Phiên giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải hôm nay diễn ra thế nào?
Phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải diễn ra trong 3 ngày, mở ra tia hy vọng le lói về con đường sống của tử tù.
Phiên tòa có những ai tham gia?
Sáng nay (6/5), TAND tối cao sẽ mở phiên giám đốc thẩm vụ án mạng tại Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) liên quan đến số phận của tử tù Hồ Duy Hải. Phiên giám đốc thẩm dự kiến diễn ra từ ngày 6- 8/5.
Theo dự kiến, phiên giám đốc thẩm do Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa. Ngoài thành viên hội đồng giám đốc thẩm còn có sự tham gia của đại diện Viện KSND tối cao, đại diện các cơ quan tố tụng của tỉnh Long An (các cơ quan công tố, xét xử sơ thẩm) và đại diện TAND cấp cao tại TP.HCM, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM.
Phiên tòa còn có sự tham gia của luật sư Trần Hồng Phong (luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải). Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, luật sư được tham gia phiên giám đốc thẩm.
Phiên giám đốc thẩm diễn ra thế nào?
Giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt nhằm xem xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, bị kháng nghị do phát hiện có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án.
Theo điều 386 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, sau khi chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa, một thành viên Hội đồng giám đốc thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án.
Các thành viên khác của hội đồng sẽ hỏi thêm về những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Trường hợp viện kiểm sát kháng nghị thì kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị.
Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án. Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án.
Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước tòa.
Sau đó, các thành viên phát biểu ý kiến của mình và thảo luận. Cuối cùng, Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố quyết định về việc giải quyết vụ án.
Phiên giám đốc thẩm sẽ kết thúc thế nào?
Theo điều 388 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, có 6 khả năng có thể xảy ra trong phiên giám đốc thẩm.
Cụ thể, hội đồng giám đốc thẩm có thể ra quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của tòa án cấp sơ thẩm hoặc tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Hoặc quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.
Theo đó, với vụ án Hồ Duy Hải, nếu TAND Tối cao chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao thì Hồ Duy Hải sẽ được hủy bản án tử hình mà các cấp tòa đã tuyên trước đó. Như vậy, vụ án có thể được đình chỉ hoặc được điều tra và xét xử lại.
Trường hợp nếu điều tra lại, mọi thứ sẽ quay lại xuất phát điểm, vụ án được điều tra lại từ đầu, sau đó VKSND Long An sẽ quyết định có tiếp tục truy tố Hồ Duy Hải hay không. Nếu không đủ bằng chứng để truy tố thì Hồ Duy Hải sẽ được tự do.
Ngược lại, nếu tiếp tục truy tố thì Hồ Duy Hải sẽ bị đưa ra xét xử tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Nếu bị tòa tuyên có tội, số phận của Hải có thể sẽ diễn biến gần giống như tử tù Hàn Đức Long, tức là vẫn có thể bị tuyên y án tử hình trong hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.
Vụ án Hồ Duy Hải kéo dài hơn 12 năm với hàng ngàn lá đơn kêu oan của mẹ bị án và luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn luật sư TP.HCM, hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải) gửi các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chức năng.
Nội dung trong hàng ngàn lá đơn ấy đều nêu những điểm bất thường trong vụ án, mà nếu dựa vào đó thì không thể buộc tội, kết án Hồ Duy Hải.
Đáng lưu ý, hầu hết những điểm bất thường này đều trùng với nội dung được nêu trong quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại vụ án mà Viện trưởng Viện KSND tối cao ký ban hành vào ngày 22/11/2019.
Trong phiên xử giám đốc thẩm này, các cơ quan tiến hành tố tụng phải giải quyết được các vấn đề mâu thuẫn trước khi tuyên án như: vật chứng của vụ án?; dấu vân tay tại hiện trường là của ai?; làm rõ đâu là lời khai chính xác của nhân chứng Đinh Vũ Thường.