Phiên chợ ném cà chua cầu may ở Thanh Hóa
Chợ Chuộng diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm còn được gọi là chợ 'choảng' vì người đi chợ thi nhau ném cà chua vào người. Theo quan niệm dân gian, ai bị ném càng nhiều cà chua vào người càng gặp nhiều may mắn.
Trên một dải đất ven sông Hoàng, thuộc địa phận xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn (cũ), nay là TP Thanh Hóa, từ sáng sớm, hàng ngàn người dân khắp nơi đổ về dự phiên chợ Chuộng cầu may đầu năm. Chợ bán nhiều hàng hóa, chủ yếu là nông sản địa phương nhưng tâm điểm là màn ném cà chua vào người đi chợ.
Người dân đến chợ không kể quen hay lạ có thể bị ném cà chua bất kỳ lúc nào. Với quan niệm, càng bị ném nhiều cà chua vào người càng gặp nhiều may mắn nên đa số khách đến chợ đều vui vẻ cho dù bị “tấn công” tới tập bởi cà chua.
Ngoài các mặt hàng nông sản như rau, củ, quả được bày bán la liệt để khách đến “mua may”, cà chua được tiêu thụ nhiều nhất. Với chỉ 5-10 ngàn/kg, cà chua được nhiều người mua và ném khắp nơi.
Là quả thân mềm, mọng nước nên cà chua khi ném vào người không gây nguy hiểm. Cùng với đó, màu đỏ của cà chua cũng được cho là màu sắc biểu thị cho sự may mắn nên người bị ném cảm vui vẻ. Với mức giá từ 5-10 ngàn đồng/kg, cà chua trở thành mặt hành được tiêu thụ nhiều nhất tại chợ Chuộng.
Các cô gái trẻ luôn là điểm đến của những quả cà chua. Nhiều người đầu tóc bê bết cà chua nhưng vẫn tươi cười, hoan hỷ. Một số thanh niên còn bóp nát cà chua trên tay để tăng độ bám vào người khi ném.
Theo truyền thuyết, chợ Chuộng có từ thời khởi nghĩa Lam Sơn. Trong một lần nghĩa quân bị giặc Minh truy đuổi đến ven bờ sông Hoàng thì hết đường lui. Để che giấu nghĩa quân, người dân trong làng đã kéo nhau ra bãi sông tổ chức họp chợ.
Tướng lĩnh và binh lính đều được cải trang thành dân cày, vũ khí cất giấu trong các đống rau quả, lều quán. Khi quân giặc đuổi tới nơi, thấy phiên chợ đông đúc nên không chút đề phòng. Lợi dụng lúc chúng mất cảnh giác, vị tướng chỉ huy phát động phản công. Bằng sự đoàn kết, mưu trí và dũng cảm của quân và dân nên kẻ thù bị đánh tan tác.
Cảm kích trước sự giúp đỡ của dân làng, nhà vua đã ban nhiều vàng bạc, lúa ngô trọng thưởng hậu hĩnh.
Kể từ đó, để tưởng nhớ sự kiện này, hàng năm người dân tổ chức phiên chợ Chuộng vào ngày mùng 6 Tết Nguyên đán với phần đánh nhau giả như một nét văn hóa truyền thống.
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/phien-cho-nem-ca-chua-cau-may-o-thanh-hoa-d204401.html