Phía sau tình trạng 'nóng' vi phạm đất đai tại Quảng Chu, Bắc Kạn
Thời gian qua, khu vực xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) trở thành 'điểm nóng' về đất đai với khá nhiều vụ vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến quy định về sử dụng đất đai. Thực trạng này cho thấy không ít những hạn chế, bất cập, lúng túng trước yêu cầu thực tế.
Khi tuyến đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đưa vào sử dụng, Quảng Chu trở thành “cửa ngõ” của tỉnh Bắc Kạn. Có lợi thế là vùng trọng điểm trồng rừng nên khi giao thông thuận lợi, Quảng Chu trở thành “điểm đến” lý tưởng của các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản. Ông Lê Phúc Lâu, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới cho biết, các doanh nghiệp này đã góp phần đáng kể tạo sự đổi thay cho kinh tế - xã hội của địa phương. Chỉ chưa đầy 5 tháng đầu năm, Quảng Chu đã thu ngân sách vượt kế hoạch được giao của cả năm 2022.
“Xã Quảng Chu có diện tích rừng trồng lớn, từ khi có doanh nghiệp đến mở xưởng thì nguyên liệu của người dân tiêu thụ rất thuận lợi, giá cao hơn. Đồng thời, các xưởng đã giải quyết phần đa số lao động trong độ tuổi của địa phương. Đặc biệt, toàn bộ 17 hộ theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã ký cam kết không theo và xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp này, bởi vì hiện nay họ đều đã có công việc, thu nhập ổn định tại các xưởng sản xuất, chế biến gỗ tại địa phương”, ông Lê Phúc Lâu chia sẻ.
Quảng Chu hiện có tới 13 doanh nghiệp, HTX và một số hộ cá thể tham gia chế biến biến gỗ rừng trồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 700-1.000 lao động địa phương với thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng. Vậy nhưng, để "trụ" được và sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương thì các doanh nghiệp lại đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Năm 2021, Công ty TNHH Minh Phong, tỉnh Bắc Ninh đã quyết định chọn xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới để xây dựng nhà xưởng sản xuất gỗ công nghiệp từ nguyên liệu gỗ rừng trồng. Đơn vị này đã tự tìm đến người dân địa phương, thu gom đất và sau đó san gạt, tạo mặt bằng xây dựng nhà xưởng tại thôn Nà Choọng (xã Quảng Chu), vị trí nhà xưởng nằm trong quy hoạch đất sản xuất kinh doanh, song chưa hoàn thiện các thủ tục chuyển đổi nên đơn vị đã bị phạt số tiền hơn 30 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc công ty cho biết, dù bị phạt nhưng như vậy còn đỡ hơn việc mất đơn hàng trong bối cảnh dịch COVID-19 thời điểm đó còn diễn biến phức tạp. Bởi trong hơn 1ha mặt bằng doanh nghiệp sử dụng, có cả đất ở, đất lâm nghiệp, đất trồng cây hàng năm… nếu đợi hoàn thiện chuyển đổi mục đích sử dụng có sớm cũng 5-7 tháng, thậm chí cả năm.
“Ở đây nguyên liệu có sẵn, nguồn lao động dồi dào nên tôi quyết định đầu tư. Về đất đai chúng tôi tự mua, tự chuyển đổi để làm trên mảnh đất của mình. Đáng lẽ trước khi san gạt phải xin phép chính quyền, ban ngành đồng ý mới được làm, nhưng mình không nắm rõ luật nên phải thực hiện. Hơn nữa, nếu chờ đủ thủ tục thì cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và những đơn hàng mà mình đã nhận rồi”, ông Nguyễn Văn Phong chia sẻ.
Tại Quảng Chu nói riêng và cả tỉnh Bắc Kạn nói chung, hơn chục năm qua không một khu, cụm công nghiệp nào được hoàn thiện. Các dự án mở rộng, xây dựng mới cụm công nghiệp dù có nhiều, nhưng vẫn chỉ nằm trên giấy. Ngay tại xã Quảng Chu, dự án xây dựng cụm công nghiệp quy mô hơn 74ha đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và giao cho doanh nghiệp triển khai từ 8/2020 nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được phương án bồi thường giải phóng mặt bằng… Bởi vậy, các doanh nghiệp thực sự có nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh buộc lòng phải tự đi gom đất của người dân rồi san gạt, tạo mặt bằng làm nhà xưởng dẫn đến nhiều trường hợp chưa hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều này đã khiến Quảng Chu trở thành “điểm nóng” về vi phạm đất đai, đồng thời cho thấy sự hạn chế, yếu kém về hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp tại địa phương.
Ông Lâm Viết Độ, đại diện Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh thương mại Dũng Hằng (Hà Nội) đang đầu tư nhà máy sản xuất ván công nghiệp tại xã Quảng Chu (Bắc Kạn) mong muốn: "Doanh nghiệp mong được tạo điều kiện, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất. Vướng mắc của chúng tôi là chuyển đổi đất cho đúng mục đích sử dụng. Chúng tôi cũng muốn phải làm đúng theo quy định chứ không ai muốn làm sai. Doanh nghiệp chúng tôi đã lên đây đầu tư máy móc, nhà xưởng rồi nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh, vốn liếng cũng như khó khăn trong việc giữ chân khách hàng”.
Từ thực trạng tại xã Quảng Chu cho thấy, chính quyền từ xã đến tỉnh tại Bắc Kạn đã khá bị động, lúng túng trong công tác quản lý khi "làn sóng" doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư, kinh doanh trên địa bàn. Do đó, ngoài việc nâng cao năng lực quản lý của chính quyền cơ sở, Bắc Kạn cần có sự chuẩn bị tốt về hạ tầng cũng như có sự hỗ trợ kịp thời về thủ tục liên quan đến đất đai để mời đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với địa phương.
Ông Triệu Đức Văn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn nói: “Thực trạng hiện nay các khu, cụm công nghiệp tại Chợ Mới vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp. Vì vậy, họ thông qua mua bán đất sau đó hình thành các cơ sở sản xuất kinh doanh. Quan điểm để phát triển thì đối với các đơn vị vi phạm một mặt chúng ta phải xử lý theo quy định của pháp luật, mặt khác chúng ta phải có chính sách thu hút đầu tư, cần có sự hướng dẫn làm thủ tục ngay từ đầu thì mới đảm bảo, hạn chế được những vi phạm về môi trường, xây dựng và đất đai”.
Trên thực tế, khá nhiều diện tích đất doanh nghiệp thu gom, san ủi là đất ven đồi, một phần đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp đang bị hoang hóa... không phát huy giá trị kinh tế, không nằm trong quy hoạch an ninh quốc phòng. Bởi vậy, nếu có sự quản lý chặt chẽ và thống nhất ngay từ đầu của chính quyền các cấp từ xã đến tỉnh trong quy hoạch, giải phóng mặt bằng, các doanh nghiệp sẽ bớt đi những lúng túng, thậm chí là "đặng chẳng đừng" chấp nhận bị phạt để đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Bắc Kạn./.