Phía sau cuộc đua miễn, giảm phí của các công ty chứng khoán
Bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2023 kém hấp dẫn hơn năm 2022 với thanh khoản giảm sút, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức, chỉ có ít cổ phiếu mới được niêm yết/đăng ký giao dịch, khiến cuộc cạnh tranh thu hút khách hàng giữa các công ty chứng khoán khốc liệt hơn.
Công ty chứng khoán giữa làn sóng miễn, giảm phí
Ông Nguyễn Điệp Tùng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), nhận định TTCK đang “co hẹp”, tức giảm mạnh cả điểm số và thanh khoản, trong khi số lượng công ty chứng khoán giữ nguyên, nên cuộc cạnh tranh thị phần và thu hút khách hàng sẽ khốc liệt hơn.
Theo ông Tùng, tình hình mở tài khoản chứng khoán từ đầu năm đến nay của FPTS có diễn biến tương tự kết quả kinh doanh của công ty, là “không tốt” do mức thanh khoản của thị trường sụt giảm mạnh.
Thực tế, không chỉ số lượng mở tài khoản tại FPTS, mà tất cả số lượng mở tài khoản tại các công ty chứng khoán đều suy giảm theo thị trường. Ngay cả các nhà đầu tư cũ cũng đang đứng ngoài thị trường khá nhiều, số lượng các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường rất thấp.
Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho thấy số lượng tài khoản nhà đầu tư chứng khoán mở mới chỉ đạt 22.926 tài khoản trong tháng 4-2023, thấp hơn khá nhiều so với con số 39.802 tài khoản được mở mới trong tháng 3. Đây là tháng thứ ba liên tiếp số lượng tài khoản chứng khoán mở mới giảm và cũng là mức thấp nhất trong hơn ba năm qua.
Bối cảnh thị trường khó khăn khiến kết quả kinh doanh của nhiều công ty chứng khoán chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Công ty Chứng khoán VPS (VPSS), doanh nghiệp nắm giữ thị phần môi giới lớn nhất thị trường, công bố báo cáo tài chính quí 1-2023 với doanh thu chỉ ở mức 1.362 tỉ đồng – giảm 46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi từ các khoản cho vay và phải thu chỉ ở mức 205 tỉ đồng, giảm hơn 40%. Doanh thu từ môi giới chứng khoán ở mức 411 tỉ đồng, giảm gần 60% và là quí thứ sáu liên tiếp doanh nghiệp ghi nhận doanh thu từ môi giới sụt giảm so với quí liền trước.
Dù các chi phí đều giảm nhưng do doanh thu môi giới và cho vay giảm quá sâu, lợi nhuận sau thuế của VPS chỉ đạt mức 116 tỉ đồng, giảm 52%.
Tương tự, Công ty Chứng khoán MB (MBS) ghi nhận doanh thu hoạt động ở mức 336 tỉ đồng trong quí 1-2023, giảm 45%. Trong đó, lãi từ cho vay và phải thu ở mức 120 tỉ đồng, giảm 43%. Doanh thu từ môi giới ở mức 93 tỉ đồng, giảm 64%.
Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng ghi nhận doanh thu hoạt động ở mức 84,5 tỉ đồng trong quí 1-2023, giảm 17% Trong đó, lãi từ các khoản cho vay và phải thu ở mức 33 tỉ đồng, giảm 19%. Doanh thu môi giới chứng khoán ở mức 9 tỉ đồng, giảm 66%.
Nguồn thu sụt giảm mạnh khiến biên lợi nhuận gộp từ môi giới của nhiều công ty chứng khoán giảm đáng kể. Biên lợi nhuận từ môi giới của VNDirect giảm từ mức 32% vào quí 4-2022 xuống mức 24% vào quí 1-2023. Với HSC là giảm từ mức 30% xuống mức 25%.
Mirae Asset còn ghi nhận lợi nhuận gộp mảng môi giới ở mức dương vào quí 4-2022 thì tới quí 1-2023 báo lợi nhuận âm 19%. Tương tự, MBS cũng ghi nhận lợi nhuận âm ở mảng môi giới.
