Phía sau bức họa Làng họa sỹ Cổ Đô. Ghi chép của phóng viên TG&VN.

Từ trung tâm Hà Nội, sau hơn 2 giờ ngược dòng sông Hồng, tôi dừng chân ở 'Làng Họa sỹ Cổ Đô', ngôi làng mang dáng dấp làng quê Bắc Bộ cổ kính, thuộc huyện Ba Vì. Trên đường đi, tôi thầm hỏi, vì sao con người nơi đây lại say mê hội họa đến vậy và làm thế nào họ vẫn giữ được truyền thống để trở thành một nơi độc nhất vô nhị của Việt Nam.

Thầy giáo, họa sỹ Trường Yên, họa trò của cụ Sỹ Tốt giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm "Việt Nam - Cu Ba" của Sỹ Tốt tại Bảo tàng Họa sỹ Sỹ Tốt và Gia đình. (Ảnh: MH)

Đón tôi đến làng là những cơn gió mát lành giữa mùa Hạ thổi lên từ sông Hồng. Gió làm lay động cả tấm pano in bức họa “Tiếng đàn bầu” của cố họa sỹ Nguyễn Sỹ Tốt (cụ Sỹ Tốt) nổi tiếng được dựng đầu làng. Gió như càng làm cho bức tranh thêm sống động. Tôi như bị mê hoặc bởi dư âm tiếng đàn bầu của người lính cụ Hồ năm xưa trong bức họa. Dư âm ấy dường như đưa bước chân tôi nhanh hơn tới Bảo tàng Họa sỹ Sỹ Tốt và Gia đình.

“Làng họa sỹ chân đất”

Thấp thoáng sau những bóng dừa, hàng cau, hai căn nhà 2 tầng cạnh nhau của Bảo tàng dần hiện ra. Phía trong là một kho tàng nghệ thuật quý giá với gần 100 bức tranh lớn nhỏ trên nhiều loại chất liệu và phù điêu.

Chẳng hiểu do trời đẹp hay hữu duyên mà trong chuyến đi này, tôi may mắn được gặp gỡ nhiều thế hệ họa sỹ đang có mặt tại Bảo tàng. Những thế hệ đàn em của họa sỹ Sỹ Tốt như họa sỹ Huỳnh Mai - Huynh Mai Xiricop học hội họa tại đại học Xiricop (LB Nga) - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô (CLB MT Cổ Đô), họa sỹ Trần Hòa; các họa sỹ thế hệ con cháu như họa sỹ Hoàng Tuấn Việt, Chủ nhiệm CLB MT Cổ Đô và hai nhà giáo họa sỹ Lê Vinh, họa sỹ Trường Yên - Phó Chủ nhiệm CLB MT Cổ Đô (phụ trách tổ chức lớp vẽ). Tôi cũng có cơ hội gặp gỡ hai cháu bên nội, ngoại của cụ Sỹ Tốt là họa sỹ Nguyễn Văn Nhất và họa sỹ Phan Hồng. Họ đều đã có những ngày theo ông của mình tập tành hội họa từ những hòn than, cục gạch.

Họa sỹ Hoàng Tuấn Việt cười nói: “Người nông dân làng tôi có thể vừa cấy lúa, nhưng bước lên bờ, lau tay là có thể sáng tác ngay một bức chân dung đẹp. Làng tôi có hơn 800 nóc nhà, hầu như nhà nào cũng có người vẽ tranh. Đa số họa sỹ trong CLB MT Cổ Đô đều có phòng tranh, xưởng vẽ tại gia. Bên cạnh Bảo tàng cá nhân của cụ Sỹ Tốt đây, còn có Bảo tàng của Làng thường xuyên trưng bày khoảng 300 tác phẩm hội họa, điêu khắc xuất sắc của các hội viên CLB MT Cổ Đô và các họa sỹ xuất thân từ Làng”. Chia sẻ của anh Tuấn Việt khiến tôi chợt ngộ ra, có lẽ vì vậy mà người ta hay nói vui Cổ Đô là “làng họa sỹ chân đất”.

Nói vui và khiêm tốn như vậy nhưng phải công nhận rằng làng họa sỹ giờ đây rất chuyên nghiệp. Theo họa sỹ Huỳnh Mai, hiện phần đông thành viên CLB MT Cổ Đô là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ Thuật Hà Nội. Có đến 2/3 số giáo viên dạy Mỹ thuật tại huyện Ba Vì xuất thân từ Làng Cổ Đô và đây cũng là làng duy nhất ở Việt Nam có 2 viện bảo tàng hội họa (Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô và Bảo tàng Họa sỹ Sỹ Tốt và Gia đình) và có trên 60 phòng tranh tư gia.

Thầy và trò lớp vẽ tại Bảo tàng Làng. (Ảnh: Trường Yên)

Người truyền cảm hứng hội họa cho làng

Hẳn ai đến Cổ Đô đều thấy ấn tượng với những bức họa của cụ Sỹ Tốt. Sau năm 1946, họa sỹ Sỹ Tốt tham gia quân ngũ thuộc Sư đoàn 316 và trải qua nhiều chiến dịch: Biên giới, Tây Bắc, Điện Biên Phủ.... Nhờ vốn sống phong phú và những chuyến đi thực tế tại nhiều nước châu Âu, tranh của cụ Sỹ Tốt đầy sắc màu, góp phần nuôi dưỡng nhiều ước mơ hội họa ở làng Cổ Đô bay cao đi xa.

