Phiên bản mới của Harop từng xuất hiện tại Nagorno-Karabakh

Trong những cuộc chiến tại Nagorno-Karabakh vừa qua, một phiên bản mới của UAV tấn công cảm tử Harop đã được sử dụng.

Theo hãng AMN, trong giai đoạn 2007 - 2018, Azerbaijan đã mua hàng loạt vũ khí tối tân từ Israel, trong đó có máy bay không người lái (UAV) Orbiter-1K, Orbiter-2M, Orbiter-3, Hermes 450, Hermes 900, Harop...

Hầu hết những vũ khị này đã xuất hiện trong xung đột Nagorno-Karabakh vừa qua. Điều đặc biệt là ngoài những vũ khí nguyên bản từ Israel, người ta còn phát hiện Harop được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Harop được sử dụng trong xung đột ở khu vực Nagorno-Karabakh.

Harop được sử dụng trong xung đột ở khu vực Nagorno-Karabakh.

Thông tin này được đưa ra sau khi một số chiếc Harop bị bắn hạ có dòng chữ Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện thông tin chưa được phía Ankara xác nhận nhưng chỉ với những thông tin trên, AMN cho rằng đây là một dị bản của Harop.

Máy bay Harop có chiều dài 2,5m, sải cánh rộng 3m, bán kính hoạt động 1.000km, thời gian hoạt động 6 giờ, có khả năng mang theo một đầu đạn nổ cực mạnh nặng tới 23kg. Harop được tích hợp nhiều công nghệ tối tân mới.

UAV có thể bay liên tục trên không trong khoảng thời gian là 6 giờ tại khu vực khả nghi cho tới khi mục tiêu bộc lộ hoặc nhiên liệu bị cạn. Do là loại máy bay không có người lái nên Harop không có khoang lái nên giảm được tiết diện phản xạ radar, đồng thời thu nhỏ được kích thước để nâng cao tính năng tàng hình của máy bay.

Bên cạnh đó, khả năng tấn công bất ngờ của Harop tăng lên đáng kể, khả năng sống còn cũng được cải thiện rõ nét. Khi phát hiện mục tiêu, Harop sẽ tấn công bằng phương thức bổ nhào tốc độ cao, đâm thẳng vào mục tiêu với độ chính xác gần như là 100%, lợi dụng đầu đạn nổ mạnh nặng 23kg nên sức phá hủy mục tiêu cao.

Harop có khả năng thực hiện tấn công vào mục tiêu từ bất kỳ hướng nào, từ bất cứ góc nào, chúng chủ yếu được dùng để phát hiện và phá hủy trạm radar, đồng thời cũng có thể tấn công vào thiết bị phóng tên lửa, xe cộ trên mặt đất và các công trình có giá trị kinh tế cao, hoặc là mục tiêu nhạy cảm có thể tái định vị, giá trị kinh tế cao của đối phương.

Ngoài tác chiến thông thường, Harop có thể tiến hành trinh sát và tiến công đúng lúc đối với những mục tiêu khả nghi và sẽ không gặp phải vấn đề về lộ bí mật công nghệ khi đưa vào sử dụng trong cuộc chiến chống khủng bố.

Hiện không rõ phiên bản mới của Harop có được trang bị những tính năng như nguyên bản hay không nhưng một số nguồn tin cho rằng nó có thời gian hoạt động trên không tới gần 7 giờ - lâu hơn nguyên bản.

Được biết, ngày 10/11, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng công bố thỏa thuận hòa bình đạt được.

Xung đột ở khu vực Nagorno-Karabakh leo thang từ ngày 27/9, sau khi Azerbaijan tuyên bố các hành động khiêu khích từ phía Armenia và tiến hành tấn công quy mô lớn. Kể từ đó tới nay, các bên đã đồng ý ngừng bắn 3 lần, nhưng đều bị phá vỡ do các cáo buộc vi phạm từ mỗi bên.

Theo Thanh Hà/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/phien-ban-moi-cua-harop-tung-xuat-hien-tai-nagorno-karabakh/20201119014632224