Để gia tăng thị phần, không ít công ty chứng khoán nhỏ và vừa hạ phí hay miễn phí.
Tại kế hoạch tăng vốn đầu tư trị giá 10.038 tỉ đồng được công bố cuối năm 2022, Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đã vạch ra một số chương trình kinh doanh đột phá chuẩn bị triển khai, gồm zero-fee, iXu, eVoucher hay phương án kết nối hệ sinh thái để đáp ứng kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng thị phần và nhu cầu khách hàng trong mảng kinh doanh giao dịch cổ phiếu và vay ký quỹ.
Kế hoạch tăng vốn tới nay vẫn chưa triển khai, nhưng doanh nghiệp đã đưa mức phí giao dịch cổ phiếu, chứng quyền và chứng chỉ quỹ niêm yết xuống mức 0,03% từ 1-1-2023. Mức phí này áp dụng với toàn bộ khách hàng (trừ nhóm được giới thiệu bởi đối tác phát triển kinh doanh – PV) và vừa đủ để TCBS thanh toán cho các sở giao dịch chứng khoán.
Công ty Chứng khoán DNSE cũng công bố chính sách cấp gói miễn phí (free) cho các nhà đầu tư chỉ thực hiện giao dịch mua bán cơ bản và gói nâng cao (premium) cho phép thêm vay ký quỹ, lưu ký hay ứng trước tiền với mức phí riêng, nhưng cũng được giới thiệu là “chạm đáy” hoặc ở mức trung bình so với mặt bằng chung.
Ngược lại, không ít công ty chứng khoán tỏ ra thận trọng hoặc từ chối tham gia cuộc cạnh tranh miễn, giảm phí.
Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), cho biết ban lãnh đạo doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng thị phần mạnh, nhưng cũng rất cân nhắc giữa chi phí và hiệu quả đem lại.
“Chúng ta có dám đánh đổi mục tiêu chi phí hay không, cho chi phí về zero, có thể thị phần tăng mà không đem lại hiệu quả cho cổ đông”, ông Tiến nêu vấn đề tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023.
Ông Nguyễn Điệp Tùng cho rằng nếu không hành động gì sẽ mất thị phần, nhưng không thể tham gia cuộc đua miễn phí vì về lâu dài không thể có bất kỳ công ty nào hoạt động mà không có lợi nhuận.
“Về lâu dài, không có công ty nào duy trì được hệ thống công nghệ lớn với nhiều tiện ích, phát triển những sản phẩm dịch vụ mới phục vụ nhà đầu tư theo kịp sự phát triển của thị trường mà không nhận lại đồng nào”, ông Tùng nói tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023.
Những tính toán dài hạn
Cuộc cạnh tranh miễn, giảm phí qua chính sách “zero-fee” hay chính sách “free/premium” của một số công ty chứng khoán đang tạo nên sức ép hiện hữu trong việc duy trì thị phần môi giới với các doanh nghiệp còn lại.
Thực tế, thị phần môi giới nắm giữ không chỉ trực tiếp tác động đến nguồn thu nhập của công ty chứng khoán, mà còn là tiêu chí đánh giá mức độ uy tín của công ty đó. Thống kê trong năm 2022, hoạt động môi giới đứng đầu trong cơ cấu doanh thu tại 18 trong khoảng 70 công ty chứng khoán. Doanh thu môi giới tại gần 70 công ty đóng góp 22% tổng doanh thu hoạt động năm 2022. Con số này trong năm 2021 là 27%.
Để duy trì thị phần trong bối cảnh chịu sự cạnh tranh, ông Nguyễn Điệp Tùng cho biết FPTS sẽ cạnh tranh bằng chất lượng. Chẳng hạn, xây dựng hệ thống công nghệ mới với nhiều tiện ích để phục vụ giao dịch của nhiều nhà đầu tư hơn; xây dựng đội ngũ tư vấn và nâng cao chất lượng tư vấn, chất lượng dịch vụ.
