranh quý của Việt Nam được đấu giá ở đâu trên thế giới, vợ chồng anh Quang liền tìm hiểu thông tin, cố gắng “hồi hương” các bức tranh quý hiếm. Có lần họ ra Hà Nội, “tranh giành” với một nhà sưu tập Singapore để mua một bức tranh của danh họa Việt Nam đang chuẩn bị xuống tàu “xuất ngoại”.

Công trình để đời

Bảo tàng nghệ thuật Quang San được xây dựng tại khu Thảo Điền, TP Thủ Đức, ngay bên sông Sài Gòn.

Bảo tàng gồm tòa nhà 3 tầng lộng lẫy trải dài ven sông Sài Gòn, nhưng anh Nguyễn Thiều Quang vẫn còn tiếc nuối: “Giá như bảo tàng được xây dựng rộng hơn, cao hơn… Tôi còn nhiều tranh lắm. Tôi nói rằng tôi chỉ cần một phòng nhỏ để ở và làm việc, còn lại là treo tranh, nhưng các cơ quan chức năng nói khu vực này hạn chế xây dựng cả về diện tích lẫn chiều cao”.

Bảo tàng nghệ thuật Quang San có 2.000m2 trưng bày các bức tranh theo tiến trình phát triển hội họa của Việt Nam.

Người ta đặc biệt tâm đắc với mảng tranh của thầy trò trường Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có nhiều bức tranh của các giáo sư giảng dạy tại đây, như tranh của cô Joseph Inguimberty, thầy Evariste Jonchere (Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Đông Dương). Tranh của các học trò thành danh của họ là Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái…

Bảo tàng Quang San còn lưu giữ rất nhiều tranh thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và các tác phẩm của họa sĩ nổi danh đương đại.

Thăm bảo tàng, tiến sĩ Mã Thanh Cao - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM tâm huyết: “Sự ra đời của Bảo tàng Quang San sẽ là điểm cộng đối với thành phố TPHCM. Tôi tin rằng TPHCM sẽ ngày càng phát triển nhờ vào nội lực văn hóa của mình”.

Trong ngày chính thức khai trương bảo tàng, anh Nguyễn Thiều Quang nói: “Nếu tranh chỉ để treo trên tường nhà thì duy nhất có gia đình và bè bạn xem thôi. Khi được mở bảo tàng tư nhân, tôi rất mừng, vì giờ đây mọi người đều có thể đến xem những kiệt tác hội họa của Việt Nam để thêm tự hào về nền nghệ thuật của chúng ta, thêm yêu quê hương đất nước Việt Nam”.

Trong ngày khai mạc Bảo tàng nghệ thuật Quang San, anh Nguyễn Thiều Quang chia sẻ: “Trong lúc này, tôi rất nhớ bố tôi - Nhà văn Xuân Thiều. Bố tôi mất đi mà không biết tôi âm thầm sưu tập gìn giữ tranh quý. Tôi tin rằng ở nơi xa xôi nào đó, bố tôi cũng sẽ hài lòng với những đóng góp của tôi trong việc gìn giữ văn hóa dân tộc”.

6/2023

TRẦN NGUYÊN ANH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phia-sau-bao-tang-nghe-thuat-tu-nhan-dau-tien-post1543969.tpo