Phiên chất vấn và trả lời chất vấn thẳng thắn, đúng, trúng trọng tâm

Trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Bắc Kạn khóa X, diễn ra vào sáng 19/7, Thủ trưởng các sở và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên đã trả lời nhiều câu hỏi đại biểu đưa ra, liên quan đến phát triển KT- XH của tỉnh một cách thắng thắn, đúng, trúng trọng tâm.

Triển khai nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Lường Văn Công, đơn vị thành phố Bắc Kạn chất vấn ông Trần Công Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về nguyên nhân không đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm theo kịch bản đã đề ra và giải pháp trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi đại biểu nêu, ông Trần Công Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Theo kịch bản tăng trưởng đầu năm thì tỉnh Bắc Kạn sẽ tăng trưởng cả năm 8%, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm mới đạt 5,45%. Để đạt được tốc độ tăng trưởng 8% dự kiến trong 6 tháng cuối năm phải đạt được tốc độ tăng trưởng 10%, đây là nhiệm vụ rất nặng nề của tỉnh.

Qua đánh giá, lãnh đạo Sở nhận thấy có một số nguyên nhân chính như: Trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian đầu năm xảy ra tình trạng hạn hán; đến tháng 4, tháng 5 có mưa lũ lớn và kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất.

 Ông Trần Công Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Trần Công Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Trong công nghiệp, một số sản phẩm có giá trị lớn như chế biến khoáng sản, chế biến gỗ cũng rất khó khăn, hoạt động xây dựng khó giải ngân.

Trong lĩnh vực du lịch, mặc dù số lượng khách du lịch đến với tỉnh tăng cao, tuy nhiên do sản phẩm du lịch chưa phát triển, nên doanh thu chưa đạt như mong muốn.

Thị trường bất động sản ảm đạm. Từ những nguyên nhân đó dẫn đến trong 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng của tỉnh không đạt được như kỳ vọng.

Giải pháp 6 tháng cuối năm, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu rà soát chi tiết từng lĩnh vực, từng địa phương. Trong nông nghiệp, đưa những cây trồng có giá trị kinh tế cao vào canh tác; hỗ trợ các dự án sản xuất công nghiệp, đặc biệt là chế biến gỗ để tăng sản lượng khai thác gỗ…

Trong lĩnh vực công nghiệp, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp khai khoáng, chế biến, khai thác vật liệu xây dựng, chế biến gỗ… tăng sản lượng để góp phần tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm…

Đối với lĩnh vực bất động sản, ông Trần Công Hòa cho biết sẽ hỗ trợ các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất để tăng thu ngân sách, tăng nguồn vốn… Trong lĩnh vực du lịch, từ nay đến cuối năm tỉnh có rất nhiều sự kiện diễn ra, hy vọng rằng số lượng khách du lịch sẽ tăng cao, là cơ sở để tăng doanh thu của lĩnh vực du lịch"…

Tiếp đó, các đại biểu tập trung chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư các nội dung như tiến độ dự án xây dựng đường thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang); nguyên nhân tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư chậm, giải pháp trong thời gian tới; việc triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách… Câu hỏi của các đại biểu đã được ông Trần Công Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời, làm rõ.

Cần phát huy tốt các sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vân, đơn vị bầu cử huyện Ba Bể chất vấn Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về những tồn tại trong quản lý, phát triển các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh hiện nay, giải pháp để khắc phục.

Đối với nội dung này, ông Nguyễn Đình Điệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh vai trò của bảo hộ chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể trong việc xây dựng và phát triển để tạo uy tín, chất lượng sản phẩm trên thị trường, từ đó nâng cao giá trị cho sản phẩm, tham gia đóng góp phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, ngành Khoa học và Công nghệ cùng các ngành, địa phương đã tập trung xây dựng và phát triển nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa. Đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh có 09 nhãn hiệu tập thể, trong đó có 04 sản phẩm được chỉ dẫn địa lý và 05 sản phẩm nhãn hiệu tập thể. Những nhãn hiệu đó đã đóng góp tích cực vào nâng cao giá trị sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn, khuyến khích phát triển kinh tế của địa phương, từng bước tạo ra sản phẩm hàng hóa đem lại giá trị cao.

 Ông Nguyễn Đình Điệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

Ông Nguyễn Đình Điệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, để tổ chức quản lý tốt, trong thời gian tới, ngành sẽ đề xuất một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để Nhân dân, các HTX nhận thức sâu sắc về vai trò và ý nghĩa của các sản phẩm được chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể. Những nhóm hộ sản xuất, người dân cần tuân thủ quy trình kỹ thuật để sản xuất. Đối với cơ quan chuyên môn, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh điều chỉnh bổ sung các văn bản, quy định để hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân khi sử dụng những sản phẩm, nhãn hiệu này...

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã trả lời một số câu hỏi của đại biểu liên quan đến công tác tổ chức thực hiện và ứng dụng các đề tài, dự án khoa học và công nghệ. Công tác hướng dẫn, quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ trên địa bàn....

