Phía sau hào quang của các bộ phim trăm tỷ
Điện ảnh Việt thời gian gần đây liên tục ghi nhận các 'cú hích' doanh thu với nhiều bộ phim cán mốc trăm tỷ đồng. Thế nhưng, phía sau những con số kỷ lục ấy là không ít tranh luận về chất lượng nghệ thuật, khi nhiều bộ phim tuy 'cháy vé' nhưng lại gây thất vọng bởi nội dung hời hợt, thiếu chiều sâu nghệ thuật...
Phía sau những con số trăm tỷ
Sau “cú hích” mang tên “Mai” với kỷ lục doanh thu hơn 551 tỷ đồng, Trấn Thành nhanh chóng tái xuất với phim “Bộ tứ báo thủ”.

Các diễn viên trong phim “Thám tử Kiên”. Ảnh: ĐPCC
Tuy nhiên, kỳ vọng lớn từ thành công trước lại khiến tác phẩm này đối diện với nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều khán giả cho rằng phim thiếu sự đột phá trong nội dung, nhân vật được xây dựng theo mô-típ cũ, còn lối kể chuyện bị đánh giá là thiếu tự nhiên. Dù vẫn giữ những “đặc sản” quen thuộc như yếu tố hài và cảm động, nhưng “Bộ tứ báo thủ” không đủ sức nâng tầm tổng thể tác phẩm.
Một hiện tượng khác là “Đèn âm hồn” của đạo diễn Hoàng Nam - bộ phim kinh dị đạt doanh thu gần 106 tỷ đồng tính đến giữa tháng 3, lọt top những tác phẩm kinh dị Việt ăn khách nhất. Tuy nhiên, thành tích thương mại không đồng nghĩa với sự công nhận về chất lượng bộ phim. Kịch bản bị chê thiếu logic, nhịp phim không ổn định khi phần mở đầu khá hấp dẫn nhưng càng về sau càng rời rạc, lỏng lẻo. Một số phân đoạn kéo dài không cần thiết khiến mạch truyện chậm lại, làm người xem mất cảm xúc và hụt hẫng khi bước ra khỏi rạp.
Không nằm ngoài đường đua doanh thu, “Nụ hôn bạc tỷ” của Thu Trang cũng tạo dấu ấn khi vượt mốc 200 tỷ đồng - con số đáng nể với một bộ phim tình cảm - hài. Dẫu vậy, bộ phim vẫn đối mặt với nhiều tranh luận trái chiều. Dù được đầu tư kỹ lưỡng về bối cảnh và quy tụ dàn diễn viên tên tuổi, nhưng nội dung lại bị đánh giá là thiếu đột phá. Không ít khán giả nhận xét rằng kịch bản dễ đoán, các tình tiết chưa tạo được sự bất ngờ, còn diễn xuất của một số nhân vật chưa đạt đến độ chín cần thiết để chạm đến chiều sâu cảm xúc.
Gần đây nhất, bộ phim “Tìm xác - ma không đầu” chỉ sau 1 tuần công chiếu đã chạm mốc 600.000 vé (tương đương doanh thu hơn 40 tỉ đồng) đã tạm dừng công chiếu.
Dẫn ra những bộ phim này cho thấy, điện ảnh Việt đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh về mặt thương mại, song vẫn loay hoay tìm chỗ đứng vững chắc về mặt nghệ thuật. Khi lượng chưa đi đôi với chất, những con số trăm tỷ dẫu đáng khích lệ vẫn chưa đủ để khẳng định một nền điện ảnh trưởng thành.
Hào quang nhất thời
Khán giả ngày càng khắt khe hơn trong việc đánh giá chất lượng của một bộ phim, đặc biệt là các bạn trẻ, với thói quen so sánh phim Việt với các tác phẩm quốc tế. Vì vậy, trách nhiệm đặt ra cho các nhà làm phim không chỉ là làm sao để kéo người xem đến rạp, mà còn là giữ chân họ bằng những câu chuyện sáng tạo, tử tế và giàu cảm xúc. Doanh thu có thể mang lại hào quang nhất thời, nhưng chính giá trị nghệ thuật mới là yếu tố trường tồn, góp phần định hình bản sắc điện ảnh và nuôi dưỡng tình cảm của khán giả.
Là một ngành kinh tế đồng thời cũng là loại hình nghệ thuật có tính định hướng văn hóa, điện ảnh cần đạt sự cân bằng giữa thương mại và sáng tạo. Tăng trưởng doanh thu là tín hiệu đáng khích lệ, song nếu chỉ chạy theo lợi nhuận mà đánh đổi chiều sâu nội dung, điện ảnh Việt khó có thể phát triển bền vững.
