Phía sau tấm bia kỳ lạ của đám tang sông băng

Từ việc tổ chức tang lễ cho sông băng đến các sự kiện tưởng niệm thương tiếc dành cho tự nhiên, con người đang thể hiện sự đau buồn khi thiên nhiên 'qua đời'.

Vào năm 2016, giáo sư Cymene Howe tại Đại học Rice, Texas, Mỹ lần đầu tiên được nghe đến "cái chết" trước đó 2 năm của Okjökull, một mỏm băng nhỏ ở phía tây Iceland, theo Guardian.

Hầu hết sông băng đều có vẻ đẹp kỳ vĩ với những điểm cuối và lưỡi băng trồi lên mặt đất khi chúng hoạt động. Trong bối cảnh ấm lên toàn cầu, nếu lớp băng quá mỏng để tiếp tục hình thành thì khối sông băng ấy được coi là chết.

Công trình nghiên cứu về sự tàn phá khí hậu do con người gây ra của giáo sư Howe đã không được công nhận. Ông nói: "Nó cứ thế chết dần, biến mất bởi tác động của biến đổi khí hậu mà không được thừa nhận nguyên nhân".

Tang lễ của sông băng

Ông Howe cùng sự hỗ trợ của các đồng nghiệp và chuyên gia địa phương đã tổ chức "tang lễ" cho Okjökull - khối sông băng đầu tiên của Iceland bị khai tử. Tháng 8/2019, họ đã tổ chức một buổi lễ với khoảng 100 người tham dự, với các bài phát biểu, thực hiện khoảnh khắc mặc niệm và đặt tại đó một tấm bia tưởng niệm.

“Chúng tôi không khóc, nhưng chúng tôi có chung một cảm giác tin tưởng mạnh mẽ, đó là một niềm tin tập thể", ông Howe nói.

 Lễ tang năm 2019 của Okjökull, sông băng đầu tiên ở Iceland biến mất vì biến đổi khí hậu. Ảnh: AP.

Lễ tang năm 2019 của Okjökull, sông băng đầu tiên ở Iceland biến mất vì biến đổi khí hậu. Ảnh: AP.

Cũng giống như khi có người qua đời, tình trạng khẩn cấp về khí hậu và cảm xúc "tiếc thương cho hệ sinh thái" ngày càng gia tăng, nên các đám tang và buổi tưởng niệm để ghi lại sự mất mát của thiên nhiên xuất hiện ngày càng nhiều.

Kể từ sau buổi lễ cho Okjökull, nhiều tang lễ khác đã được tổ chức trên khắp thế giới như cho sông băng Pizol của Thụy Sĩ vào năm 2019, sông băng Clark ở Oregon vào năm 2020, sông băng Ayoloco ở Mexico và sông băng Basodino ở Thụy Sĩ vào năm 2021.

Tháng trước, giới khoa học đã báo cáo các sông băng ở Thụy Sĩ ghi nhận tốc độ tan chảy khủng khiếp nhất kể từ kỷ lục cách đây hơn một thế kỷ. Vậy nên các tang lễ cho thiên nhiên có lẽ sẽ diễn ra thường xuyên, đặc biệt là dành cho sông băng.

Việc chấp nhận nỗi đau sinh thái rất khó khăn bởi nó thường đi kèm với cảm giác tội lỗi. “Mọi người cảm thấy đau buồn, và cũng cảm thấy có lỗi trong chuyện này, vì chính chúng ta đang tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và các quá trình mở rộng đất đai, khai thác đã gây ra sự phá hủy nghiêm trọng", Ashlee Cunsolo, Hiệu trưởng của Trường Nghiên cứu Bắc Cực và Cận Bắc Cực thuộc Đại học Memorial ở Canada, chia sẻ.

Ông Cunsolo cũng nói thêm ngày càng có nhiều người từ các nền văn hóa không có mối liên hệ với thế giới tự nhiên và không hẳn trực tiếp đối mặt với nỗi mất mát đó, cũng đang tìm cách để tưởng nhớ.

Theo ông Dominic Boyer, thành viên trong dự án Okjökull với giáo sư Howe, tấm bia tưởng niệm bằng đồng trong tang lễ của Okjökull đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ, nơi có sông băng chết. Thông thường, bia tưởng niệm được dựng lên dành cho liệt sĩ trong chiến tranh, hoặc cá nhân có chiến công xuất sắc, thì đây là một tấm bia "lật ngược câu chuyện" vì nó ghi lại điều do con người tàn phá.

 Bia tưởng niệm sông băng Okjökull ở Iceland được khắc thêm một "bức thư cho tương lai". Ảnh: RICE UNIVERSITY/DOMINIC BOYER/CYMENE HOWE.