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch

Liên quan đến tiến độ thực hiện Nghị quyết 16/2023/NQ-HĐND về hỗ trợ điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh trong câu hỏi của đại biểu Triệu Quang Phong, đơn vị bầu cử huyện Chợ Đồn, ông Hà Văn Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sau khi Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND ban hành ngày 23/10/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện vào tháng 12/2023, quá trình tổ chức triển khai còn chậm do nhận thức của các cấp về Nghị quyết chưa đầy đủ…

Các điểm du lịch cộng đồng được hỗ trợ thí điểm theo Nghị quyết 16 là: Thôn Khuân Bang, xã Như Cố, huyện Chợ Mới; thôn Cọn Poỏng, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn; thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông. Các chính sách sẽ được hỗ trợ gồm: Hỗ trợ tư vấn về không gian, cảnh quan, sản phẩm và cách làm du lịch. Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và phát triển du lịch cộng đồng như: Kinh phí đầu tư cổng chào; điểm thông tin du lịch và giới thiệu, bán sản phẩm phục vụ khách du lịch; xây dựng tiểu cảnh, điểm check-in, chụp ảnh, trải nghiệm; nhà vệ sinh công cộng; điểm đỗ xe; hệ thống biển chỉ dẫn các điểm tham quan du lịch. Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc như: Kinh phí xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở truyền thống của đồng bào dân tộc thành homestay; kinh phí phát triển sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc (dệt thổ cẩm; đan lát, cắt may, thêu thùa…). Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch. Hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Dự kiến nguồn kinh phí thực hiện cả giai đoạn từ 2023 - 2026 là hơn 13 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lèng Hoàng Diệu, đơn vị thành phố Bắc Kạn về giải pháp để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 mỗi huyện, thành phố có ít nhất một điểm du lịch được công nhận trong Nghị quyết 18/NQ-TU ngày 12/8/2021 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 -2025 định hướng đến 2030, ông Hà Văn Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Đến thời điểm này, tỉnh Bắc Kạn chưa có điểm du lịch nào được công nhận…

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã trả lời chất vấn của các đại biểu liên quan đến giải pháp để phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh và các chỉ tiêu trong Nghị quyết 18-NQ/TU, ngày 12/8/2021 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về việc về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh…

Khắc phục tình trạng chậm mua sắm thiết bị y tế

 Đại biểu Đồng Thị Vân Thoa, đơn vị bầu cử huyện Pác Nặm.

Đại biểu Đồng Thị Vân Thoa, đơn vị bầu cử huyện Pác Nặm.

Trong phiên chất vấn, đại biểu Đồng Thị Vân Thoa, đơn vị bầu cử huyện Pác Nặm đã nêu tình trạng mua sắm vật tư, hàng hóa, thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế công lập còn chậm, việc sửa chữa máy cộng hưởng từ, hệ thống chụp cắt lớp vi tính tại Bệnh viện đa khoa tỉnh chưa kịp thời nên ảnh hưởng tới chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Việc một số bệnh nhân mặc dù đã mua bảo hiểm y tế nhưng khi đến khám, chữa vẫn phải tự mua một số dụng cụ y tế. Đại biểu đề nghị Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết đến bao giờ khắc phục tình trạng này?

Liên quan đến nội dung này, ông Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh bày tỏ sự chia sẻ với khó khăn của các bậc cử tri, bà con Nhân dân khi tiếp cận các dịch vụ y tế trên địa bàn tỉnh. Việc mua sắm trang thiết bị là khó khăn chung của tất cả các lĩnh vực, trong đó có y tế càng khó khăn hơn do có nhiều văn bản, quy định và thường xuyên có sự thay đổi… Dự án mua trang thiết bị y tế của 8 Trung tâm Y tế cấp huyện đã trải qua rất nhiều các quy định dẫn tới phải thay đổi nhiều lần hồ sơ dự án, việc đấu thầu cũng khó khăn, các đơn vị thẩm định giá không mặn mà, không có đơn vị trúng thầu…

Ngoài những nguyên nhân khách quan, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ quan….

Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến chỉ số PCI của tỉnh, ông Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Trong những năm vừa qua, chỉ số PCI của Bắc Kạn tăng khá...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên tiếp tục trả lời câu hỏi của các đại biểu về giải pháp quản lý giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh khi thời gian qua vẫn có tình trạng bà con mua và sử dụng giống kém chất lượng. Việc tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí giảm nghèo...

Kết luận phần trả lời chất vấn, đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Các đại biểu HĐND tỉnh đã đặt câu hỏi đúng và trúng vấn đề, ngắn gọn; thủ trưởng các sở, Thường trực UBND tỉnh đã trả lời đúng, trúng trọng tâm, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế và đề xuất những giải pháp, những cam kết trong lộ trình để tổ chức, triển khai thực hiện./.

Mộc Lan

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/phien-chat-van-va-tra-loi-chat-van-thang-than-dung-trung-trong-tam-post64680.html