Ông Vũ Đức Tiến cho biết SHS cùng nằm trong hệ sinh thái với SHB nhưng SHS và SHB chưa khai thác hết tiềm năng tệp khách hàng lớn của nhau. Do đó, công ty đang chuẩn bị nền tảng công nghệ thông tin để kết nối giữa SHS và SHB.
“Bất cứ khách hàng nào có tài khoản SHB cũng có tài khoản SHS. Việc này kỳ vọng sẽ đẩy mạnh mảng môi giới của SHS”, ông Tiến nói.
Bà Vũ Ngọc Anh, Giám đốc bán lẻ của Công ty Chứng khoán SSI, khẳng định khách hàng cá nhân là một bộ phận quan trọng mà công ty hướng tới. Những giải pháp, chiến lược mới đều đặt nhóm này là trung tâm, còn công ty sẽ là “người đồng hành”.
Với đối tượng khách hàng cá nhân, bà Ngọc Anh cho biết chiến lược mới của SSI vẫn dựa trên giá trị cốt lõi là tư vấn đầu tư, nhưng tiếp cận theo hướng tổng tài sản khách hàng.
“Đây là cách tiếp cận mới phù hợp với mảng khách hàng cá nhân trong tương lai của tất cả các tổ chức tài chính trên thế giới và ở Việt Nam”, bà Ngọc Anh nói tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023.
Cũng theo bà Ngọc Anh, SSI sẽ tiếp cận khách hàng theo 2 hướng. Thứ nhất, chuẩn hóa những sản phẩm dịch vụ và sản phẩm đầu tư với toàn bộ nhóm khách hàng bao gồm nhà đầu tư mới và cũ.
Thứ hai, tư vấn về cổ phiếu sẽ nền tảng để công ty phát triển toàn diện, hướng tới tư vấn, hoạch định tài chính cho khách hàng.
“Nhóm khách hàng này sẽ được cung cấp một dịch vụ giống như việc quản lý tài sản, phân bổ danh mục vào các tài sản tài chính khác nhau để hướng đến mục tiêu cuối cùng là bảo toàn và tăng trưởng quy mô”, bà Ngọc Anh cho biết.
Để thực hiện chiến lược này, về nhân sự, SSI sẽ nâng cao năng lực của đội ngũ môi giới và tổ chức phù hợp với điều kiện mới của thị trường khi có nhiều lớp thế hệ nhà đầu tư mới, công nghệ mới, cách tiếp cận mới.
“Chúng ta cần cung cấp cho lực lượng môi giới công cụ mới để đảm bảo năng lực của họ phát huy được tối đa thông qua hệ thống công cụ tiện ích, đặc biệt không chỉ phục vụ một nhóm nhà đầu tư nhỏ mà còn phục vụ tệp nhà đầu tư lớn hơn. Chúng tôi sẽ thực hiện mục tiêu đó thông qua việc xây dựng, đóng gói các sản phẩm cũng như công cụ đầu tư mới cho anh em môi giới có thể phục vụ khách hàng”, bà Ngọc Anh nói và cho rằng đây là một trong những nhóm giải pháp giải quyết vấn đề “zero-fee”.
Về thiết kế sản phẩm, SSI sẽ đóng gói các công cụ hay sản phẩm đầu tư tiêu chuẩn nhằm phục vụ các nhóm nhà đầu tư với nhu cầu, khẩu vị khác nhau. Đơn vị cũng sẽ xây dựng hệ thống quyền lợi riêng để đảm bảo nhà đầu tư gắn bó với môi giới, với công ty không chỉ trong một vài năm mà là cả vòng đời đầu tư của khách hàng, thậm chí gia đình khách hàng.
Thực tế, những chiến lược trên được lãnh đạo các công ty chứng khoán đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp ngành chứng khoán không chỉ đối diện với bài toán duy trì thị phần trong một thị trường đang co hẹp, mà phải đảm bảo tỷ suất sinh lời, hiệu quả sử dụng vốn hay tỷ lệ cổ tức cho cổ đông trong bối áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất vẫn hiện hữu, ảnh hưởng tới khả năng sinh lời của kênh đầu tư cổ phiếu.