Như đọc được sự háo hức của tôi, họa sỹ Lê Vinh chậm rãi kể về những bức tranh sơn dầu nổi tiếng của cụ Sỹ Tốt, trong đó có bức “Ơ bố!” và “Tiếng đàn bầu”. Đây là bức tranh vẽ cảnh 2 bố con đang ở chiến trường miền Nam, giữa bạt ngàn rừng dừa. Bất thình lình, hai bố con gặp nhau, người con kêu lên: “Ơ bố!” Nét cọ tài hoa của cụ Sỹ Tốt đã khắc họa được cảnh hai bố con ôm nhau với gương mặt cực kỳ biểu cảm. Còn bức tranh “Tiếng đàn bầu” chính là bài thi tốt nghiệp của cụ tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Nguyên mẫu anh hộ đội trong tranh chính là em trai, người phụ nữ e thẹn bên cửa là em gái, 2 đứa trẻ trong tranh cũng chính là cháu của cụ”.

Câu chuyện của chúng tôi chùng xuống khi họa sỹ Nguyễn Văn Nhất, cháu đích tôn của cụ Sỹ Tốt thắp nén tâm nhang trước bàn thờ cụ. Tiếng thổ lộ của anh khiến chúng tôi rưng rưng: “Mang tiếng bán được nhiều tranh nhưng cụ chẳng tiêu cho bản thân đồng nào, chỉ rứt ruột bán tranh khi con cái, ngã bệnh. Hai bức “Tiếng đàn bầu” và “Ơ bố!” bán được với giá hơn 7.000 USD. Sau này tôi và chú La Vuông (con trai thứ của cụ Sỹ Tốt) đã lặn lội đi nhiều nơi để sưu tầm lại tranh của cụ thất lạc, nhưng có bức mua được, có bức người ta nhất định không bán lại”.

Dường như để thêm vài nét họa trong bức chân dung về cụ, họa sỹ Phan Hồng cho biết thêm, “cụ Sỹ Tốt chính là người đầu tiên khởi xướng và truyền tình yêu hội họa cho người Làng. Làng Cổ Đô có phong trào dạy và học vẽ từ mấy chục năm nay. Chúng tôi cũng được học vẽ từ khi còn nhỏ, từ những ngày Hè theo chân cụ Sỹ Tốt, họa sỹ La Vuông ra bến sông, cảm nhận cuộc sống xung quanh mình và vẽ, rất tự nhiên. Cũng với tình thần của cụ, đến nay CLB Mỹ thuật Cổ Đô vẫn được duy trì và mở lớp học vẽ miễn phí thường niên cho các cháu yêu hội họa trong vùng”.

Họa sỹ nhí - mầm non tương lai

Theo cánh phượng hồng rơi rải rác dọc đường làng, chúng tôi tới Bảo tàng Mỹ Thuật Cổ Đô - Viện bảo tàng thứ 2 của Làng. Với hơn 300 bức họa và thường xuyên được treo tại Bảo tàng, hằng năm Bảo tàng đều đặn có các cuộc triển lãm tranh, giao lưu với nhiều trường học và các tổ chức hội họa trong cả nước. Hiện nay, CLB MT Cổ Đô có 45 thành viên là những người con của Cổ Đô, đang sinh sống tại trong và ngoài nước.

Bảo tàng của Làng rộng hơn 5.000m2, hôm nay râm ran tiếng trẻ. Phó Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Cổ Đô Trường Yên cho biết: “Hữu xạ tự nhiên hương. Ngày càng nhiều em nhỏ mong muốn được tham gia lớp học vẽ. Nếu năm 2018, mới có hơn 80 học sinh thuộc làng Cổ Đô và 4 xã lân cận, thì năm 2019 này có 143 em thuộc làng Cổ Đô và 8 vùng lân cận tham dự. CLB MT Cổ Đô đã tuyển chọn ra 60 em để hướng dẫn. Các em được chia thành 2 lớp: Tiểu học và Trung học cơ sở. Các em được học vẽ ngay khuôn viên tại Bảo tàng của Làng”.

Tôi đứng bên lớp vẽ trực họa ngoài sân Bảo tàng Làng và ngắm dáng đầu nghiêng nghiêng, với 2 bím tóc tết gọn gàng của bé Nguyễn Châu Anh (11 tuổi) lớp Tiểu học A1. Cô bé chia sẻ: “Con tham gia lớp vẽ năm thứ hai rồi và con đã dần cảm nhận được vẻ đẹp của các bức tranh của mình. Có khi, chỉ cần nghe tiếng gà gáy sáng, con đã tưởng tượng được một bức tranh về một miền quê yên bình...”.

Bên trong không gian trưng bày mà lớp học đang vẽ trực họa, bé Nguyễn Giang Nam vui vẻ giơ cao bức tranh vừa hoàn thành của mình, nhanh nhảu khoe: “Ngoài việc được các thầy dạy về cái nhìn thiện mỹ đa chiều, con còn được giao lưu học hỏi. Ở lớp Hè 2018, con đã được tham gia triển lãm tranh cùng các thầy trong CLB với trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Con vui lắm!. Con thấy như mình đã chạm tay được vào giấc mơ”.

Nhìn cách các con cháu trong dòng tộc của họa sỹ Sỹ Tốt gìn giữ những bức tranh quý của cụ và cách các họa sỹ thầy giáo Thế Luân, Minh Tiến, Phùng Đức, Duy Nguyên, Mạnh Hùng, Phan Tùng, Lê Duy đang nhiệt tình hướng dẫn đám trẻ, tôi đã có câu trả lời cho ẩn số của mình. Tôi lại thêm vững tin rằng, truyền thống hội họa của Làng sẽ ngày càng bền vững và phát triển.

Minh Hòa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phia-sau-buc-hoa-lang-hoa-sy-co-do-ghi-chep-cua-phong-vien-tgvn-97794.html