Phiên Giám đốc thẩm tử tù Hồ Duy Hải: Đề nghị thực nghiệm lại hiện trường
Đại diện VKSND Tối cao đề nghị thực nghiệm lại hiện trường để xác định thời gian, thời điểm Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi khi xảy ra án mạng
Ngày 7-5, Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao tiếp tục làm rõ những nội dung kháng nghị của VKSND Tối cao về những mâu thẫn trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải.
Nhìn thoáng qua nên không nhớ mặt
Theo đó, kháng nghị của VKSND Tối cao đề cập việc kết luận điều tra nêu nhân chứng Đinh Vũ Thường đến Bưu điện Cầu Voi gọi điện về Cà Mau lúc 19 giờ 39 phút ngày 13-1-2008, có nhìn thấy một thanh niên ngồi trong bưu điện.
Tuy nhiên, cũng theo kết luận điều tra, lúc 19 giờ 13 phút cùng ngày, Hải đang ở hiệu cầm đồ để làm thủ tục cầm đồ rồi quay về nhà dì ruột, nên theo tính toán quãng đường và thời gian thì không thể có mặt tại bưu điện lúc 19 giờ 39 phút.
Đại diện HĐTP đọc lại nguyên văn bút lục về lời khai của Thường. Trong đó, Thường xác nhận chỉ nhìn thoáng qua nam thanh niên ngồi ghế salon chứ không nhớ mặt, không thể nhận dạng qua khuôn mặt. Về tình tiết này, đại diện HĐTP đặt câu hỏi: Cơ sở nào để tòa án vẫn xét xử khi không triệu tập nhân chứng Đinh Vũ Thường? Việc vắng mặt Thường tại phiên tòa có ảnh hưởng đến kết quả xét xử không?
Về nội dung này, đại diện tòa sơ thẩm cho rằng khi thẩm tra vụ án có lấy lời khai của Thường phù hợp với lời khai của Hải và lời khai của các nhân chứng khác về thời gian tối hôm đó có mặt Hải. Hải không nói về giờ nhưng nói thời điểm đó có mặt ở Bưu điện Cầu Voi. Việc vắng mặt Thường không ảnh hưởng đến việc xét xử, vì đã có lời khai trong quá trình điều tra.
Lý giải việc lời khai của Thường không đưa vào hồ sơ vụ án, điều tra viên vụ án cho rằng ngày 19-1-2008, Thường khai là người xuất hiện tại hiện trường vào tối xảy ra vụ án. Khi đó, cơ quan điều tra xác định làm việc với Thường với tư cách là đối tượng tình nghi trong vụ án. Cơ quan điều tra cũng lưu hồ sơ lời khai của Thường với tư cách là đối tượng tình nghi phạm tội chứ không phải là nhân chứng vụ án.
Đại điện HĐPT tiếp tục hỏi: Cơ quan điều tra có kiểm tra danh sách điện thoại của Bưu điện Cầu Voi hay không? Nếu có thì trong ngày 13-1-2008 có số điện thoại nào của Hải gọi đến bưu điện không?
Về việc này, điều tra viên cho biết căn cứ dữ liệu bộ nhớ điện thoại của Bưu điện Cầu Voi, lúc 11 giờ 25 phút ngày 13-1-2008 có số điện thoại 0909015712 gọi vào điện thoại bàn của bưu điện 25 giây và được xác định là điện thoại của Hải.
Chưa hợp lý
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng đại diện VKSND Tối cao còn băn khoăn về việc tính toán xem thời gian xảy ra vụ án thì Hải có mặt hay không ở hiện trường; căn cứ thời gian các hoạt động của Hải thì chưa hợp lý.
"Nhưng sự có mặt của Hải không chỉ chứng minh bằng thời gian, mà theo cơ quan điều tra giải trình thì còn bằng những chứng cứ khác. Chúng ta phải tổng hợp chứng cứ, mới chứng minh được vấn đề này" - chánh án nói.
Cũng theo chánh án, dữ liệu điện thoại và thực nghiệm điều tra về khoảng thời gian Hải có mặt tại hiện trường là phù hợp. Ngoài ra, nhận dạng trong lời khai của nhân chứng Thường chưa xác nhận chính xác thanh niên đó là Hải vì hai người này không biết nhau, không thể nhìn qua là nhận dạng được. Mô tả đặc điểm nhận dạng là tương đồng, đặc biệt có một chi tiết phù hợp lời khai của Hải là cầm điện thoại và anh Thường cũng nhìn thấy.
Tuy nhiên, về vấn đề này, đại diện VKSND Tối cao cho rằng kết luận về thời gian của Hải có mặt ở bưu điện đều từ những chứng cứ gián tiếp. Cụ thể, dữ liệu của bưu điện có cuộc điện thoại của Hải, nhưng là từ buổi trưa, không có ý nghĩa chứng minh gì.
Đáng chú ý, đại diện VKSND Tối cao đề nghị thực nghiệm lại hiện trường, trong đó tính cả thời gian Hải có mặt ở tiệm cầm đồ, đi trả xe... rồi từ đó đến bưu điện.
"Chúng ta không ngồi đây để suy diễn về khoảng thời gian" - đại diện VKS nhấn mạnh và cho rằng tòa án 2 cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã sai lầm nghiêm trọng trong việc đánh giá động cơ, mục đích bởi khi xét xử phải đánh giá toàn diện những vấn đề đó. Từ đó, đại diện VKSND Tối cao đề nghị phải hủy và xem xét lại hai bản án đó.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình đồng tình đây là những chứng cứ gián tiếp. Tuy nhiên, nếu tách ra từng lời khai, tình tiết, chứng cứ một cách độc lập thì không nói lên điều gì, song tổng hợp lại sẽ có vấn đề.
Hôm nay, 8-5, HĐTP TAND Tối cao tiếp tục phiên xử.
Cho luật sư tiếp tục tham gia xử
Chiều 7-5, tiến sĩ - luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho biết lúc 14 giờ cùng ngày, liên đoàn nhận được đơn yêu cầu trợ giúp của luật sư Trần Hồng Phong về việc không được tiếp tục tham gia phiên giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải. Chỉ 1 giờ sau, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có công văn hỏa tốc gửi Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị cho luật sư Trần Hồng Phong được tham gia phiên giám đốc thẩm. Trước đó, luật sư Trần Hồng Phong được TAND Tối cao mời tham gia phiên giám đốc thẩm nhưng sau khi trình bày được 20 phút thì không được tiếp tục tham gia.
"Việc luật sư chỉ được trình bày trong 20 phút mà không được tham gia đầy đủ, xuyên suốt thời gian diễn ra phiên giám đốc thẩm sẽ có thể ảnh hưởng việc bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kết án cũng như quyền và nghĩa vụ của người bào chữa" - công văn nêu.
Cùng ngày, Văn phòng TAND Tối cao thông báo đã nhận được kiến nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; đồng thời, cho biết kiến nghị được chấp nhận, luật sư Trần Hồng Phong được tiếp tục tham gia phiên xét xử.