Phía sau việc doanh nghiệp 'chê' đường sắt, hàng không

Trong các phương tiện vận tải, các doanh nghiệp vẫn ưu tiên chọn vận chuyển nông sản qua đường bộ, sau đó là đường biển rồi mới đến hàng không và đường sắt.

Chiều 8-9, Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp nông sản với đường sắt, hàng không. Hội nghị nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) tận dụng những ưu thế hiện có của vận tải đường sắt và đường hàng không bên cạnh các phương thức vận tải truyền thống như đường bộ, đường biển. Qua đó nhằm cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt.

Có nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đánh giá nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt gần 25,5 tỉ USD, trong đó có 6/9 mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt kim ngạch trên 2 tỉ USD. Tuy nhiên, chi phí logistics đang khiến xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn, bị giảm tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Kết quả khảo sát DN logistics về phương thức vận tải để vận chuyển hàng nông sản và hàng lạnh cho thấy đường bộ vẫn được lựa chọn hàng đầu. Nguyên nhân là đường bộ có sự linh hoạt, thời gian vận chuyển nhanh và cũng là phương thức truyền thống, đặc biệt là đối với xuất khẩu sang các thị trường có chung đường biên giới với nước ta.

Sau đường bộ, các DN ưu tiên lựa chọn đường biển do chi phí thấp, thích hợp với việc xuất khẩu sang các thị trường xa và với các mặt hàng có tính thời vụ thấp.

“Việc chỉ tập trung khai thác vận tải đường bộ trong vận chuyển hàng hóa nông sản xuất khẩu đã ảnh hưởng nhất định đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam do chi phí vận tải đường bộ khá cao. Bên cạnh đó vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ tại khu vực cửa khẩu do năng lực thông quan không đáp ứng được lượng hàng hóa xuất khẩu lớn khi vào dịp cao điểm” - ông Hải đánh giá.

Trong khi đó, đường sắt và đường hàng không cũng có nhiều ưu thế nhưng DN sử dụng chưa nhiều. Đại diện cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh, cho biết: Trong sáu tháng đầu năm nay đã có 864.000 tấn hoa quả xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng. Tuy nhiên, số lượng hàng nông sản qua cửa khẩu bằng đường sắt còn rất khiêm tốn, chỉ có hơn 17.000 tấn.

Trong mùa dịch COVID-19, một số hãng hàng không Việt vận chuyển thêm hàng hóa để cải thiện doanh thu (ảnh lớn) và chế biến cá tra Việt xuất khẩu. Ảnh: P.ĐIỀN

Trong mùa dịch COVID-19, một số hãng hàng không Việt vận chuyển thêm hàng hóa để cải thiện doanh thu (ảnh lớn) và chế biến cá tra Việt xuất khẩu. Ảnh: P.ĐIỀN

Ông Nam cho rằng có nhiều lý do để các DN cân nhắc lựa chọn vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt. Đó là đường sắt vận chuyển được khối lượng lớn, có thể vận chuyển đạt 60.000 tấn hàng/ngày đêm. Các toa xe có tải trọng bình quân 30 tấn/xe, mỗi đoàn tàu bình quân 18-21 xe. Khối lượng hàng khoảng 630 tấn/đoàn tàu. Cạnh đó, vận chuyển bằng đường sắt có chế độ bảo quản tốt để duy trì chất lượng sản phẩm với các container lạnh tự vận hành, theo dõi và điều khiển nhiệt độ từ xa.

Ông Nam cũng đánh giá vận chuyển bằng đường sắt tương đối an toàn, lịch tàu ổn định, thời gian vận chuyển đều đặn. Đơn cử như tàu liên vận từ Việt Nam đi châu Âu mất 20 ngày, trong khi đó đi đường biển mất 40 ngày. Tàu đi từ Sóng Thần đến Đồng Đăng mất 64 giờ, từ Sóng Thần đi Lào Cai mất 70 giờ. Ngoài ra, đường sắt cũng cung cấp các dịch vụ xuất nhập khẩu chính ngạch như làm các thủ tục thông quan qua các cửa khẩu, kho bãi...

