Phía sau sự hào nhoáng của Hollywood tại các trường đua ngựa
Cuốn sách 'Hollywood at the Races' hé lộ bức màn lịch sử đan xen của ngành công nghiệp điện ảnh và đua ngựa tại Mỹ trong thế kỉ 20.
Trong sự bùng nổ của ngành công nghiệp điện ảnh và một loạt các đường đua ngựa mới mở ra, nơi dễ dàng nhất để nhìn thấy những ngôi sao Hollywood tại California vào những năm 1930 là các trường đua ngựa.
Các trường đua đã là những địa điểm tụ họp đầy sức hút của giới Hollywood, nơi nhiều cái tên như Fred Astaire, Barbara Stanwyck và Gregory Peck thường xuyên xuất hiện.
Nhưng các diễn viên, nhà sản xuất và giám đốc điều hành Hollywood không chỉ đam mê môn thể thao này, khi họ tham gia gây giống, huấn luyện và cá cược đua ngựa mà việc tham dự các cuộc đua còn là một công cụ quảng cáo quan trọng cho các hãng phim lớn, nhiều trong số đó có lợi ích tài chính trong cả giới phim ảnh và đua ngựa.
Alan Shuback, tác giả cuốn Hollywood at the Races về lịch sử đan xen của 2 ngành công nghiệp này, cho biết: “Ống kính máy ảnh ở các trường đua biết các ngôi sao sẽ đến và các ngôi sao cũng biết các camera đang chờ sẵn. Theo nghĩa này, đó là một cuộc hôn nhân thuận tiện”.
Shuback cũng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: "Các ngôi sao rất thích tới đó tụ họp và cá cược. Và các hãng phim cũng biết rằng nếu các ngôi sao của họ ra ngoài đó, họ sẽ được xuất hiện trong các bức ảnh báo chí. Mỗi tờ báo ở nước này đều có ảnh của những ngôi sao cùng trang phục họ đang mặc. Vì vậy đó là một mối quan hệ tương hỗ. Các cuộc đua yêu thích giới làm phim và giới làm phim cũng yêu thích các trường đua. Còn giới báo chí thích cả hai”.
Đời sống hào nhoáng này hoàn toàn trái ngược với California của thập kỷ trước. Vào những năm 1920, khi phim ảnh và lượng khán giả muốn xem phim bắt đầu bùng nổ, thì luật cờ bạc và rượu bảo thủ trong thời kỳ này đã hạn chế nhu cầu hưởng thụ của các diễn viên giàu có, ít nhất là khi họ ở trên đất Mỹ.
Tác giả đã giải thích: "Tất cả những người giàu có, tài năng, thích giao lưu xã hội lại không thể uống rượu hợp pháp, không thể đặt cược hợp pháp. Vì vậy, họ đã đến Tijuana (ở Mexico), nơi có đua ngựa, cờ bạc, sòng bạc, quán bar và nhà hàng - tất cả mọi thứ mà các ngôi sao điện ảnh muốn trải nghiệm".
Theo Shuback, cuối cùng, California đã học được cách "khôn ngoan". Chính quyền hợp pháp hóa cá cược đua ngựa vào năm 1933 sau một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này. Cùng năm đó, sự cấm đoán này chấm dứt trên hầu hết nước Mỹ.
Địa điểm tụ tập mới
Ngay sau khi thay đổi luật, nhiều trường đua ngựa đã được mở ra. Ba trường đua nổi tiếng nhất thời đó đều có mối quan hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp điện ảnh.
Công viên Santa Anita, đóng cửa vào năm 1909, đã được mở lại vào năm 1934 dưới tay một nhóm các nhà đầu tư, bao gồm Hal Roach, nhà sản xuất phim Laurel and Hardy. Sau đó, vào năm 1937, tài tử Bing Crosby đồng sáng lập đường đua Del Mar ở hạt San Diego. Crosby thậm chí còn đứng ở cổng trường đua để chào đón những người tham dự ngày khai mạc đua. Một năm sau, Hollywood có đường đua riêng. Công viên Hollywood được Walt Disney, Samuel Goldwyn và Warner Brothers cùng các cổ đông khác mở ra.
Theo nghiên cứu của Shuback, phim ảnh và giới đua ngựa gắn kết hết sức chặt chẽ: Gần 150 bộ phim có chủ đề đua ngựa được phát hành từ năm 1930 đến 1960. Đua ngựa cũng xuất hiện trong các vở hài kịch, nhạc kịch như Broadway Melody of 1938, hay phim điều tra The Ex-Mrs. Bradford và phim kinh dị The Killing.
Hệ lụy và suy giảm sức hút
Tuy nhiên, mặt trái của sự hào nhoáng này là một số diễn viên nổi tiếng, bao gồm Chico Marx, đã phải vật lộn với chứng nghiện cờ bạc trong khi tham gia những bộ phim về đua ngựa.
Mickey Rooney, một trong những ngôi sao kiếm nhiều tiền nhất những năm 1930 và 1940, cũng nằm trong danh sách trên khi tham gia các bộ phim có liên quan tới đua ngựa như Thoroughbreds Don't Cry và National Velvet.
Theo Shuback, Rooney bị ám ảnh với đua ngựa đến nỗi ông di chuyển giữa Los Angeles và Del Mar mỗi ngày trong 23 ngày của giải đấu tháng 8/1940. Ông cũng mất gần 1 triệu USD tại các cuộc đua năm đó.
Tác giả nói: "Ông ấy (Rooney) từng gọi Del Mar là nhà vệ sinh. Không phải vì nó bẩn, mà ngược lại, nó sạch sẽ lấp lánh, mà vì số tiền ông ấy đổ vào đó".
Sự mê đắm của giới Hollywood với các trường đua vẫn tiếp diễn vào những năm 1940 và 1950, nhưng đến thập niên 1960, các tay đua cao cấp thế hệ ban đầu đã nghỉ hưu. Những ngôi sao tìm đến những nơi tụ tập mới và sẽ dễ dàng thấy họ trong các câu lạc bộ tại Sunset Boulevard, Los Angeles hơn là tại Del Mar.
Theo Shuback, mặc dù đua ngựa vẫn phổ biến ở Mỹ, nhưng sự quan tâm của Hollywood ngày càng ít đi. Công viên Hollywood, cận kề bờ vực phá sản vào những năm 1980, đã được mua lại và tận hưởng một sự hồi sinh ngắn ngủi trước khi đóng cửa vĩnh viễn vào năm 2013. Nơi từng là trường đua ngựa nổi tiếng này hiện được sử dụng để xây dựng sân vận động mới cho câu lạc bộ Los Angeles Rams.
Shuback chia sẻ: "Hai ngành này ngày nay không còn nhiều sự liên quan với nhau. Chỉ còn một vài ngôi sao Hollywood sở hữu ngựa. Và sự hào nhoáng, phấn khích của giới Hollywood tại các đường đua đã vĩnh viễn mất đi".