Bia tưởng niệm sông băng Okjökull ở Iceland được khắc thêm một "bức thư cho tương lai". Ảnh: RICE UNIVERSITY/DOMINIC BOYER/CYMENE HOWE.

Bản dịch tiếng Anh trên tấm bia ghi: "Tấm bia tưởng niệm này xuất hiện là để thừa nhận rằng con người đã biết những gì đang xảy ra và những việc cần phải làm".

Nhiều sự kiện tưởng niệm thiên nhiên

Ngày càng nhiều nghệ sĩ và kiến trúc sư thực hiện các dự án để tưởng nhớ thiên nhiên. Tại Anh, dự án Eden Portland sẽ có bảo tàng, nhà hát và trung tâm đa dạng sinh học tôn vinh tự nhiên để tưởng nhớ các loài đã biến mất vì tuyệt chủng.

Dự án này đang phát triển với sự hợp tác của Dự án Eden, trong đó họ sẽ tạo ra một mê cung đường hầm dưới lòng đất, được cắt từ loại đá Portland được sử dụng để xây dựng nhiều tòa nhà ở London.

Giám đốc dự án Sebastian Brooke nói: "Một loạt các tác phẩm chạm khắc trên đá sẽ cho phép du khách nhìn thấy sự sống bị tuyệt chủng trên Trái Đất một cách tổng thể".

 "Ngọn hải đăng đa dạng sinh học" của kiến trúc sư David Adjaye, nói về 860 loài động vật đã bị tuyệt chủng trong lịch sử. Ảnh: Eden Portland Project.

"Ngọn hải đăng đa dạng sinh học" của kiến trúc sư David Adjaye, nói về 860 loài động vật đã bị tuyệt chủng trong lịch sử. Ảnh: Eden Portland Project.

Trên mặt đất, kiến trúc sư Sir David Adjaye người Anh gốc Ghana, đã thiết kế một " ngọn hải đăng đa dạng sinh học" có dạng hình xoắn ốc bằng đá giống hóa thạch, cao 300 m được khắc hình ảnh đại diện của 860 loài động vật đã tuyệt chủng kể từ sau sự kiện tuyệt chủng ở thế kỷ XVII.

“Chúng tôi muốn gợi lại ký ức, từ một đoạn đường nối dài vô tận nằm trên đỉnh mỏ đá, bay lên không trung, tạo khoảnh khắc suy tư, để thấy sự kinh hoàng của sự tuyệt chủng hàng loạt. Chúng ta cần khiêm tốn và nói về những sai lầm đã làm. Tưởng niệm là một trong những công cụ mạnh mẽ để làm điều đó", Adjaye nói.

Nhà thiết kế kiến trúc và điêu khắc Maya Lin - người nổi tiếng với công trình Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở Washington, Mỹ, từng tạo ra một chuỗi sự kiện về môi trường mang tên “What is Missing?”. Trong đó, tác phẩm điêu khắc hình con bò đực khổng lồ The Listening Cone của bà có thể phát ra âm thanh của thiên nhiên, được đặt tại Học viện Khoa học California, khuyến khích mọi người lắng nghe âm thanh của Trái Đất.

Một series bảng quảng cáo ngoài trời ở Quảng trường Thời đại và bản đồ ký ức ở Bảo tàng sông Hudson cũng cho phép mọi người được nhìn và suy ngẫm về những loài động vật hoang dã đã mất.

Vào năm 2021, bà Lin đã tạo ra một Khu rừng Ma trong Công viên Quảng trường Madison trong không gian được dựng từ 49 cây tuyết tùng trắng Đại Tây Dương cao 12 m. Tác phẩm như một đài tưởng nhớ về những khu rừng rực rỡ một thời ở bờ biển phía đông, nay đã chết, trơ trụi bởi cuộc biến đổi khí hậu.

Điều thú vị là mỗi cộng đồng, mỗi khu vực lại tưởng niệm sự mất mát của thiên nhiên theo cách riêng. Ông Boyer nói: “Những hoạt động này không chỉ để tưởng nhớ điều đã mất trong quá khứ, hay hoài niệm, mà còn là thông điệp về chính trị của tương lai".

Tổ chức các nghi lễ và tưởng nhớ tự nhiên sẽ giúp thuyên giảm nỗi buồn của hệ sinh thái. Janet Lewis, người sáng lập Liên minh Tâm lý Khí hậu (Climate Psychiatry Alliance), nói: “Nếu chúng ta mất đi một người, thì nỗi buồn cũng là động lực để chúng ta sống tốt hơn và lấy đó làm niềm an ủi trong cuộc sống. Nhưng cũng là nỗi buồn đó nhưng với tự nhiên, mỗi sự mất mát lại là điềm báo cho sự mất mát mới sẽ xuất hiện tiếp theo".

Bảo Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phia-sau-tam-bia-ky-la-cua-dam-tang-song-bang-post1364030.html