Phiên chợ Tết vùng cao

BBK- Hoa mai, hoa đào nở rộ báo hiệu mùa xuân, những phiên chợ Tết ở Bắc Kạn rộn ràng tiếng khèn, tiếng sáo và tiếng cười nói, mang đậm không khí náo nhiệt vùng cao.

Chợ phiên không chỉ là điểm đến để mọi người mua sắm chuẩn bị cho ngày Tết mà còn là nơi lưu giữ và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống. Những ngày cuối năm, chợ đầu mối nông, lâm sản huyện Na Rì trở thành trung tâm giao thương sôi động của đồng bào các dân tộc.

 Các mặt hàng phục vụ Tết được bày bán

Các mặt hàng phục vụ Tết được bày bán

Trước đây, khi giao thông đi lại còn khó khăn, đời sống kinh tế chưa phát triển như bây giờ, nhiều bà con từ các thôn bản xa phải dậy từ tờ mờ sáng để kịp xuống chợ. Không chỉ là điểm đến của người dân Na Rì, đây còn là nơi giao thương sôi động, thu hút cả thương lái và người dân các huyện lân cận, từ tỉnh bạn như Lạng Sơn. Chính sự giao thoa này đã làm nên nét đặc sắc, sầm uất và độc đáo cho chợ Tết vùng cao nơi đây.

 Lựa chọn hoa quả để sắp mâm lễ thắp hương năm mới.

Lựa chọn hoa quả để sắp mâm lễ thắp hương năm mới.

Chợ đầu mối Na Rì được xây dựng khang trang, rộng rãi, là nơi bày bán đa dạng các mặt hàng, từ đồ gia dụng, quần áo, đến các loại sản vật, rau củ quả, đặc trưng của địa phương…

Những chiếc bánh khảo, bánh quẩy xoắn và khẩu sli là các món bánh truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của người dân nơi đây. Được làm từ những nguyên liệu đơn giản như gạo nếp, đường phên… những chiếc bánh này không chỉ mang hương vị ngọt ngào mà còn chứa đựng ý nghĩa tâm linh, thể hiện lòng thành kính dâng lên tổ tiên.

Kính dâng tổ tiên từ chính những đặc sản của địa phương.

Chị Hoàng Thị Hạnh, bán bánh ở chợ Yến Lạc chia sẻ: Thời điểm này người dân đã mua bánh phục vụ Tết khá nhiều. Giá các loại bánh khảo, bánh quẩy xoắn vẫn giữ mức ổn định so với năm ngoái, dù giá nguyên liệu có tăng nhẹ".

 Khách hàng mua bánh khảo làm quà Tết.

Khách hàng mua bánh khảo làm quà Tết.

Trong một góc nhỏ, khu vực bán gà được tách biệt, hàng trăm chiếc lồng gà lớn nhỏ được bày bán la liệt. Những con gà thiến được bà con từ các thôn bản nuôi từ 9 tháng cho đến 1 năm, được bán với giá bán từ 140.000 đồng đến 180.000 đồng/kg. Gà trống mào đỏ rực, lông bóng mượt có giá 120.000 đồng/kg.

 Hàng trăm chiếc lồng gà lớn nhỏ được bày bán.

Hàng trăm chiếc lồng gà lớn nhỏ được bày bán.

Nằm ở ngay trung tâm của các xã Văn Lang, Sơn Thành, Lương Thượng và Kim Hỷ, chợ Tân An (huyện Na Rì) được họp vào các ngày mùng 4, 9, 14, 19, 24, và 29 âm lịch hằng tháng, cũng là một điểm đến hấp dẫn.

Ngay từ cổng vào, những chiếc khăn đội đầu của người Mông với họa tiết hoa văn tinh xảo được bày bán khắp nơi. Mỗi chiếc khăn không chỉ là một sản phẩm thủ công độc đáo mà còn là biểu tượng văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông.

 Những chiếc khăn của đồng bào dân tộc Mông rực rỡ màu sắc.

Những chiếc khăn của đồng bào dân tộc Mông rực rỡ màu sắc.

Giá mỗi chiếc khăn dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng, phù hợp với túi tiền của mọi người. Khăn đội đầu không chỉ được người dân mua về sử dụng mà còn được dùng làm món quà lưu niệm đầy ý nghĩa. Những chiếc khăn ấy như gửi gắm cả nét đẹp truyền thống, niềm tự hào và bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông.