Theo đạo diễn Bùi Trung Hải, nếu lấy doanh thu làm thước đo cho sự phát triển bền vững của điện ảnh Việt là sẽ là vội vàng. Những con số ấn tượng hiện nay chỉ phản ánh xu hướng nhất thời, cần thêm thời gian và chiều sâu để đánh giá toàn diện.
Ông Hải cũng cho rằng, xu hướng quảng bá rầm rộ, nhất là trên mạng xã hội, đang lấn át giá trị thực của tác phẩm. Việc nhiều nhà làm phim liên tục chạy theo các thể loại ăn khách như hài, kinh dị hay phim gia đình, tuy đáp ứng được nhu cầu trước mắt, nhưng khó tạo được nền tảng lâu dài. Bởi thị hiếu khán giả luôn biến động, chịu tác động từ dòng chảy điện ảnh quốc tế và gu thẩm mỹ ngày càng cao.
“Để xây dựng nền điện ảnh vững chắc, các nhà làm phim cần mạnh dạn thử sức với những thể loại mới, đồng thời đổi mới tư duy sáng tạo để bắt kịp xu hướng chuyển động không ngừng của thị trường, nhưng tất cả phải đặt chất lượng lên hàng đầu” - vị đạo diễn nhấn mạnh.
Còn theo đạo diễn Lương Đình Dũng, một số nhà làm phim luôn quan niệm các bộ phim được làm ra thì ít nhất nó cũng phải là một bộ phim hấp dẫn và đầy đủ các tiêu chí thú vị của một bộ phim điện ảnh, như giải trí, câu chuyện và sự sáng tạo trong bộ phim ở mức tốt nhất nhằm đáp ứng yêu cầu xem phim của khán giả. Còn nếu cứ lựa chọn cách làm phim đầy trách nhiệm và tử tế thì họ sẽ là người thua thiệt về mặt doanh thu.
“Điều này vô tình biến họ thành những kẻ thua cuộc về mặt chuyên môn. Và kết quả là người xem phải đón nhận những bộ phim với tuýp đề tài quen thuộc, lối kể chuyện thiếu hấp dẫn, nội dung nhạt nhẽo, thậm chí phi logic” - ông Dũng chia sẻ, đồng thời bày tỏ băn khoăn khi nhiều bộ phim dù được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, giành nhiều giải thưởng danh giá nhưng khi ra rạp lại không thu hút khán giả, dẫn đến doanh thu thấp.
Có thể đây vẫn đang là trăn trở của các nhà làm phim, làm thế nào để cân bằng giữa yếu tố thị trường và nghệ thuật, giữa chất lượng và doanh thu? Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một bộ phim có chiều sâu nghệ thuật không đồng nghĩa với việc sẽ kén người xem, nếu được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh hấp dẫn và gần gũi. Điều quan trọng là nhà làm phim cần tìm được cách tiếp cận câu chuyện sao cho vừa giữ được tinh thần sáng tạo, vừa chạm đến cảm xúc của người xem.
“Thám tử Kiên” vượt “Lật mặt 8”
Sáng 6/5, theo thống kê của Box Office Vietnam (đơn vị thống kê phòng vé độc lập), bộ phim “Thám tử Kiên” (đạo diễn Victor Vũ) vươn lên dẫn đầu bảng tổng sắp doanh thu. Tác phẩm truất ngôi vương của “Lật mặt 8: Vòng tay nắng” (Lý Hải). “Thám tử Kiên” ghi nhận số lượng suất chiếu 2.810 với gần 48.000 đầu vé được bán ra, doanh thu ghi nhận con số 3,1 tỷ đồng (sáng 6/5). Tổng doanh thu hiện tại của dự án là 142,7 tỷ đồng. Trong khi đó, “Lật mặt 8” có lượng suất chiếu 2.768/ngày, doanh thu hơn 2,4 tỷ đồng. Tác phẩm đến từ Lý Hải đang dắt túi hơn 159 tỷ đồng. Những ngày qua, “Thám tử Kiên” và “Lật mặt 8” có cuộc cạnh tranh sát sao ngoài phòng vé. Trong nhiều thời điểm, bộ phim của Victor Vũ có dấu hiệu vượt mặt đối thủ đồng hương. Theo tiết lộ của đạo diễn Victor Vũ, để đạt điểm hòa vốn, “Thám tử Kiên” phải có doanh thu trên 90 tỷ đồng. Với thành tích hiện tại, dự án đã giúp nhà sản xuất có lãi.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phia-sau-hao-quang-cua-cac-bo-phim-tram-ty-10305240.html