Phía sau đơn gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển
Đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển không chỉ là quyết định lịch sử, thể hiện thái độ với Nga mà còn có tầm quan trọng đặc biệt về mặt chiến lược với liên minh này.
Sáng ngày 18/5, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đại sứ Phần Lan tại NATO Klaus Korhonen và người đồng cấp Thụy Điển Axel Wernhoff đã trao tận tay lá đơn có hình cờ hai nước tới Tổng thư ký của khối, ông Jens Stoltenberg tại Brussels, Bỉ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đánh giá cao quyết định của hai nước trên, gọi đây là “một ngày tốt lành, trong giai đoạn then chốt vì an ninh của chúng ta”.
Về phần mình, ngày 17/5, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson khẳng định bà rất vui vì Thụy Điển có thể cùng Phần Lan “đi chung con đường và làm điều đó cùng nhau”.
Đáng chú ý, đơn xin gia nhập chính thức được đưa ra chỉ một tuần sau khi Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin tuyên bố ủng hộ Helsinki vào NATO ngày 12/5.
Năm ngày sau đó, Quốc hội nước này đã thông qua đề xuất với kết quả áp đảo 188/196 phiếu. Mặc dù cuộc bỏ phiếu chỉ mang tính hình thức vì Tổng thống Phần Lan có thẩm quyền với chính sách đối ngoại quốc gia, song nó cũng cho thấy tín hiệu về sự ủng hộ quyết định của Helsinki.
Tương tự, ngày 15/5, đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền tại Thụy Điển đã chính thức thể hiện thái độ tích cực về gia nhập NATO. Khảo sát cũng cho thấy 57% người dân của đất nước Bắc Âu ủng hộ quyết định này, tăng 9% so với tháng 4. Hai ngày sau, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde đã ký đơn xin gia nhập NATO.
Đáng chú ý, chỉ một ngày sau khi nộp đơn vào NATO, lãnh đạo hai nước Bắc Âu sẽ gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington ngày 19/5. Theo Phủ Tổng thống Phần Lan, hai bên dự kiến sẽ thảo luận về quyết định gia nhập liên minh và “mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ trong bối cảnh tình hình an ninh đã thay đổi”.
Những diễn biến trên cho thấy việc Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn gia nhập NATO là đặc biệt quan trọng với hai nước nói riêng và phương Tây nói chung. Vậy những ý nghĩa đó là gì?
Quyết định lịch sử
Trước hết, Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn gia nhập NATO là quyết định lịch sử bởi trong nhiều thập kỷ, chính sách trung lập và không liên kết quân sự là yếu tố quan trọng, đóng góp vào sự phát triển vượt bậc của cả hai nước.
Năm 1948, sau khi Thế chiến II khép lại và Moscow trở thành một cường quốc toàn cầu, đứng trước nguy cơ về một cuộc Chiến tranh mùa Đông mới, Helsinki đã cam kết theo đuổi quy tắc trung lập.
Trong khi đó, Stockholm đã duy trì chính sách trung lập chính thức trong gần 2 thế kỷ kể từ khi các cuộc chiến tranh của Napoleon kết thúc năm 1814. Nước này cũng mới chỉ tham gia nhiệm vụ quân sự ở Afghanistan, hoặc gần đây là ở Mali.
Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn gia nhập NATO là quyết định lịch sử bởi trong nhiều thập kỷ, chính sách trung lập và không liên kết quân sự là yếu tố quan trọng, đóng góp vào sự phát triển vượt bậc của cả hai nước.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, chính sách của Phần Lan và Thụy Điển đã ít nhiều có sự điều chỉnh. Việc tham gia Hiệp định Đối tác vì Hòa bình, trở thành đối tác đặc quyền của khối vào năm 1994, và thành viên của Liên minh châu Âu (EU) một năm sau là minh chứng cho thay đổi dù nhỏ nhưng quan trọng này. Dẫu vậy, cả Thụy Điển và Phần Lan vẫn không liên kết về mặt quân sự như nhiều nước khác.
Song quan ngại về xung đột Nga-Ukraine đã khiến đa số người Phần Lan ủng hộ gia nhập NATO trong khi Thụy Điển, sau 83 năm, lần đầu tiên viện trợ vũ khí cho một nước đang có chiến tranh và thảo luận về tư cách thành viên trong NATO.
Ý nghĩa biểu tượng
Thêm vào đó, lá đơn của Helsinki và Stockholm còn thể hiện thái độ của hai nước này với xung đột Nga-Ukraine.
Moscow từng nói khẳng định nước này triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” để ngăn Kiev gia nhập NATO, cản liên minh quân sự này mở rộng về phía Đông và đặt các lực lượng Mỹ ở ngay sát biên giới Nga.
Vì thế, việc Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn vào khối mang ý nghĩa biểu tượng, thể hiện sự phản đối với xung đột Nga-Ukraine nói riêng và Moscow nói chung.
Giá trị chiến lược
Cuối cùng, quyết định của hai nước Bắc Âu có ý nghĩa chiến lược với NATO.
Bộ Quốc phòng Pháp nhận định: “Sự xuất hiện của Phần Lan và Thụy Điển (trong NATO) sẽ tạo chiều sâu chiến lược mới cho sườn phía bắc của châu Âu”. NATO sẽ có sự hiện diện liên tục, rộng khắp trong khu vực, ngoại trừ vùng Kaliningrad.
Thêm vào đó, cả Phần Lan và Thụy Điển đều là đối tác của NATO, có quân đội “tương hợp” với bộ chỉ huy khối và đã tham dự hầu hết các thảo luận chính trị.
Về lực lượng, Phần Lan vẫn duy trì nghĩa vụ quân sự, còn Thụy Điển đã khôi phục một phần ngân sách quốc phòng thời Chiến tranh lạnh. Helsinki có 13.000 quân nhân chuyên nghiệp, song có thể huy động 280.000 binh sĩ thời chiến và 600.000 quân dự bị. Thụy Điển có 50.000 binh sĩ; một nửa số đó thuộc quân dự bị.
Nếu hai nước này gia nhập NATO, đây sẽ là sự bổ sung quan trọng về mặt chiến lược và chất lượng cho Bộ chỉ huy chiến dịch liên minh của NATO (ACO).
Do đó, lá đơn gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển không chỉ là quyết định lịch sử với hai nước này và phương Tây mà còn có ý nghĩa chiến lược với liên minh này.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phia-sau-don-gia-nhap-nato-cua-phan-lan-va-thuy-dien-184150.html