Phía sau lời 'chém gió'…
Nga 'chém gió' với bạn bè, người thân là mình có nhiều mối quan hệ quen biết rộng, có thể xin vào biên chế, xin đi học… Từ lời 'chém gió' của Nga, 20 người đã bị chiếm đoạt tài sản.
TAND TP Hà Nội đã đưa bị cáo Nguyễn Thị Nga (SN 1966, ở Sóc Sơn, Hà Nội) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là 5 người có nhu cầu xin đi học, xin đi làm, xin chuyển công tác.
Hai anh em bị chiếm đoạt tiền
Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Thị Nga là đối tượng không nghề nghiệp. Do có ý định chiếm đoạt tiền của người khác nên Nga thường nói dối với bạn bè, người thân là bản thân có nhiều mối quan hệ quen biết rộng, có thể xin cho nhiều người đi học ở Trường Trung cấp Cảnh sát, xin vào làm việc tại các bệnh viện hoặc xin phúc thảo điểm thi công chức trên địa bàn TP Hà Nội… để mọi người tin tưởng giao tiền.
Bằng thủ đoạn trên, trong thời gian từ tháng 5/2015 đến tháng 6/2016, Nga đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt của 5 người có nhu cầu xin đi học, xin đi làm và 15 người xin chuyển công tác với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Trong đó có anh em ông Nguyễn Xuân Đoàn (SN 1966, ở Bắc Ninh).
Theo hồ sơ vụ án, khoảng năm 2013, Nguyễn Thị Nga có quan hệ quen biết với ông Nguyễn Xuân Đoàn. Quá trình quen biết nhau, khoảng tháng 4/2014, Nga nói với ông Đoàn là mình đang làm việc tại Bộ Công Thương, có quen biết nhiều lãnh đạo, có khả năng xin được biên chế vào ngành Công an.
Cùng thời gian này, ông Đoàn có con trai là anh Nguyễn Mạnh L (SN 1990), mới tốt nghiệp một trường đại học ở Hà Nội. Do đó, ông Đoàn nhờ Nga xin cho con trai được đi làm trong ngành Công an. Nga đồng ý xin cho anh L vào làm kế toán tại Tổng cục An ninh I – Bộ Công an.
Nga bảo ông Đoàn chuẩn bị một bộ hồ sơ của anh L và chuyển cho Nga 400 triệu đồng để chi phí xin việc. Ông Đoàn tin là thật nên đã nhiều lần chuyển tiền cho Nga. Nhận tiền, Nga đều viết giấy biên nhận với nội dung “để xin việc cho anh L vào ngành Công an” đồng thời hứa hẹn tháng 6/2015 anh L sẽ được đi làm.
Cùng thời gian này, khoảng tháng 4/2015, ông Nguyễn Văn Hải (em rể của ông Đoàn) nói chuyện với ông Đoàn về việc anh Nguyễn Trọng D (SN 1992, con trai ông Hải, đang là chiến sỹ nghĩa vụ tại Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động – Công an tỉnh Bắc Ninh) có nguyện vọng thi vào Trường Học viện Cảnh sát nhân dân. Ông Hải nói có quen biết Nguyễn Thị Nga làm ở Bộ Công Thương, có thể xin cho anh D đi học.
Sau đó, ông Đoàn đưa ông Hải đến gặp Nga. Gặp nhau, Nga giới thiệu bản thân đang làm ở Bộ Công Thương, có nhiều mối quan hệ rộng, có thể xin được cho con của ông Hải vào học tại Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 1 (cơ sở huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Nga yêu cầu ông Hải chuyển cho mình số tiền 400 triệu đồng làm chi phí xin đi học.
Ông Hải đồng ý, nhiều lần đến nhà Nga ở khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) để đưa tổng số tiền 400 triệu đồng. Sau khi nhận tiền của từng lần, Nga đều viết giấy biên nhận nhận tiền, đưa lại cho ông Hải giữ. Đến hẹn, Nga không xin được cho anh D và cũng không trả lại tiền cho ông Hải.
Ông Hải nhiều lần tìm gặp và liên lạc với Nga để đòi tiền. Bị đòi, Nga đã trả cho ông Hải được tổng số 180 triệu đồng, còn chiếm đoạt 220 triệu đồng.
Tương tự em rể, khi biết Nga không xin được việc cho con trai mình, ông Đoàn đã đòi lại tiền. Sau nhiều lần bị đòi, Nga đã trả được cho ông Đoàn tổng số 150 triệu đồng, còn chiếm đoạt 250 triệu đồng.
Bỏ tiền túi trả người vì trót tin lời nói dối
Theo cáo trạng, khoảng cuối năm 2015, Nguyễn Thị Nga quen biết với chị Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1992, ở Thanh Oai, Hà Nội). Quá trình quen biết nhau, chị Thảo dẫn Nga về nhà chơi. Tại đây, Nga gặp bà Nguyễn Thị Hà (mẹ chị Thảo).
Quá trình nói chuyện với chủ nhà, Nga giới thiệu với bà Hà bản thân đang công tác tại Bộ Công Thương. Sau đó, Nga đưa bà Hà đến cổng Bộ Công Thương ở Ngô Quyền (Hà Nội), giới thiệu với bà Hà đây là cơ quan mình. Đồng thời, Nga cho bà Hà biết việc Nga có nhiều mối quan hệ quen biết, có thể xin cho chị Thảo vào làm việc tại Bệnh viện Việt Đức hoặc Bệnh viện Thanh Nhàn. Tuy nhiên, Nga không xin được việc cho chị Thảo nên bà Hà chưa đưa tiền cho Nga.
