Phiên dịch viên đặc biệt tại tòa

Tại một số phiên tòa, bị cáo là người dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông. Theo quy định, người phiên dịch có thể được một bên đương sự lựa chọn hoặc các bên đương sự lựa chọn và được tòa án chấp nhận, đồng thời được tòa án yêu cầu phiên dịch. Người phiên dịch tiếng dân tộc thiểu số tại tòa có vai trò rất quan trọng.

Ông Chảo Láo Sử đã có kinh nghiệm phiên dịch tiếng Dao ở nhiều phiên tòa xét xử lưu động.

Ông Chảo Láo Sử đã có kinh nghiệm phiên dịch tiếng Dao ở nhiều phiên tòa xét xử lưu động.

Nữ phiên dịch viên tiếng Mông

Tại phiên tòa xét xử bị cáo Giàng Thị Mú với tội danh mua bán trái phép chất ma túy do Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức, có một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn ngồi ở vị trí phía sau tấm biển phiên dịch viên. Cô gái trẻ đeo kính cận gọng đen, mặc chiếc áo sơ mi màu trắng liên tục lắng nghe, ghi chép tỉ mỉ lời khai của bị cáo trước tòa rồi thông dịch lại cho hội đồng xét xử. Cô gái ấy tên là Giàng Thị Pằng, dân tộc Mông ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà.

Giàng Thị Pằng tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, đang làm việc tại một văn phòng luật sư của Lào Cai. Pằng tham gia phiên dịch tiếng Mông tại tòa án từ năm 2020 nhưng đây chỉ là công việc làm thêm của cô. Giàng Thị Pằng còn tham gia phiên dịch tại trại tạm giam giúp lực lượng công an lấy lời khai của bị can. Trung bình mỗi tháng, Giàng Thị Pằng phiên dịch 5 - 6 vụ.

Để làm tốt công việc này không hề đơn giản, Giàng Thị Pằng cho biết: Tôi tốt nghiệp Đại học Luật với tấm bằng loại khá nhưng vẫn luôn phải củng cố kiến thức qua việc học, đọc hằng ngày để đáp ứng yêu cầu công việc. Phiên dịch viên tiếng Mông tại tòa ngoài biết tiếng đồng bào, còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật, tuyệt đối trung thực trong phiên dịch.

Giàng Thị Pằng tham gia phiên dịch rất nhiều vụ mà bị cáo thậm chí không hiểu tiếng phổ thông. Lúc này, cô thường truyền đạt trung thực những câu hỏi của hội đồng xét xử để bị cáo trả lời, sau đó thông dịch lời khai của bị cáo trước tòa rành mạch nhất. Theo cô, phẩm chất của phiên dịch viên tại tòa là phải thành thật với chính mình vì trong công việc có những tình huống khiến bản thân lúng túng không thể chuyển ngữ rõ ràng ngay lúc ấy. Phiên dịch viên có trách nhiệm yêu cầu tòa cho phép ngừng giây lát để tham khảo ý kiến của đồng nghiệp, dịch cho chuẩn xác, đúng bản chất vụ việc.

Bí thư chi bộ làm phiên dịch viên tiếng Dao

Tại phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng đối với bị cáo Lý Ông Tàn (xã Tả Phời, thành phố Lào Cai), phiên dịch viên là ông Chảo Láo Sử, Bí thư Chi bộ thôn Phìn Hồ, xã Tả Phời.

Thôn Phìn Hồ ở xa trung tâm xã nên một ngày trước khi phiên tòa diễn ra, ông Sử đã đi xe máy xuống xã chuẩn bị cho buổi phiên dịch ngày hôm sau. Bị cáo Lý Ông Tàn có hành vi khai thác gỗ ở khu vực rừng tự nhiên sản xuất bị tuyên án 12 tháng tù treo, tiếp tục được giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Tại phiên tòa hôm ấy, ông Chảo Láo Sử chịu trách nhiệm phiên dịch toàn bộ lời khai của bị cáo và câu hỏi của hội đồng xét xử. Do đã có kinh nghiệm tham gia phiên dịch nhiều phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương nên ông Sử được hội đồng xét xử tin tưởng lựa chọn tham gia.

Ông Chảo Láo Sử chia sẻ: Không ít người dân tộc thiểu số vì thiếu hiểu biết mà vi phạm pháp luật, vậy nên ngoài trách nhiệm phiên dịch trung thực tại tòa, tôi còn hỗ trợ hội đồng xét xử tuyên truyền chính sách pháp luật. Từ những lần tham gia phiên dịch, nắm được nhiều nội dung liên quan đến quy định của pháp luật, nên khi về thôn, tôi lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, họp chi bộ để người dân hiểu và làm theo Hiến pháp, pháp luật.

Phiên dịch viên uy tín ở Pa Cheo

Tại phiên tòa xét xử lưu động 4 bị cáo trong một gia đình phạm tội bắt giữ người trái pháp luật do Tòa án nhân dân huyện Bát Xát tổ chức tại chợ phiên Mường Hum vừa qua, ông Lý A Kỷ ở thôn Tả Pa Cheo, xã Pa Cheo được lựa chọn là phiên dịch viên tiếng Mông. Ông Lý A Kỷ là trưởng thôn và đây là lần thứ 2 ông làm phiên dịch tại tòa.

Cả 4 bị cáo là Sùng A Tùng, Sùng A Lử, Sùng A Sinh, Sùng A Giáo đều không nói thạo tiếng phổ thông, do vậy, nhiều câu hỏi mà hội đồng xét xử đưa ra, các bị cáo không hiểu để trả lời. Lúc này, với vai trò là người phiên dịch, ông Kỷ đã phiên dịch đầy đủ, rõ nghĩa từng câu hỏi của hội đồng xét xử và từng câu trả lời của các bị cáo. Mặc dù, phiên tòa xét xử một lúc 4 bị cáo và các bị cáo đều hạn chế trong sử dụng tiếng phổ thông nhưng với kiến thức và kinh nghiệm của mình, ông Kỷ đã phiên dịch tốt, góp phần đảm bảo thời gian và thành công của phiên tòa xét xử.

Phiên tòa thu hút rất đông người dân địa phương đến xem, đây là lần đầu tiên tội bắt giữ người trái pháp luật được xét xử lưu động tại địa phương. Do thiếu hiểu biết nên tại một số thôn vùng cao của Bát Xát vẫn xảy ra tình trạng bắt giữ người trái pháp luật. “Với vai trò là trưởng thôn, người có uy tín tại địa phương, tôi sẽ tích cực tuyên truyền để người dân hiểu các quy định của pháp luật và không để xảy ra tình trạng bắt giữ người trái pháp luật tại thôn Tả Pa Cheo” - ông Kỷ nói.

Ngoài trách nhiệm phiên dịch trung thực các nội dung tại phiên tòa xét xử, những phiên dịch viên tiếng dân tộc còn phối hợp với hội đồng xét xử lồng ghép tuyên truyền pháp luật, qua đó giúp người dân nắm rõ các quy định của pháp luật, khung hình phạt nhằm hạn chế tình trạng vì thiếu hiểu biết mà vi phạm pháp luật.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362261-phien-dich-vien-dac-biet-tai-toa