Phiến đá tiết lộ kế hoạch xây dựng 'siêu cấu trúc' cổ đại
Các bản khắc được tìm thấy ở Saudi Arabia và Jordan dường như khớp với bẫy đá khổng lồ cổ đại gần đó, được gọi là 'diều sa mạc' vì hình dáng khi nhìn từ trên cao.
Các nhà khảo cổ học làm việc tại Saudi Arabia và Jordan cho biết họ đã phát hiện ra sơ đồ cấu trúc lâu đời nhất từng được biết đến, CNN đưa tin.
Theo nghiên cứu mới được công bố hôm 17/5 trên tạp chí khoa học PLOS One, “những mô tả cực kỳ chính xác” về chi tiết công trình bẫy khổng lồ đã được khắc trên các phiến đá.
Công trình này được sử dụng để bẫy các loài động vật hoang dã, như linh dương, lùa chúng vào nơi cả đàn có thể bị giết thịt.
Bẫy săn thời kỳ đồ đá có niên đại khoảng 9.000 năm và mang hình dáng giống chiếc diều khi nhìn từ trên cao.
Hình vẽ chính xác về công trình “diều sa mạc” cho thấy từ xa xưa, những người chế tạo và sử dụng bẫy đã có kiến thức tiên tiến và tinh vi về nhận thức không gian và có thể xử lý thông tin không gian phức tạp.
“Về mặt phát triển nhận thức, điều này khá là tuyệt vời”, nhà khảo cổ học Wael Abu Azizeh, nói.
Trước đó, các nhà khảo cổ đã báo cáo việc phát hiện hai phiến đá khắc được tìm thấy vào năm 2015 ở Jordan và Saudi Arabia.
Ông Abu Azizeh, thành viên trong nhóm, đã phát hiện ra một trong số chúng tại khu định cư cũ ở khu vực Jibal al-Khashabiyeh ở Jordan, nơi có 8 bẫy đá.
Ông chia sẻ “trong vài giây”, ông nhận ra các dấu hiệu được tạo ra trên phiến đá dài 80 cm, được cho là 7.000 năm tuổi, đại diện cho một công trình bẫy đá khổng lồ gần đó.
“Tôi đã nghĩ đến ý tưởng về những ‘con diều sa mạc’ gần đó và nó đến rất đột ngột, rất nhanh”, Abu Azizeh nói.
Các đồng nghiệp của ông ở Saudi Arabia đã khai quật được một viên đá khắc lớn hơn ở vùng Jebel az-Zilliyat dài gần 4 m. Phiến đá mô tả hai bẫy đá khác nhau chỉ cách nhau 120 m. Bản khắc được cho là đã được thực hiện cách đây 8.000 năm.
Nghiên cứu cho thấy hình dạng, bố cục và tỷ lệ của các hình khắc phù hợp với phần còn lại thực tế của những bẫy đá khổng lồ hiện nay.
“Các bản khắc chân thực và chính xác một cách đáng kinh ngạc, hơn nữa còn có tỷ lệ lớn”, theo nghiên cứu.
Bản khắc được tìm thấy ở Saudi Arabia được tạo ra ở tỷ lệ xấp xỉ 1:175, nghĩa là bẫy đá thực tế lớn hơn bản khắc 175 lần.
Những chiếc bẫy cổ xưa lần đầu tiên được phát hiện ở sa mạc Trung Đông vào những năm 1920 bởi các phi công lái máy bay.
Những bức tường tụ lại, dài từ hàng trăm mét đến 5 km, sẽ giúp lùa động vật về phía một bãi quây lớn được bao quanh bởi một số hố sâu tới 4 m.
Không có nhiều thông tin về những người đã làm ra bẫy đá. Đây có thể là một công trình lớn liên quan đến nỗ lực tập thể. Những bẫy đá, đôi khi được tổ chức thành chuỗi, sẽ cho phép các cộng đồng săn bắt một số lượng lớn động vật cùng lúc.