Khoảng đầu năm 2016, bà Hà kể cho người quen là bà Nguyễn Thị Căn (SN 1957, ở Thanh Oai, Hà Nội) về việc quen biết Nga, làm ở Bộ Công Thương, có thể lo được các trường hợp thi công chức, xin vào làm ở các cơ quan trên địa bàn TP Hà Nội. Bà Căn đã nói lại cho người quen là ông Nguyễn Bá Vi (SN 1956, ở huyện Ứng Hòa) biết thông tin trên.
Cùng thời gian này, bà Đỗ Thị Nụ (SN 1975, ở Ứng Hòa) nói chuyện với ông Vi, bà Căn về việc con gái là giáo viên, vừa thi trượt viên chức. Bà Nụ nhờ ông Vi xin phúc khảo điểm thi cho con gái mình. Ông Vi yêu cầu bà Nụ chuyển 350 triệu đồng, nếu không xin được, ông sẽ trả lại tiền. Bà Nụ đã chuyển số tiền trên theo yêu cầu, đồng thời thông báo số báo danh của con gái cho ông Vi.
Nhận tiền, ông Vi nhờ bà Căn xin phúc khảo cho con gái bà Nụ. Bà Căn đã liên hệ với Nga, nhờ Nga xin phúc khảo. Nga đồng ý, yêu cầu bà Căn chuyển cho mình 200 triệu đồng. Bà Căn đã nói lại với ông Vi yêu cầu của Nga.
Ngày 23/1/2016, ông Vi gặp bà Căn, đưa 200 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, bà Căn đã chuyển cho Nga 150 triệu đồng qua tài khoản. Nhận tiền, Nga đã rút, tiêu xài cá nhân hết.
Khoảng 20 ngày sau, Nga tiếp tục yêu cầu bà Căn chuyển thêm 30 triệu đồng, còn 20 triệu đồng, Nga cho bà Căn. Thời gian sau đó, Nga không xin phúc khảo điểm thi cho con gái bà Nụ được nên bà Căn đòi lại số tiền đã đưa nhưng Nga không trả. Do đó, bà Căn đã dùng tiền cá nhân của mình trả lại cho ông Vi 200 triệu đồng. Ông Vi đã trả lại cho bà Nụ 350 triệu đồng.
Tại CQĐT, bà Nụ khai không có quan hệ quen biết bà Căn và Nga. Bà Nụ nhờ ông Vi xin phúc khảo điểm thi viên chức giáo viên tại Ứng Hòa cho con gái. Sau khi không xin được, ông Vi đã trả lại bà Nụ 350 triệu đồng. Đến nay, bà Nụ không yêu cầu hoặc đề nghị xử lý ông Vi về sự việc trên.
Đối với bà Căn, người nhận tiền của ông Vi để nhờ Nga xin phúc khảo điểm thi viên chức giáo viên. Kết quả điều tra xác định bà Căn không biết mục đích của Nga lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi không xin được và bị Nga chiếm đoạt tiền, bà Căn đã dùng tiền của mình trả lại cho ông Vi 200 triệu đồng. Ông Vi đã nhận đủ và không đề nghị xử lý đối với bà Căn nên CQĐT không đề cập xử lý. Bà Nguyễn Thị Căn yêu cầu Nga trả lại số tiền 180 triệu đồng và đề nghị xử lý Nga theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trong giai đoạn điều tra vụ án, bà Căn còn khai năm 2016, ông Bùi Văn Hiếu (chồng bà Căn) có nhận tiền của 14 người (nhưng không biết của ai, tên, tuổi, địa chỉ ở đâu) với tổng số khoảng 2 tỷ đồng để xin việc. Sau đó ông Hiếu đã đưa số tiền trên cho bà Căn để chuyển cho Nga xin việc nhưng không viết giấy tờ. Sau đó, Nga không xin việc được cho ai và không trả lại tiền. Bà Căn đã dùng tiền của mình để trả lại toàn bộ số tiền đã nhận của 14 người (nhưng không viết giấy tờ nhận tiền và trả tiền).
Ngày 11/1/2022, ông Hiếu bị bệnh hiểm nghèo đã mất nên bà Căn không có tài liệu chứng minh đã nhận tiền và trả tiền của 14 người. Bà Căn không yêu cầu Nga trả lại số tiền 2 tỷ đồng và không đề nghị xử lý Nga về số tiền chiếm đoạt. Ngoài lời khai của bà Căn thì không có tài liệu chứng minh nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.
Không chỉ chiếm đoạt tiền của bà Căn, Nga còn chiếm đoạt tiền của ông Vi. Bởi sau khi quen biết Nga qua sự giới thiệu của bà Căn, ông Vi đã nhờ Nga xin cho cháu họ đi học tại trường trung cấp công an với giá 200 triệu đồng. Nhận tiền, Nga ký xác nhận vào giấy nhận tiền có nội dung: “Ngày 9/3/2016, Nguyễn Thị Nga có nhận số tiền 200 triệu đồng, lý do lo việc cho cháu của anh Vi… hiện đang là Công an nghĩa vụ K20, đóng quân tại Bình Dương vào học lớp trung cấp quân khí Công an, nhập học cuối tháng 4, đầu tháng 5/2016”. Tuy nhiên, sau đó Nga không xin được như hứa hẹn, không trả lại tiền.
Với hành vi nêu trên, Nga bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau đó, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, HĐXX đã phải quyết định hoãn phiên tòa.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phia-sau-loi-chem-gio-post467183.html