Phía sau bức ảnh biểu tượng cho sự vô nghĩa, tàn khốc của cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam
Một bác sĩ đã cứu sống một thủy quân lục chiến Mỹ ở Việt Nam. Bức ảnh biểu tượng cho sự vô nghĩa và tàn khốc của cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam đã giúp họ gặp lại nhau sau hơn nửa thế kỷ.
Năm 2018, Mayer Katz đọc cuốn sách của Mark Bowden - Hue 1968: A Turning Point of the American War in Vietnam (tạm dịch: Huế năm 1968: Bước ngoặt cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam). Đó là dịp kỷ niệm 50 năm Tết Mậu Thân, cuộc tấn công tổng lực của quân và dân Việt Nam ở miền Nam, và trận chiến khốc liệt của thủy quân lục chiến Mỹ để giành lại thành phố lịch sử.
Trận chiến đẫm máu nhất
Ở cuối cuốn sách, Katz, người từng là bác sĩ phẫu thuật của quân đội Mỹ tại một đơn vị Bệnh viện Phẫu thuật Quân đội Cơ động gần Huế, đã bắt gặp một bức ảnh mang tính biểu tượng cho sự vô nghĩa và tàn khốc của cuộc chiến. Bức ảnh cho thấy lính thủy đánh bộ bị thương chảy máu nằm trên một chiếc xe tăng đóng vai trò xe cứu thương tạm thời trong cuộc giao tranh ở Huế. Bức ảnh khiến nhiều người Mỹ đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của việc tiếp tục cuộc chiến.
Ở tiền cảnh của bức ảnh là thi thể của một binh nhì trẻ tuổi nằm phủ phục với một người lính đang chăm sóc vết thương ở ngực. Theo chú thích ảnh, người lính thủy đánh bộ là A.B. Grantham.
Cái tên Grantham đã khơi dậy ký ức của Katz, hiện đã 85 tuổi. Vị bác sĩ đã nghỉ hưu hiện sống ở thành phố Rehoboth Beach, bang Delaware. Ông lục lọi các tập hồ sơ cũ và tìm thấy nhật ký các ca phẫu thuật tại Bệnh viện Phẫu thuật số 22 ở Phú Bài, một căn cứ không quân gần Huế.
Ở đó, ngày 17/2/1968, cùng ngày được hiển thị trong chú thích ảnh, là các chi tiết y tế về hoạt động của Grantham. Khám phá đó cuối cùng đã đưa hai người đàn ông đến một cuộc hội ngộ không tưởng vào tháng 9/2022 và một tình bạn mới.
Grantham (72 tuổi, sống ở bang Alabama) nói: “Tôi phải gặp anh ấy sau cuộc phẫu thuật 54 năm trước”.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ (năm 1968) ít tình cờ hơn. Nó được thúc đẩy bởi cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, bắt đầu ngày 30/1/1968, khi hàng chục nghìn quân chính quy và du kích tấn công các lực lượng Mỹ - Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam.
Giao tranh dữ dội nổ ra khi lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ cố gắng đẩy lùi cuộc tấn công. Một trong những trận giao tranh ác liệt nhất xảy ra ở Huế, nơi mà trong gần một tháng, Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến Mỹ đã giao tranh đẫm máu trên từng căn nhà.
“Sẽ cần 24 ngày chiến đấu khủng khiếp để giành lại thành phố... Trận Huế sẽ là trận đẫm máu nhất trong chiến tranh Việt Nam, và là một bước ngoặt không chỉ trong cuộc xung đột đó mà còn trong lịch sử Mỹ”, Bowden viết trong cuốn sách của mình.
Ngày 17/2/1968, lính thủy đánh bộ 18 tuổi Grantham phục vụ trong một đội súng máy. Trong số năm người trong đơn vị của Grantham, người vác đạn là binh sĩ duy nhất còn đứng vững sau khi mảnh vỡ từ một quả đạn từ súng phóng lựu làm bị thương bốn người còn lại.
Grantham đảm nhận vị trí xạ thủ và hỗ trợ một đội thủy quân lục chiến khác đang bị tấn công. Thấy đối phương vãi đạn xung quanh mình, anh chạy vào một tòa nhà và đặt khẩu súng máy M60 ở cửa sổ để bắn trả.
Bộ đội Việt Nam nhanh chóng tấn công Grantham. Lính thủy đánh bộ Mỹ tránh được nhiều viên đạn trước khi một viên đạn AK-47 găm vào ngực, sát tim, xuyên qua phổi và xuyên qua vai phải.
Grantham nhớ lại: “Có cảm giác như ai đó đã lấy một que cời lò còn nóng đỏ ra khỏi lò lửa và chọc xuyên qua ngực tôi. Vết thương khiến tôi khó thở. Tôi nghĩ mình sẽ không qua khỏi”.
Những người lính thủy đánh bộ gần đó đã phản ứng nhanh chóng. Họ bịt vết thương của Grantham bằng giấy bóng kính từ bao thuốc lá và quấn anh bằng băng. Một thủy quân lục chiến khác đá sập cửa, lấy nó làm cáng.
Grantham được kéo đến nơi an toàn và đặt trên một chiếc xe tăng M48, theo Bowden, Grantham và John Olson - nhiếp ảnh gia của tờ báo quân sự Stars and Stripes. Grantham và những người bị thương được đưa lên xe cấp cứu tạm thời.
