Phía sau lần cải tổ nội các thứ 2 của Thủ tướng Nhật

Với lần cải tổ này, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida muốn tạo hình ảnh mới mẻ cho nội các, hướng đến mục tiêu xa hơn trong năm 2024.

Ngày 13-9, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố cải tổ nội các. Đây là lần thứ hai ông làm việc này kể từ khi nhậm chức vào tháng 10-2021.

Thủ tướng Kishida hy vọng những điều chỉnh sẽ tạo cú hích cho chính quyền của ông, mở đường để đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện tiếp theo tại Nhật Bản và tăng cường sự ủng hộ từ nội bộ đảng của ông trước cuộc đua giành ghế chủ tịch LDP vào năm tới.

Nét mới của cuộc cải tổ

Theo hãng thông tấn Kyodo News, trong số 19 bộ trưởng, ông Kishida đã chọn 11 gương mặt mới với mong muốn tạo ra hình ảnh mới mẻ cho nội các của mình, đồng thời giữ lại một số thành viên chủ chốt nhằm duy trì sự ổn định.

Ông Kishida muốn tăng số lượng nữ bộ trưởng như một phần nỗ lực thu hút thêm sự ủng hộ, bởi theo một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới được công bố đầu năm nay, Nhật Bản xếp thứ 138/146 quốc gia về bình đẳng giới trong chính trị.

Nội các được cải tổ lần này có tỉ lệ nữ giới cao kỷ lục, với năm người đảm nhận các vị trí cấp bộ trưởng. Cụ thể, bà Yoko Kamikawa, cựu Bộ trưởng Tư pháp và là nghị sĩ kỳ cựu, được bổ nhiệm làm ngoại trưởng. Các thành viên nữ còn lại là Bộ trưởng An ninh kinh tế Sanae Takaichi, Bộ trưởng phụ trách các chính sách liên quan trẻ em Ayuko Kato, Bộ trưởng phụ trách phục hồi khu vực Hanako Zimi và Bộ trưởng Tái thiết Shinako Tsuchiya.

Trong danh sách nội các mới công bố vào ngày 13-9, có một số nhân vật quan trọng không thay đổi như Chánh văn phòng nội các Hirokazu Matsuno, Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Kỹ thuật số Taro Kono... Một sự thay đổi đáng chú ý là ông Minoru Kihara, từng là cố vấn đặc biệt cho cựu Thủ tướng Yoshihide Suga, được bổ nhiệm làm bộ trưởng Quốc phòng.

Nếu như trong đợt cải tổ lần thứ nhất vào tháng 8 năm ngoái, khi nội các của Thủ tướng Kishida chỉ thay 50% thành viên thì việc có đến 2/3 thành viên nội các được bổ nhiệm mới trong lần cải tổ này có thể được xem là một nỗ lực của chính phủ Nhật Bản nhằm phục hồi uy tín trước cử tri. Theo cuộc thăm dò do Đài Truyền hình NHK thực hiện tuần qua, tỉ lệ ủng hộ đối với nội các của Thủ tướng Kishida chỉ là 36%, thấp hơn nhiều so với lúc mới thành lập.

Bên cạnh đó, lần cải tổ này còn nhằm cân bằng quyền lực trong nội bộ LDP, với các thành viên nội các được phân bố đều cho các phái lớn, có ảnh hưởng trong đảng là phái của cố Thủ tướng Shinzo Abe, phái của Phó Chủ tịch LDP Taro Aso, phái của Tổng Thư ký LDP Toshimitsu Motegi và phái của Thủ tướng Kishida. Sự phân bố quyền lực cân bằng trong đảng còn được xem là bước chuẩn bị tốt hơn cho Thủ tướng Kishida trước cuộc bầu cử chủ tịch LDP vào mùa thu năm tới.

 Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (đứng giữa, hàng trước) chụp ảnh cùng nội các mới. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (đứng giữa, hàng trước) chụp ảnh cùng nội các mới. Ảnh: REUTERS

Trọng tâm của nội các sau cải tổ

Họp báo hôm 13-9, Thủ tướng Kishida nói ông gọi nội các mới của mình là “Nội các sẽ biến sự thay đổi thành sức mạnh”. Ông cho biết chính phủ của mình sẽ đặt kinh tế, các vấn đề xã hội, ngoại giao và an ninh làm “các trụ cột” chính sách.

Theo Kyodo News, những vấn đề nóng được quan tâm hiện nay tại Nhật Bản là vướng mắc liên quan hệ thống CCCD “My Number”, tình trạng giá cả hàng hóa tăng vọt, việc tài trợ chính sách nuôi dạy trẻ em và những vấn đề phát sinh từ việc xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển. Do đó, giới phân tích cho rằng sau cải tổ, nội các của Thủ tướng Kishida sẽ tập trung giải quyết những vấn đề này.

Về đối ngoại, theo giới quan sát, cơ bản những mục tiêu đối ngoại của chính phủ mới tại Nhật Bản sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, với việc có ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc phòng mới, cách tiếp cận của Nhật Bản có thể có sự điều chỉnh, đặc biệt trong các vấn đề đang nổi lên hiện nay là giải quyết các vướng mắc trong quan hệ với Trung Quốc, cũng như vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Theo tờ Mainichi, phát biểu sau khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng hôm 13-9, bà Kamikawa cho biết bà sẽ nỗ lực hết sức mình để củng cố “sự hiện diện của Nhật Bản” trong bối cảnh nước này đang đối mặt với những thách thức bao gồm xây dựng mối quan hệ ổn định với Trung Quốc vốn gần đây gia tăng căng thẳng liên quan việc xả thải, cũng như ứng phó với các mối đe dọa quân sự do các quốc gia láng giềng đặt ra cho Tokyo.

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, tân Bộ trưởng Quốc phòng Kihara là chính khách ủng hộ Đài Loan, từng đến thăm hòn đảo này trong quá khứ và hiện là thành viên một nhóm liên đảng thúc đẩy quan hệ với Đài Loan. Ông Kihara giờ đây phải nỗ lực đảm bảo khoản ngân sách kỷ lục hơn 7.700 tỉ yen (53 tỉ USD) cho tài khóa 2024 mà Bộ Quốc phòng Nhật dưới thời người tiền nhiệm Yasukazu Hamada đã đề xuất hồi tháng trước nhằm nâng cao sức mạnh răn đe trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực ngày càng tồi tệ, theo tờ The Japan Times.•

Khả năng ông Kishida sẽ giải tán Hạ viện

Nhiệm kỳ bốn năm của các hạ nghị sĩ Nhật Bản hiện tại sẽ kết thúc vào tháng 10-2025 nhưng đang có những suy đoán rằng ông Kishida sẽ giải tán Hạ viện để tiến hành bầu cử sớm nếu tỉ lệ ủng hộ nội các của ông tăng trở lại. Kyodo News dẫn lời các chuyên gia chính trị nói rằng ông Kishida hy vọng một chiến thắng trong cuộc bầu cử này sẽ giúp ông tái đắc cử trong cuộc đua vào ghế chủ tịch LDP vào tháng 9-2024, đặt nền móng để ông tiếp tục giữ chức thủ tướng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định việc ông Kishida không giao các chức vụ quan trọng cho người mới có thể hạn chế những tác động mà nỗ lực cải tổ nội các có thể tạo ra cho công chúng Nhật.

TRÙNG QUANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phia-sau-lan-cai-to-noi-cac-thu-2-cua-thu-tuong-nhat-post751511.html