Phía sau việc Đàm Vĩnh Hưng không được hát 'Xin lỗi tình yêu'

Đàm Vĩnh Hưng gắn bó với 'Xin lỗi tình yêu' suốt 20 năm. Tuy nhiên, nhạc sĩ Minh Nhiên mới đây bán độc quyền bài hát cho ông Gerard Richard Williams.

Xin lỗi tình yêu đã gắn liền với giọng ca Đàm Vĩnh Hưng suốt 20 năm. Đây cũng là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của nam ca sĩ này.

Thế nhưng, giờ đây, Xin lỗi tình yêu sẽ không thể xuất hiện trên các sân khấu của Đàm Vĩnh Hưng nữa. Đây có thể là thông tin gây tiếc nuối với người hâm mộ ca sĩ này. Với việc nhạc sĩ Minh Nhiên bán độc quyền biểu diễn bài hát Xin lỗi tình yêu cho ông Gerard Richard Williams, Đàm Vĩnh Hưng không còn cách nào khác ngoài việc chia tay bài hát.

Từ việc Đàm Vĩnh Hưng mất hit Xin lỗi tình yêu

Từ hồi tháng 4, trên trang cá nhân, Đàm Vĩnh Hưng viết: “Từ nay Hưng sẽ không hát hay biểu diễn bài Xin lỗi tình yêu nữa. Vì bài hát này đã được bán độc quyền cho người mua tại Mỹ rồi. Nên các fan của Hưng cũng đừng yêu cầu và làm khó Hưng nhé. Cảm ơn Xin lỗi tình yêu đã bên Hưng 20 năm”.

Theo nguồn tin, thời hạn độc quyền nhạc sĩ Minh Nhiên bán ca khúc cho ông Gerard Richard Williams kéo dài 5 năm, phạm vi bảo hộ toàn thế giới. Quyền sở hữu và các quyền liên quan khác vẫn thuộc về nhạc sĩ Minh Nhiên.

 Đàm Vĩnh Hưng chia tay bản hit Xin lỗi tình yêu sau 20 năm gắn bó. Ảnh: FBNV.

Đàm Vĩnh Hưng chia tay bản hit Xin lỗi tình yêu sau 20 năm gắn bó. Ảnh: FBNV.

Một nhạc sĩ giải thích với Tri Thức - Znews việc Minh Nhiên bán độc quyền bài hát cho ông Gerard Richard Williams đồng nghĩa chỉ chồng Bích Tuyền được phép biểu diễn ca khúc. Những người khác nếu muốn hát Xin lỗi tình yêu phải xin phép Gerard Richard Williams.

“Đàm Vĩnh Hưng hết hạn độc quyền bài hát thì nhạc sĩ Minh Nhiên có quyền bán ca khúc cho một người khác. Tức, chồng Bích Tuyền được sử dụng độc quyền Xin lỗi tình yêu trong 5 năm và những ca sĩ khác không được phép hát bài đó. Nếu muốn hát, họ phải được sự đồng ý từ ông Gerard Richard Williams. Còn nhạc sĩ Minh Nhiên vẫn có quyền với các bản ghi âm của ông Gerard Richard Williams và được hưởng tiền khi các bản ghi đó được kinh doanh, đăng tải trên các nền tảng”, nhạc sĩ nói.

Anh tiếp tục: “Vụ việc này tương tự trường hợp Cao Thái Sơn và Nathan Lee. Thời xưa, các nhạc sĩ sẽ không bán bài hát cho ca sĩ khác sau khi hết hạn độc quyền. Nhưng giờ đây, việc này phổ biến hơn, tùy theo thỏa thuận giữa nhạc sĩ với ca sĩ mà thôi. Với cá nhân tôi, một bài hát nếu đã được bán độc quyền nhiều năm và quá phổ biến thông qua giọng hát của một ai đó, tôi sẽ không bán độc quyền cho ca sĩ khác. Tuy nhiên, việc này không hề sai về lý. Do đó, quyết định bán hay không phụ thuộc vào nhạc sĩ mà thôi. Chung quy việc này cũng giúp bài hát lan tỏa, có sức sống bền bỉ hơn, còn nhạc sĩ có thêm thu nhập để duy trì công việc của họ”.

Tranh cãi quanh việc mua bản quyền

Tháng 4/2021, showbiz Việt chứng kiến một trong những vụ tranh chấp bản quyền âm nhạc ồn ào nhất giữa hai ca sĩ Nathan Lee và Cao Thái Sơn. Từ những phát ngôn công kích trên mạng xã hội, vụ việc nhanh chóng leo thang khi Nathan Lee tuyên bố mua lại hàng loạt ca khúc từng gắn liền với tên tuổi Cao Thái Sơn.

