Phiên chợ đặc biệt của cô giáo dạy Ngữ văn

Nhắc tới chợ, người ta thường nghĩ đến cảnh ồn ào, chen lấn. Trái ngược không khí có phần xô bồ ấy, phiên chợ do cô Lê Nguyễn Hạnh Nguyên, giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tổ chức giúp khách hàng như tìm lại sự bình yên trong tâm hồn. Đến đây, mọi người còn học được nhiều điều hay từ thông điệp 'xanh - sạch - lành' mà cô Nguyên gửi gắm.

Một góc của phiên chợ “Xanh - sạch - lành” do cô giáo Hạnh Nguyên tổ chức - Ảnh: T.L

Một góc của phiên chợ “Xanh - sạch - lành” do cô giáo Hạnh Nguyên tổ chức - Ảnh: T.L

Phiên chợ “xanh - sạch - lành”

Quán cà phê MBook nằm trên đường Đoàn Khuê, TP. Đông Hà là địa chỉ quen thuộc đối với cô Hạnh Nguyên (sinh năm 1991). Bước qua cánh cổng của quán, cô có thể sống chậm trong bầu không khí hoài niệm và đặc biệt là được hòa mình vào thế giới sách. Từ nhỏ, cô Nguyên đã yêu thích những trang sách hay. Tình yêu đó được truyền từ ba mẹ cô. Ngày xưa, nhà cô Nguyên có thể thiếu nhiều thứ nhưng chưa bao giờ thiếu sách. Những cuốn sách hay đã đắp bồi tâm hồn, giúp năm tháng học chuyên văn, đại học, rồi thạc sĩ của cô trở nên thuận lợi hơn. Từ trải nghiệm riêng, sau khi trở thành giáo viên tại chính ngôi trường THPT từng chắp cánh cho ước mơ của mình, cô Nguyên luôn nỗ lực gieo tình yêu sách trong lòng học trò.

Tình yêu sách là một trong những lý do đầu tiên thôi thúc cô Hạnh Nguyên mở phiên chợ “xanh - sạch - lành”. Thế nhưng, cô Nguyên biết rằng, nếu chỉ sách thì “sức hút” của phiên chợ sẽ giảm. Cô vẫn luôn hy vọng có những vị khách đến chợ vì các mặt hàng khác nhưng rồi lại đi theo tiếng gọi của sách. “Tôi thường tự nhủ với lòng mình, nếu làm được điều gì đó ý nghĩa thì phải bắt tay ngay. Ngoài nhân lên tình yêu sách, tôi còn có tham vọng mang lại nhiều sự đổi thay từ phiên chợ của mình”, cô Nguyên chia sẻ.

Ấp ủ mong muốn ấy, cô Hạnh Nguyên đã lên ý tưởng, vạch ra mục tiêu, kế hoạch mở phiên chợ “xanh - sạch - lành”. Tranh thủ dịp hè, khi những bận rộn với bài giảng, giáo án vơi đi, cô bắt tay ngay vào công việc. Những gian hàng: sách, đồ gốm, sản phẩm hữu cơ, đồ handmade, áo quần secondhand, bánh kẹo... lần lượt ra đời. Trong phiên chợ, cô Nguyên còn xây dựng một góc nhỏ để giới thiệu các hoạt động tái chế và bố trí khu vực nhận áo quần, đồ chơi cũ tặng trẻ em vùng cao. Mỗi gian hàng, góc nhỏ đều ẩn chứa rất nhiều tâm huyết và những thông điệp từ đáy lòng cô giáo dạy Văn.

Cô giáo Hạnh Nguyên mong muốn tạo ra sự thay đổi từ phiên chợ “Xanh - sạch - lành” - Ảnh: T.L

Cô giáo Hạnh Nguyên mong muốn tạo ra sự thay đổi từ phiên chợ “Xanh - sạch - lành” - Ảnh: T.L

Nhắc đến thời gian bận rộn chuẩn bị cho phiên chợ, cô Hạnh Nguyên chia sẻ, ban đầu, bản thân muốn tự tay tổ chức, chuẩn bị tất cả. Tuy nhiên, cùng những mục tiêu, kỳ vọng của cô, quy mô phiên chợ cũng ngày một lớn. Để chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo, có những hôm, cô Nguyên phải thức đến lúc gà gáy. Cô trăn trở chọn từng món hàng mới lạ, chất lượng, giá cả phải chăng... và đặc biệt là phải “xanh - sạch - lành”. Trong thời gian bận rộn ấy, cô rất mừng khi nhận được khá nhiều sự quan tâm từ người thân, đồng nghiệp, bạn bè. Một số học trò cũng liên lạc với cô chia sẻ mong muốn trở thành “tình nguyện viên” cho phiên chợ.