Bức ảnh gây chấn động
Đó là khi Olson chụp được một trong những bức ảnh gây chấn động nhất về chiến tranh Việt Nam. Olson cũng là người viết bài cho Life - tạp chí đăng bức ảnh trên hai trang trong số ra ngày 6/3/1968.
“Tôi nhớ chiếc xe tăng, tôi nhớ ống kính mà tôi đã chụp nó, nhưng tôi không nhớ mình đã chụp bức ảnh nào”, Olson nói. “Tôi có rất ít ký ức về khoảnh khắc đó. Tất cả chỉ là một sự mờ ảo”.
Trên chuyến xe tăng đến một trạm cứu trợ, mỗi cú xóc nảy, va chạm trên đường đều khiến cơ thể Grantham đau nhói. Cuối cùng, anh đến được Bệnh viện Phẫu thuật số 22 ở Phú Bài, nơi Đại úy Katz, lúc đó 30 tuổi, đến làm việc với anh.
Grantham kể: “Tôi nhớ anh ấy đã mổ ngực tôi. Y tá đã tiêm cho tôi, nhưng bác sĩ Katz không đợi nó có tác dụng. Đau kinh khủng!”.
Grantham đã được phẫu thuật trong nhiều giờ. Anh được truyền 10 đơn vị máu trong khi bác sĩ Katz cắt bỏ phần trên cùng của phổi phải, cũng như gắp các mảnh xương và hai xương sườn bị vỡ do mảnh đạn.
Ngày hôm sau, Grantham được sơ tán đến một con tàu bệnh viện, sau đó đến Nhật Bản, trước khi đến một bệnh viện ở thành phố Pensacola, bang Florida.
Trong quá trình hồi phục, cân nặng của Grantham giảm mạnh từ 75 kg xuống còn 53 kg. Anh nói: “Là thủy quân lục chiến, chúng tôi ở trong tình trạng thể chất tốt nhất. Bác sĩ Katz nói rằng chúng tôi rất khó bị giết”.
Grantham không biết về bức ảnh cho đến khi anh rể của mình phát hiện ra nó trên tạp chí Life và đưa cho xem khi anh đang hồi phục.
Sau đó, Grantham đi học đại học, kết hôn, sinh con, ly hôn, tái hôn và có một sự nghiệp kinh doanh thành công, trong khi vẫn đối mặt những ảnh hưởng của chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn.
Hội ngộ bất ngờ
Grantham đã tham dự các cuộc đoàn tụ với đồng đội thủy quân lục chiến. Trong một lần tụ tập, anh tình cờ gặp Olson, người đang trưng bày những bức ảnh chiến đấu của mình, bao gồm ảnh chiếc xe tăng với lính thủy đánh bộ bị thương nằm trên.
“Đó là tôi”, Grantham nói với nhiếp ảnh gia, người lúc đầu không tin anh. “Trong những năm qua, tôi đã nghe hàng trăm người tự xưng là lính thủy đánh bộ trên xe tăng”, Olson nói. “Sau khi kiểm tra, không ai trong số họ nói đúng cả nên tôi đã mất kiên nhẫn với A.B. Grantham như tôi đã làm với tất cả những người khác. Nhưng khi anh ấy kể cho tôi nghe câu chuyện của mình, tóc gáy tôi dựng đứng”.
Sau khi kiểm tra hồ sơ và tài liệu, Olson tin chắc rằng Grantham chính là người đó. Bowden đã nói chuyện với Grantham về cuốn sách của mình và dựa trên nghiên cứu của Olson, xác định được người lính thủy đánh bộ bị thương chính là Grantham.
Một cuộc điều tra năm 2019 của tạp chí New York Times đã sử dụng những bức ảnh chưa được công bố trước đó và các thông tin khác để lập luận một cách thuyết phục rằng, lính thủy đánh bộ nằm sấp trên xe tăng không phải là Grantham, mà là thương binh James Blaine, người đã chết vào cuối ngày hôm đó.
Tuy nhiên, Olson, người thông qua nghiên cứu của mình đã xác định và phỏng vấn 10 trong số 11 binh sĩ trên xe tăng, vẫn chắc chắn rằng đó là Grantham. Bản thân Grantham cũng vậy.
Ngay cả khi thông tin Bowden viết trong sách không chính xác, thì đó cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc hội ngộ bất ngờ giữa Katz và Grantham. Chú thích ảnh trong cuốn sách của Bowden đã khiến con gái của Katz liên hệ với tác giả, người đã giúp Katz liên lạc với Grantham.
Họ đã lên kế hoạch gặp nhau, mặc dù đại dịch COVID-19 và cái chết của vợ Katz đã khiến cuộc gặp gỡ của họ bị trì hoãn. Vào tháng 9/2022, Grantham và vợ cuối cùng đã lên máy bay để ở vài ngày tại nhà của Katz ở Delaware.
“Khi tôi nhìn thấy A.B. Grantham, tôi đã chạy đến và ôm lấy anh ấy. Chúng tôi không thể ngừng nói chuyện”, Katz kể. “Tôi đã cám ơn anh ấy rất, rất nhiều lần”, Grantham nhớ lại.
Kể từ đó, Grantham gọi điện cho Katz ít nhất một lần một tuần. “Bác sĩ Katz là một người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt, vì vậy chúng tôi nói về bóng đá rất nhiều”, Grantham kể.