Phía sau việc vàng liên tục lập đỉnh mới

Dịch Covid-19 là nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm kênh tài sản an toàn, đẩy giá vàng lên cao, dấy lên mối lo về lạm phát và suy thoái kinh tế.

Không thể phủ nhận sự kéo dài của đại dịch Covid-19 đang là chướng ngại vật lớn đối với đà hồi phục của nền kinh tế thế giới. Cùng lúc đó, những bước đi căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc càng làm gia tăng nhu cầu đối với các tài sản dự trữ an toàn.

Theo Bloomberg, giá vàng sắp ghi nhận chuỗi leo dốc mạnh nhất kể từ năm 2011 với 7 tuần tăng liên tiếp. Trong phiên giao dịch thứ 6 tại New York, giá vàng thỏi đã vọt lên mức 1.902,02 USD/ounce, cao hơn khoảng 30% so với hồi tháng 3 và chỉ kém 1% so với mức cao kỷ lục vào 9 năm trước đó.

 Giá vàng ghi nhận chuỗi tăng liên tiếp trong 7 tuần, sắp chạm ngưỡng kỷ lục hồi năm 2011. Ảnh: CNBC.

Giá vàng ghi nhận chuỗi tăng liên tiếp trong 7 tuần, sắp chạm ngưỡng kỷ lục hồi năm 2011. Ảnh: CNBC.

Có thể nói, nỗi lo xuất hiện từ khi dịch virus corona chủng mới bùng phát chính là nguyên nhân khiến vàng trở nên thu hút giới đầu tư hơn bao giờ hết. Tình trạng phong tỏa kéo dài, các chính sách kích thích tài chính được tung ra liên tục đè lãi suất thực xuống âm, đồng USD mất giá, nỗi lo về suy thoái kinh tế và sự bất ổn địa chính trị đã tiếp sức cho vàng tăng tốc trên con đường ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 1 thập kỷ.

Trước tình hình trên, UBS Group AG - tổ chức tài chính đa quốc gia có trụ sở tại Thụy Sĩ, đã nâng dự báo ngắn hạn của giá vàng lên 2.000 USD/ounce vào cuối tháng 9/2020, cho rằng vàng chính là kênh tài sản để đa dạng hóa trong môi trường lãi suất thấp. Trong khi đó, Bank of America (BofA) hồi tháng 4 cho biết giá vàng trong 18 tháng tới có thể chạm ngưỡng 3.000 USD/ounce.

Dự đoán táo bạo của Bank of America được đưa ra sau khi giá kim loại này có dấu hiệu hạ nhiệt vào tháng 3 khi các nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm tiền mặt để bù lỗ cho các tài sản rủi ro. Tuy nhiên, giá vàng đã nhanh chóng tăng tốc sau động thái giảm lãi suất bất ngờ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng các chính sách nới lỏng tiền tệ của nhiều ngân hàng lớn trên thế giới.

Đây không phải lần đầu tiên vàng được dựa hơi từ các chương trình kích thích của ngân hàng trung ương. Thời điểm 12/2008-6/2011, FED đã chi tới 2.300 tỷ USD để mua nợ và hạ lãi suất cho vay xuống 0%. Nhờ vậy, giá vàng thỏi đã chạm tới mức cao nhất trong lịch sử với 1.921,17 USD/ounce vào tháng 9/2011.

Ông Francisco Blanch, chuyên gia nghiên cứu hàng hóa và phái sinh đến từ BofA, cho biết đại dịch là yếu tố chính giúp giá vàng tăng “bền vững”. Hơn nữa, khi khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ bị xáo trộn vì Covid-19, sẽ mở ra một sự thay đổi địa chính trị. “Và mức 3.000 USD/ounce là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông nhận xét.

 FED nhiều lần cắt giảm lãi suất kể từ đầu năm tới nay nhằm kích thích nền kinh tế trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Ảnh: FT.

FED nhiều lần cắt giảm lãi suất kể từ đầu năm tới nay nhằm kích thích nền kinh tế trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Ảnh: FT.

Mặt khác, giới quan sát lo ngại tình trạng lạm phát gia tăng nếu nền kinh tế tiếp tục trì trệ như hiện nay. Nếu kịch bản này xảy ra, các khoản đầu tư cố định sẽ bị xói mòn và làm mất trật tự trong thị trường tài chính toàn cầu.

Tại Mỹ - nơi dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành và tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, vấn đề này càng nghiêm trọng hơn. Các chuyên gia cho biết kỳ vọng lạm phát - được đo bằng điểm hòa vốn trên thị trường trái phiếu, tăng mạnh trong 4 tháng gần đây sau mức giảm sâu hồi tháng 3. Tính đến ngày 24/7, tỷ lệ này đạt 1,5% - cao hơn so với mức lãi suất 0,59% mà trái phiếu kho bạc 10 năm phải trả.

Thị trường trái phiếu Mỹ được xem là động lực thúc đẩy cơn sốt giá vàng, đóng vai trò là hàng phòng vệ quan trọng trong thị trường kim loại quý. Bởi lẽ, khi kho bạc loại bỏ các tác động của lạm phát khiến lãi suất tiệm cận 0, những người đang sở hữu kênh tài sản an toàn như vàng sẽ yên tâm ngủ ngon mà không lo bị lỗ.

“Khi lãi suất xấp xỉ 0, vàng trở thành danh mục tài sản đáng để đầu tư vì chắc chắn nó sẽ mang lại lợi suất. Bên cạnh đó, giá vàng vẫn sẽ tăng nếu thị trường tiếp tục bất ổn”, Bloomberg dẫn lời nhà đầu tư Mark Mobius, đồng sáng lập tại Mobius Capital Partners, cho biết. “Tôi sẽ mua và tiếp tục mua vàng, vì giá vẫn sẽ tăng mạnh”, ông nói thêm.

Ông Mark Mobius vốn được biết đến là nhà đầu tư “yêu vàng”. Từ tháng 9 năm ngoái - khi giá vàng còn lẹt đẹt quanh ngưỡng 1.430-1.450 USD/ounce, ông đã khuyên mọi người “nên mua vàng bằng mọi giá”.

Theo ông, việc tích lũy vàng sẽ giúp nhà đầu tư sinh lời lớn trong dài hạn khi các ngân hàng trung ương lớn nới lỏng chính sách tiền tệ. "Bạn nên mua ở bất kỳ mức giá nào. Triển vọng dài hạn của vàng là dương vô cùng, vì cung tiền luôn tăng”, ông nói.

Hương Giang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phia-sau-viec-vang-lien-tuc-lap-dinh-moi-post1111450.html