Con đường mưa, Pha lê tím, Cầu vồng sau mưa, Yêu thương quay về… những ca khúc gắn liền với tên tuổi Cao Thái Sơn sau đó được Nathan Lee mua lại độc quyền. Cao Thái Sơn không được tiếp tục hát những ca khúc trên, dù chính giọng hát của anh làm chúng trở nên nổi tiếng.

 Ca sĩ Cao Thái Sơn. Ảnh: FBNV.

Ca sĩ Cao Thái Sơn. Ảnh: FBNV.

Cao Thái Sơn từng cho rằng việc đồng nghiệp mua bản quyền loạt bài hit là hành động thiếu tôn trọng. Sau đó, hai người liên tục đôi co qua lại trên mạng xã hội. Anh cũng bày tỏ sự thất vọng đối với một vài nhạc sĩ từng hợp tác, cho rằng họ không tôn trọng mối quan hệ đồng hành trước đây.

Vụ việc gây chia rẽ trong công chúng. Không ít người cho rằng hành động mua độc quyền ca khúc vốn được thể hiện bởi ca sĩ khác là hợp pháp nhưng lại không hợp tình.

Thời điểm đó, trước những ý kiến chỉ trích Nguyễn Văn Chung (tác giả bài Con đường mưa) thiếu tình nghĩa và tham tiền, nhạc sĩ này lên tiếng phản hồi.

Anh cho biết: “Tôi bán độc quyền cho Sơn 2 năm từ 2008 đến 2010. Trên nguyên tắc, sau 2010 là hết hạn độc quyền, có thể có ca sĩ khác mua độc quyền. Thế nhưng trước giờ ở Việt Nam chưa từng có tiền lệ đó. Vì sao? Vì ca sĩ sợ không vượt qua được thành công bài gốc. Họ sợ bị khán giả so sánh với bài cũ. Vì họ tiếc tiền mua 1 bài đã từng được ca sĩ khác hát. Thay vì vậy, họ chỉ cần bỏ ra 2 triệu đồng để được tác quyền, nghĩa là được hát cùng nhiều người mua tác quyền khác”.

Nhạc sĩ tiếp tục: “Thực tế là sau thời hạn độc quyền từ 2010 đến giờ, Sơn vẫn thoải mái hát những bài đó ở rất nhiều sân khấu và cũng có lần Sơn thừa nhận là nhờ những bài đó, Sơn có cuộc sống tốt hơn rất nhiều nhờ đi show. Một bài hit có thể thay đổi cuộc sống của ca sĩ, thế nhưng lại chẳng thay đổi gì với cuộc sống của nhạc sĩ. Nếu không tự làm gì cho bản thân mà cứ trông chờ vào ca sĩ, chỉ có dậm chân tại chỗ trong xã hội này”.

Hồi 2019, Vy Oanh cũng bày tỏ sự bức xúc khi ca khúc hit Đồng xanh của cô được Minh Tuyết thể hiện và phát hành lại. Ca khúc này do nhạc sĩ Dương Khắc Linh sáng tác nhạc và Hoàng Huy Long viết lời. Thời điểm đó, khi tranh cãi bùng nổ, nhiều nhạc sĩ bày tỏ Vy Oanh có thể không sai về tình. Nhưng về pháp lý, tác giả hoàn toàn có quyền bán bài hát cho ca sĩ khác sau khi người thể hiện ban đầu hết hạn độc quyền.

Những vụ việc kể trên nhìn chung vẫn gây tranh luận khi mỗi người đứng từ góc độ khác nhau, về tình hoặc về lý. Và như Nguyễn Văn Chung chia sẻ, việc này trước đây ít xảy ra, bởi ca sĩ ngại thể hiện lại bản hit của đồng nghiệp khác, trong khi đó, các nhạc sĩ cũng ngại ngùng chuyện tình nghĩa.

Tuy nhiên, khi việc này dần trở nên phổ biến hơn, nó đặt ra nhiều câu hỏi cho giới nghệ sĩ về việc quản lý bản quyền ca khúc - một vấn đề vốn bị xem nhẹ ở Vpop.

Minh Hạo

Nguồn Znews: https://znews.vn/thay-gi-khi-dam-vinh-hung-khong-duoc-hat-xin-loi-tinh-yeu-post1556138.html