Bên cạnh đó, những món ăn như bún khô, măng rừng, nấm hương làm nên hương vị đặc trưng của Tết vùng cao. Những cái măng đắng đầu mùa được người dân tìm trong rừng, vị ngọt thơm lừng của nấm hương, cùng với sợi bún khô đã trở thành một phần không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của nhiều gia đình. Người bán hàng rao mời nhiệt tình, người mua lựa chọn kỹ càng, tạo nên bầu không khí náo nhiệt.

 Nấm hương rừng sau khi phơi khô.

Nấm hương rừng sau khi phơi khô.

 Bún khô được làm từ gạo Bao thai.

Bún khô được làm từ gạo Bao thai.

 Mua sắm hương, tiền vàng.

Mua sắm hương, tiền vàng.

Chị Bàn Thị Phương, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì cho biết: “Dù bận rộn, nhưng năm nào gia đình tôi cũng gác lại mọi công việc, cùng nhau đi chợ Tết. Mua quà cho hai bên nội, ngoại, đưa các con đi mua sắm quần áo và đồ Tết cho gia đình.”

 Trẻ con thích thú lựa chọn đồ trang trí Tết.

Trẻ con thích thú lựa chọn đồ trang trí Tết.

Đến với phiên chợ Phủ Thông, huyện Bạch Thông, du khách như đi lạc vào bức tranh sinh động ngày Tết. Những gian hàng rực rỡ sắc màu trải dài, bày bán đủ loại sản phẩm. Từ những tàu lá dong xanh mướt, lạt giang óng ả cho đến các loại hoa quả tươi ngon... Mỗi gian hàng như một câu chuyện nhỏ, kể về sự chuẩn bị chu đáo của người dân cho ngày Tết.

 Lá dong được bán từ 15.000 đến 25.000 đồng/bó.

Lá dong được bán từ 15.000 đến 25.000 đồng/bó.

 Lạt gói bánh được chẻ thành từng bó nhỏ.

Lạt gói bánh được chẻ thành từng bó nhỏ.

 Người phụ nữ dân tộc Dao đỏ xúng xính váy áo đi chợ Tết.

Người phụ nữ dân tộc Dao đỏ xúng xính váy áo đi chợ Tết.

Các gian hàng bày bán đủ các loại hương thơm. Nhiều loại hương sản xuất công nghiệp đang cạnh tranh với hương thơm tự nhiên, mang đậm bản sắc văn hóa do bà con xã Tân Tú, huyện Bạch Thông tự sản xuất.

Hương thủ công của người dân Tân Tú

Mỗi cây hương Tân Tú đều được làm thủ công tỉ mỉ từ những nguyên liệu tự nhiên, mang theo hơi ấm của bàn tay người thợ. Tuy nhiên, do không có bao bì bắt mắt và quảng cáo rầm rộ như hương công nghiệp, nên còn nhiều khó khăn trong tiếp cận khách hàng.

Thời điểm này, người dân cũng đã bắt đầu đưa những cây đào ra chợ bán. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn kéo dài và cơn bão số 3, đào mất mùa khiến nguồn cung giảm, kéo theo giá cả tăng cao hơn so với mọi năm. Những cây đào tươi thắm vẫn là lựa chọn yêu thích của nhiều gia đình, dù giá cả tăng.

 Những cây đào đã được bày bán từ rất sớm.

Những cây đào đã được bày bán từ rất sớm.

Bà Hà Thị Oanh, Chủ vườn đào Chiến Lợi, thị trấn Phủ Thông cho biết: “Năm nay do ảnh hưởng của khí hậu nên cây đào phát triển chậm, mất rất nhiều công chăm sóc. Do vậy giá cả tăng gần như gấp đôi so với năm ngoái, bao gồm đào phai, đào huyền, bích đào… Cây nhỏ dao động từ 300.000 đến 500.000 đồng, cây to từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng”.

Phiên chợ Tết vùng cao không chỉ mang đến sự sôi động, náo nhiệt mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời của người dân nơi đây. Trong từng tiếng cười nói, từng gian hàng tấp nập là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, chợ Tết đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Bắc Kạn./.

Hồng Anh

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/phien-cho-tet-vung-cao-post68920.html