“Không chỉ vận chuyển hàng nội địa, với mạng lưới đường sắt liên vận quốc tế, chúng tôi có thể hỗ trợ đưa hàng hóa đến Hàn Quốc, Mông Cổ, Nga...” - ông Nam cho biết.

Dự kiến trong quý III-2020, hãng hàng không VietJet sẽ đưa đội máy bay chở hàng vào hoạt động.

E ngại giá cước hàng không

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho biết công ty chuyên xuất khẩu mặt hàng nông sản vào các thị trường như Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Trong kim ngạch xuất khẩu năm 2019, công ty xuất khẩu được 43 triệu USD vào thị trường Mỹ.

“Chúng tôi sử dụng vận chuyển nông sản bằng đường hàng không từ rất sớm. Vì loại hình này vận chuyển nhanh, rủi ro hư hỏng gần như không có và có thể chuyển đi khắp nơi trên thế giới. Khi các thị trường khác không có thì mình bán được giá tốt, không lo bị cạnh tranh” - ông Tùng cho biết.

Tuy nhiên, vận chuyển bằng đường hàng không có hạn chế là giá cước không chủ động được. “Hiện các hãng hàng không trong nước chưa có đường bay đến các nước như Canada, Mỹ… mà phải phụ thuộc vào các hãng hàng không nước ngoài, nên khi họ có trục trặc, nâng giá thì DN cũng phải chấp nhận” - ông Tùng nói.

Ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng giám đốc hãng hàng không VietJet Air, cũng thừa nhận hiện giá cước hàng không quá cao, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19. Lý do là các máy bay hành khách tạm dừng các đường bay quốc tế, trong khi chưa có các chuyến bay chuyên vận chuyển hàng hóa. Điều này dẫn đến hệ quả là các sản phẩm nông nghiệp nước ta hầu như rất khó xuất khẩu và khó cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp của các nước khác.

Cạnh đó, các hãng hàng không trong nước phát triển mạnh nhưng quy mô vẫn nhỏ so với các hãng nước ngoài. Các hãng trong nước hiện chỉ tập trung khai thác bụng máy bay hành khách mà chưa đầu tư vào máy bay chuyên chở hàng hóa.

“Các hãng hàng không nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế đến gần 90%. Do đó, tôi cho rằng cần có một hãng hàng không với đội máy bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt như bưu điện... Có như vậy giá cước phí máy bay mới giảm được” - ông Quang đề xuất.

Ông Quang cũng kiến nghị phải đầu tư mạnh vào hệ thống logistics phục vụ lưu trữ, bảo quản, thông quan nhằm bảo đảm chất lượng xuất khẩu của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Khuếch trương chính sách “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” trong vận chuyển và phân phối sản phẩm.

Vận chuyển đường sắt phải trung chuyển nhiều

Nêu lý do không lựa chọn vận chuyển bằng đường sắt dù có tần suất xuất khẩu sang Trung Quốc rất nhiều, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho biết do đường sắt phải trung chuyển quá nhiều.

“Một container mà muốn vận chuyển từ Long An, Bình Thuận sang Trung Quốc thì chúng tôi phải chở tới ga Sóng Thần. Từ Sóng Thần mới chở đến Đồng Đăng và từ Đồng Đăng mới trung chuyển hoặc kéo xe sang Trung Quốc. Còn đi đường bộ chúng tôi chỉ cần xe container tới Long An, sau đó chở một lèo sang Trung Quốc. Trung chuyển nhiều khiến nhiệt độ không đảm bảo, đến nơi hàng hóa có vấn đề sẽ khiến DN thiệt hại nặng” - ông Tùng dẫn chứng.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/quan-ly/phia-sau-viec-doanh-nghiep-che-duong-sat-hang-khong-937213.html