Phía trước tay lái là sự sống...

Nhiều gia đình bỗng chốc mất đi những người thân yêu, cuộc sống rơi vào cảnh cùng cực, túng quẫn; nhiều người sống đời tàn phế; tiếng trẻ khóc cha, vợ khóc chồng và cảnh 'người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh',... đều rất nhói lòng. Đó là hậu quả, nỗi đau âm ỉ do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra nên mỗi người khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải nâng cao ý thức, vì sự an toàn của mình và người khác.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông

Nỗi đau khó nguôi ngoai

Căn nhà nhỏ lụp xụp, cũ kỹ của ông Nguyễn Văn Ngà (61 tuổi) nằm sâu trong con đường đất, sình lầy thuộc ấp Lò Gạch, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Bên trong căn nhà không có vật dụng giá trị ngoài chiếc bàn tròn inox và vài chiếc ghế nhựa. Di ảnh của người con trai đặt tạm trên chiếc bàn cũ ở giữa nhà. Mỗi lần nhìn di ảnh con, ông Ngà lại rơm rớm nước mắt. Sự việc đau lòng đã xảy ra hơn 1 năm nhưng đến nay, nỗi đau mất người con trai và 2 cháu ngoại của ông vẫn chưa nguôi ngoai. Ông Ngà nói: “Hơn 1 năm nay, không đêm nào tôi ngủ ngon giấc, mỗi khi chợp mắt, bóng dáng con trai và 2 cháu ngoại lại hiện ra trước mắt”.

Ông Ngà kéo tay áo, lau giọt nước mắt lăn dài trên má rồi kể: “Chiều ngày 13/9/2022, thằng Tuấn Anh, con trai tôi, chạy xe máy chở 2 cháu Trần Thị Nhi (12 tuổi) và Trần Quốc Khánh (6 tuổi) từ nhà lên tỉnh Đồng Nai để sống chung với cha mẹ. Khi đang lưu thông trên Quốc lộ 51 thì va chạm với xe ôtô tải đang rẽ vào đường dẫn lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Thằng Tuấn Anh và 2 đứa cháu ngoại của tôi tử vong tại chỗ”.

Ngồi cạnh ông Ngà, chị Đặng Thị Huệ (con gái ông Ngà, 32 tuổi, mẹ của Nhi và Khánh) không nén được nỗi đau lòng. “Tôi và chồng đều làm công nhân ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Hôm đó, khi trường thông báo tiếp nhận Nhi và Khánh vào học, vợ chồng tôi rất vui nên nhờ anh Tuấn Anh (anh ruột của chị Huệ, làm công nhân chung với vợ chồng chị) chạy xe máy về quê chở giúp 2 cháu lên để nhập học. Đến chiều, khi còn đang làm việc thì nhận được điện thoại báo tin anh tôi và 2 con bị TNGT. Lúc đó, tim tôi như ngừng đập. Gần 10 phút sau, định thần lại, tôi gọi điện thoại cho chồng, rồi chạy ra hiện trường thì anh tôi và 2 con được đưa vào bệnh viện nhưng đã ra đi mãi mãi” - chị Huệ nghẹn giọng.

Anh Tuấn Anh là trụ cột trong gia đình, từ sau khi anh mất đến nay, ông Ngà phải gánh vác mọi việc trong nhà và chăm sóc bà Huỳnh Thị Thu (65 tuổi, vợ ông) đau ốm, phải thường xuyên nhập viện điều trị. Trước đó, mọi chi tiêu trong gia đình đều nhờ vào số tiền khoảng 5 triệu đồng/tháng của anh Tuấn Anh gửi về nhưng nay không còn nữa. Hàng ngày, ông Ngà đi làm thuê, thu nhập bấp bênh. Hôm nào không ai thuê thì ông đi cắt lục bình đem bán được khoảng 200.000 đồng/ngày. “Số tiền ít ỏi này không đủ trang trải sinh hoạt hàng ngày nói chi lo thuốc men cho bà Thu và chuyện ăn học của 3 đứa cháu” - ông Ngà chia sẻ.

Nhắc đến vụ TNGT làm 3 mẹ con tử vong ở huyện Cần Giuộc, nhiều người vẫn còn bàng hoàng. Khoảng 16 giờ ngày 17/10/2022, nhiều người đang lưu thông trên đoạn đường ở xã Long Hậu thì nghe tiếng “rầm”, ngoảnh đầu lại thấy một xe bồn va chạm với xe đạp điện khiến 1 phụ nữ và 2 trẻ em (6 và 8 tuổi) tử vong. Hình ảnh anh T.V.H., là chồng, cha của 3 nạn nhân khi nghe tin vợ con bị TNGT đã chạy đến hiện trường, quỳ khóc trong đau đớn, tuyệt vọng khiến nhiều người xót xa. Nắm được thông tin vụ tai nạn, các cấp chính quyền đến chia buồn, thăm hỏi và hỗ trợ gia đình. Nhiều người đã vận động quyên góp giúp anh T.V.H lo hậu sự cho vợ con.

Tại Bệnh viện Đa khoa Long An, anh Đ.Q.T. (SN 1989, ngụ huyện Bến Lức) nằm điều trị chấn thương sọ não do TNGT. Ngồi bên cạnh giường bệnh chăm sóc con, khuôn mặt người mẹ hơn 60 tuổi hiện rõ sự mệt mỏi, thất thần sau quãng thời gian dài mất ngủ. Bà đau lòng khi nhìn con ngày càng tiều tụy, phải giành giật sự sống trên giường bệnh. “Con trai tôi vốn khỏe mạnh, đang tràn đầy nhiệt huyết và những ước mơ, hoài bão nhưng vì TNGT mà trở nên thế này” - người mẹ nói trong nước mắt.

Phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ

“Để kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí phải làm quyết liệt, chứ làm “khơi khơi” là không ổn, không hiệu quả. Ban An toàn giao thông (ATGT) ở các địa phương, nhất là nơi TNGT tăng đột biến phải họp để phân tích, làm rõ những nguyên nhân, hạn chế, tồn tại, từ đó, xây dựng kế hoạch, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị. Trong công tác này phải nêu cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh, chỉ đạo của người đứng đầu” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh trong Hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác bảo đảm trật tự, ATGT 9 tháng năm 2023.

Để kéo giảm tai nạn giao thông, không chỉ riêng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử phạt mà phải có giải pháp đồng bộ

Để kéo giảm tai nạn giao thông, không chỉ riêng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử phạt mà phải có giải pháp đồng bộ

Trong 9 tháng năm 2023, lực lượng công an toàn tỉnh xử phạt trên 11.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (tăng gần 80% so cùng kỳ năm 2022). Bên cạnh đó, tình hình lấn chiếm lòng, lề đường, chợ tự phát, trật tự giao thông trước cổng trường học vẫn xảy ra và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT,...”.

Đại tá Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Công an tỉnh

Cùng với kiên trì xây dựng văn hóa giao thông, ông Nguyễn Minh Lâm cũng lưu ý tăng cường công tác thanh, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm về trật tự, ATGT; tiếp tục thực hiện các chuyên đề kiểm tra, kiểm soát, xử lý xe quá tải, quá khổ, chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn khi lái xe; bảo trì, sửa chữa hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các “điểm đen” tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT.

Theo Đại tá Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Công an tỉnh, để kéo giảm TNGT, không chỉ riêng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử phạt mà phải có giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của các cấp, các ngành và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. “Khi ra đường, có lúc tôi gặp trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhưng rất thiếu ý thức. Thậm chí, có trường hợp đang lái xe thì bất thình lình dừng lại nghe điện thoại mà không biết như vậy dễ xảy ra TNGT. Khi bị người đi đường nhắc nhở thì những người này còn cự cãi, chống chế” - Đại tá Trần Văn Hà nói.

Vừa qua, tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Qua kiểm tra tại huyện Bến Lức, Đoàn chỉ ra những nguyên nhân chủ quan dễ dẫn đến TNGT như tình trạng họp chợ, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang ATGT; điều khiển phương tiện chạy lấn làn, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ; tình trạng giao thông phức tạp tại các cổng trường;...

Đại tá Trần Văn Hà gợi mở một số giải pháp bảo đảm ATGT để huyện Bến Lức giải quyết áp lực giao thông trên địa bàn, tạo sự chuyển biến, đột phá tích cực. Theo Đại tá, huyện cần tăng cường tuyên truyền pháp luật về ATGT trong công nhân; khảo sát và nghiên cứu, lắp đặt thêm camera giám sát tại một số điểm phức tạp về ATGT. Đồng thời, huyện cần xem xét triển khai, thực hiện thí điểm một số mô hình, phương pháp, cách làm mới trong bảo đảm trật tự, ATGT phù hợp với từng đối tượng như học sinh, công nhân, người dân và đặc điểm tình hình.

Lực lượng công an các địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra trật tự, an toàn giao thông

Lực lượng công an các địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra trật tự, an toàn giao thông

“Công tác tuyên truyền phải làm sao cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ. Ở cơ sở cần phát huy vai trò của người có uy tín để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật về ATGT. Công an huyện có thể nghiên cứu triển khai những cuộc trải nghiệm ATGT cho người dân. Qua đó, ngoài tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, còn hướng dẫn người dân các kỹ năng tham gia giao thông an toàn” - Đại tá Trần Văn Hà nhấn mạnh.

Tại địa bàn TP.Tân An, từ ngày 14/12/2022 đến ngày 14/10/2023, xảy ra 26 vụ TNGT đường bộ, làm chết 9 người, bị thương 16 người, thiệt hại tài sản gần 400 triệu đồng. Lực lượng chức năng lập biên bản trên 3.500 trường hợp vi phạm về trật tự, ATGT. Thượng tá Lê Văn Phước - Trưởng Công an TP.Tân An, cho biết: “Nhằm bảo đảm trật tự, ATGT, TP.Tân An đầu tư Trung tâm Điều hành thông minh với hệ thống camera giám sát giao thông lắp đặt tại 22 giao lộ trọng điểm trên địa bàn. Hệ thống được đưa vào vận hành từ ngày 10/10/2023 đến nay, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, kéo giảm TNGT”.

Nguyên nhân dẫn đến TNGT rất nhiều nhưng việc góp phần hạn chế tai nạn xảy ra phải bắt đầu từ ý thức của người tham gia giao thông. Cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, những giải pháp của ngành chức năng, mỗi người khi cầm lái hãy luôn nhớ phía trước tay lái là tính mạng, sự an toàn của chính mình và người khác, từ đó chấp hành nghiêm pháp luật, tham gia giao thông một cách văn hóa, bảo đảm an toàn./.

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 131 vụ TNGT, làm chết 93 người, bị thương 62 người, thiệt hại tài sản 841 triệu đồng (trong đó, TNGT đường thủy 1 vụ, làm chết 1 người; còn lại là đường bộ). So cùng kỳ năm 2022, TNGT tăng 37 vụ, tăng 33 người chết và 13 người bị thương.

Lê Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phia-truoc-tay-lai-la-su-song--a166686.html