Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội rất dân chủ thể hiện dấu ấn cả nhiệm kỳ thành công

Chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội đã trở thành diễn đàn dân chủ, thẳng thắn để các đại biểu đánh giá lại một cách toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội được nêu trong các Nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Thẳng thắn và trách nhiệm

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng Phùng Văn Hùng cho biết: Trong thời gian qua, Quốc hội đã tiến hành đổi mới và hoàn thiện quy trình, thủ tục chất vấn nên công tác chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng sôi nổi, chất lượng, với mong muốn nội dung này thực sự hiệu quả, sát thực với kỳ vọng của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10. Đây cũng là dịp để Quốc hội thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Đã có 122 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn, 6 đại biểu chất vấn 2 lần, 41 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó có 3 Phó Thủ tướng Chính phủ và 15 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã báo cáo, giải trình làm rõ thêm những nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời chất vấn các đại biểu.

Tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội cũng đã trả lời chất vấn trực tiếp đại biểu Quốc hội. Các câu hỏi cơ bản đã được các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trả lời, còn một số câu hỏi chưa được trả lời hoặc được phép trả lời bằng văn bản, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sớm trả lời và gửi văn bản đến đại biểu Quốc hội chất vấn cũng như gửi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thông tin tới các đại biểu.

Theo đại biểu Phạm Văn Tuân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thể hiện tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm, Quốc hội giám sát ra nghị quyết yêu cầu thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định: “Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi để làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng và đi thẳng vào nội dung chất vấn”.

Các thành viên Chính phủ, các vị trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được; về những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục trong tương lai. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề trả lời chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu, chưa làm rõ được trách nhiệm nên còn có ý kiến tranh luận, trao đổi lại.

Qua phiên chất vấn cho thấy, cơ bản việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiêm túc, chủ động triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, tạo sự chuyển biến góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao đã được thực hiện đạt hoặc vượt yêu cầu đề ra. Kết quả đó được đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhận thấy còn có nhiều nội dung, nhiều chỉ tiêu, yêu cầu chưa đạt, chưa giải quyết dứt điểm hoặc vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc và cần có giải pháp căn cơ để triển khai khắc phục.

Có những vấn đề đã được Quốc hội yêu cầu nhiều lần nhưng chuyển biến còn chậm, chưa đạt kết quả đề ra. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế có cả khách quan và chủ quan. Trong đó, có nguyên nhân bất cập trong chính sách pháp luật, từ tổ chức thực hiện, từ việc thiếu nguồn lực. Nhưng cũng có những nguyên nhân xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Làm rõ những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Đặng Xuân Phương, cho rằng trong kỳ chất vấn lần này nổi lên một số nhóm vấn đề, đó là: Liên quan đến công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là miền Trung vừa trải qua hậu quả của thiên tai vô cùng nặng nề. Do đó, các đại biểu thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề này.

Các đại biểu thể hiện trăn trở, mong muốn làm rõ nguyên nhân trong thiên tai, đâu là vấn đề do khách quan gây nên và đâu là yếu tố chủ quan liên quan đến con người. Đặc biệt là công tác quy hoạch, nạn chặt phá rừng... Đây là vấn đề nổi lên trong hội trường được nhiều đại biểu quan tâm.

Bên cạnh đó là những thành quả của công tác cải cách hành chính và sự phát triển của công nghệ thông tin. Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp cần tiếp tục có những cải tiến gì để làm sao nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp được thuận lợi hơn.

Đi liền với khắc phục hậu quả từ đại dịch COVID-19 thì các đại biểu Quốc hội cũng thể hiện trăn trở về những vấn đề có liên quan đến như an sinh xã hội, việc làm, đào tạo nghề... cần làm thế nào và có giải pháp cụ thể ra sao để vượt qua khó khăn trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai như hiện nay và đảm bảo an sinh cho người dân. Liên quan đến việc tổ chức thực thi pháp luật. Có rất nhiều câu hỏi được nêu ra trong các phiên chất vấn như: Vấn đề về tự chủ đại học; suy thoái đạo đức lối sống, xử lý vi phạm hành; phòng, chống tham nhũng....

“Tôi đánh giá cao phần trả lời của các thành viên Chính phủ, các Tư lệnh ngành đối với các câu hỏi được đại biểu Quốc hội nêu lên. Tôi rất ấn tượng với các nội dung trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông... Phó Thủ tướng cũng như các Tư lệnh ngành đã trả lời trúng nội dung vấn đề được nêu ra đồng thời có những giải trình, lập luận để làm rõ vấn đề. Nhiều nội dung trả lời sâu, cụ thể vào nội dung vấn đề như phần trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về vấn đề tự chủ đại học hiện nay”, đại biểu Đặng Xuân Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho biết.

Có thể nói rằng, phiên chất vấn lần này cho thấy sự cố gắng, đổi mới rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Đoàn Chủ tọa kỳ họp trong tổ chức điều hành phiên chất vấn. Ở những lần chất vấn trước thường chất vấn theo nhóm vấn đề và việc chất vấn chỉ tập trung vào một số thành viên Chính phủ.

Tuy nhiên, lần này Quốc hội tiến hành chất vấn theo phương thức mở và cho phép tất cả các thành viên Chính phủ, các Tư lệnh ngành đều có cơ hội tham gia trả lời chất vấn đối với các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Nếu như trả lời chất vấn theo cách thức tập trung theo nhóm vấn đề thì sẽ giúp các vị đại biểu Quốc hội đi sâu, đi đến cùng của vấn đề chất vấn nhưng lại hạn chế về số lượng, cơ hội cho các thành viên Chính phủ được trả lời. Và khi trả lời theo phương thức chất vấn mở sẽ cho phép tất cả các thành viên Chính phủ và Tư lệnh ngành có cơ hội được tham gia trả lời chất vấn, giải trình vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế trả lời phỏng vấn báo Tin tức bên hành lang Quốc hội đánh giá về phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: V.T

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế trả lời phỏng vấn báo Tin tức bên hành lang Quốc hội đánh giá về phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: V.T

“Phần điều hành của Chủ tọa các phiên chất vấn rất khoa học, linh hoạt góp phần quan trọng vào thành công của phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV”, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế nói.

Có thể khẳng định rằng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 thành công, thể hiện tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng. Phiên chất vấn diễn ra ở thời điểm sắp kết thúc nhiệm kỳ, là thời điểm mà cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 và thiên tai, bão lũ gây ra.

Kết quả phiên chất vấn sẽ là cầu nối giữa 2 khóa Quốc hội XIV và XV, chuyển tải những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội khóa XIV trong việc theo dõi, giám sát, thể hiện vai trò, chức năng của Quốc hội trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra của cả nhiệm kỳ, tạo động lực, khí thế mới để đất nước ta tiếp tục phát triển bền vững trong những nhiệm kỳ tiếp theo.

V.Tôn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/phien-chat-van-va-tra-loi-chat-van-tai-quoc-hoi-rat-dan-chu-the-hien-dau-an-ca-nhiem-ky-thanh-cong-20201114150445304.htm