Đưa khách trở về ký ức

Chuyện trò sau phiên chợ “xanh - sạch - lành”, cô Hạnh Nguyên không ngại ngần khẳng định: “Mình lãi rất nhiều”. Chữ “lãi” mà cô dùng ở đây chính là tình cảm, sự ủng hộ của mọi người. Đặc biệt, thông qua phiên chợ, cô Nguyên đã góp phần giúp khách hàng có những thay đổi đáng kể. Đơn cử, đến chợ, hầu hết các vị khách đều mang theo giỏ, làn, bình nước... để hạn chế sử dụng túi nilon và các đồ dùng không thân thiện với môi trường.

Dù được tổ chức trong một con hẻm nhỏ nằm trên đường Thanh Tịnh, Phường 5, TP. Đông Hà, nhưng phiên chợ “xanh - sạch - lành” của cô Hạnh Nguyên thu hút khá đông khách hàng. Đến chợ, ai cũng ấn tượng bởi không khí yên ả, mang hơi hướng hoài niệm. Trên khoảng sân rộng của nhà ba mẹ cô Nguyên, các gian hàng được bày bán một cách ngăn nắp, khoa học. Sách và các mặt hàng thân thiện với môi trường là nơi nhiều người ghé thăm nhất. Ai cũng ngạc nhiên khi gặp những đầu sách mà mình cố công tìm bấy lâu nhưng giờ mới thấy. Ngoài sách và các mặt hàng thân thiện với môi trường, những món đồ gốm độc lạ, hàng handmade đẹp mắt... có sức hút đặc biệt đối với nhiều người. Theo chân ba mẹ đến với phiên chợ, các em nhỏ được hòa mình vào thế giới màu sắc cùng những bức tượng gốm mini; được trải nghiệm hoạt động tái chế; góp quà cho trẻ vùng cao...

Tại phiên chợ “xanh - sạch - làm”, gian hàng mang lại nhiều cảm xúc đối với khách hàng nhất có lẽ là “bánh kẹo tuổi thơ”. Đến với gian hàng này, gần như ai cũng ngạc nhiên khi lại thấy những món bánh, kẹo tưởng chừng chỉ còn trong ký ức. Bật mí về gian hàng này, cô Nguyên cho biết, gần nhà mình trước đây có một quầy tạp hóa. Đối với hai chị em cô, đây là một thế giới đầy mơ ước với những loại bánh kẹo đủ màu sắc, ngon lành.

Sau này, khi đã lớn khôn, cô Nguyên vẫn nhìn thấy trong giấc mơ và nhớ da diết hương vị của từng chiếc bánh, kẹo thời thơ ấu. Nghĩ rằng nhiều người cũng sẽ giống mình, cô đã ngược xuôi tìm mua, đưa về phiên chợ. Trên cả sự kỳ vọng của cô Nguyên, gian hàng thực sự hút khách vì đã đánh thức ký ức của nhiều người. Anh Lê Nguyễn Hải Hà, trú tại TP. Đông Hà, chia sẻ: “Đối với tôi, phiên chợ này rất lạ. Lạ từ ý tưởng đến địa điểm, cách thức tổ chức, hàng hóa...

Đặc biệt, những món quà vặt như vỉ kẹo C hình trái tim, kẹo sữa bò, mì tôm trẻ em... đánh thức cả một bầu trời kỷ niệm trong tôi. Tại gian hàng, có chiếc bánh, chiếc kẹo chỉ bán với giá vài trăm đồng khiến tôi rất ngạc nhiên, thích thú”.

Cảm nhận của anh Hải Hà cũng tương đồng với nhiều người dù đã đến hoặc chỉ biết về phiên chợ qua câu chuyện kể, hình ảnh được ghi lại... Một số người không ngại ngần liên lạc, chia sẻ mong muốn cô Hạnh Nguyên tổ chức thêm những phiên chợ tiếp theo.

Bản thân cô Nguyên cũng nhận được nhiều tin nhắn hỏi kinh nghiệm lựa chọn, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; địa chỉ mua “bánh kẹo tuổi thơ”, đồ gốm, đồ handmade; chia sẻ những cuốn sách hay... Đặc biệt, nhiều bạn trẻ có trái tim thiện nguyện đã liên lạc mong muốn được cùng cô Nguyên gây quỹ, tổ chức các hoạt động hỗ trợ trẻ em vùng cao. Đó cũng chính là động lực để người giáo viên tâm huyết mở những phiên chợ mới.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phien-cho-dac-biet-cua-co-giao-day-ngu-van-187037.htm