Phiên giao dịch chiều 3/4: Thị trường bị bán mạnh, lo ngại quy luật tạo đỉnh đầu năm

Lực bán gia tăng mạnh trong phiên chiều kéo hàng trăm mã giảm sâu, khiến VN-Index có phiên mất mát nhất trong hơn 2 tuần.

Trong phiên sáng nay, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư sau khi trải qua phiên giao dịch đầy biến động hôm qua khiến thị trường giằng co trong biên độ hẹp, các nhóm ngành đều có sự phân hóa. Về cuối phiên, lực bán gia tăng khiến độ rộng của thị trường nghiêng hẳn về sắc đỏ, nhưng VN-Index không giảm mạnh khi nhà đầu tư cũng không muốn hạ giá bán quá thấp.

Tuy nhiên, bước vào phiên chiều, bên nắm giữ cổ phiếu đã không còn giữ được sự bình tĩnh bất ngờ đẩy lệnh giá thấp vào nhằm thoát hàng, kéo hàng trăm mã nới đà giảm, qua đó đẩy VN-Index lùi xuống mức sâu hơn và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ 18/3.

Mặc dù chưa tạo thành một quy luật dạng "sell in May" (bán tháng 5) như nhiều thị trường phát triển, nhưng chứng khoán Việt Nam không ít lần diễn biến theo quy luật tạo đỉnh đầu năm, đây là điều mà nhiều nhà đầu tư đề cập sau phiên hôm nay.

Tháng 4/2006, VN-Index tạo đỉnh ở mốc trên 500 điểm và cần 7 tháng sau mới vượt lại mốc này. Tháng 3/2007, VN-Index sau 5 tháng "người người chơi chứng, nhà nhà chơi chứng" tạo đỉnh ở mốc gần 1.200 điểm, và cần đến 11 năm sau nữa lại vào tháng 4/2018, chỉ số này mới vượt trở lại được ngưỡng 1.200 điểm. Tháng 4 của 4 năm sau là năm 2022 đáng nhớ hơn, VN-Index từ đỉnh kỷ lục mọi thời đại trên 1.500 điểm đã có cú lao cực mạnh và chưa biết bao giờ có thể trở lại.

Hôm nay, ngày 3/4.

Chốt phiên, VN-Index giảm 15,57 điểm (-1,21%), xuống 1.271,47 điểm với 130 mã tăng, trong khi có tới 368 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.077,3 triệu đơn vị, giá trị 27.423,7 tỷ đồng, tương đương với phiên giao dịch hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 81,8 triệu đơn vị, giá trị 2.200,7 tỷ đồng.

Nhóm VN30 đã không còn một sắc xanh nào mà toàn bộ 30 mã chìm trong sắc đỏ. Trong đó, có 7 mã giảm hơn 2% là GVR, CTG, MWG, MBB, VIB, SSI và HDB (theo thứ tự mức giảm mạnh xuống thấp); 11 mã giảm hơn 1%, số còn lại giảm khiêm tốn. Trong đó, có 5 mã có thanh khoản trên 20 triệu đơn vị, dẫn đầu là STB với 26,96 triệu đơn vị, tiếp đến là SSI 25,75 triệu đơn vị, MBB 22,56 triệu đơn vị, SHB 21,72 triệu đơn vị và HPG 21,49 triệu đơn vị.

VN30-Index theo đó cũng mất 18,03 điểm (-1,40%), xuống 1.274,27 điểm, nhưng thoát khỏi mức thấp nhất ngày.

Về các nhóm, ngân hàng bao trùm toàn sắc đỏ, chứng khoán chỉ có 2 sắc xanh nhạt tại BSI và FTS, bất động sản cũng chỉ có 13 mã tăng, chỉ bằng 1/4 số mã giảm, thép cũng chỉ có 2 sắc xanh nhạt…

Trong Top 10 mã có thanh khoản lớn nhất HOSE hôm nay chỉ có duy nhất HHV đóng cửa còn giữ được sắc xanh. Thậm chí tính 12 mã có thanh khoản trên 20 triệu đơn vị, cũng chỉ duy nhất mã này còn tăng giá, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, mức tăng cũng đã hạn chế hơn nhiều so với phiên sáng khi chỉ còn 0,96%, đóng cửa ở mức 15.700 đồng. Tương tự ở một mã liên quan đầu tư công khác là VCG cũng chỉ còn tăng 0,79% lên 12.800 đồng, khớp khiêm tốn hơn ở mức 14,18 triệu đơn vị.

VIX là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 42,44 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,15% xuống 20.500 đồng. Các mã còn lại trong top 10 đều khớp trong khoảng từ hơn 20 triệu đơn vị đến dưới 30 triệu đơn vị. Mã giảm mạnh nhất trong nhóm thanh khoản này là DIG khi mất 5,36% xuống 31.800 đồng. Giảm mạnh tiếp theo cũng là một mã bất động sản là DXG giảm 3,85% xuống 20.000 đồng; GEX cũng giảm 3,73% xuống 24.550 đồng.

Về nhóm thép, trong khi 2 mã tăng chỉ tăng nhẹ, thì các mã giảm đều giảm khá mạnh, 2 mã HPG và SMC giảm trên 1%, số còn lại đều giảm hơn 2%. Trong đó, đáng kể là POM bị nhà đầu tư tháo chạy sau thông báo hủy niêm yết bắt buộc của HOSE do vi phạm công bố báo cáo tài chính kiểm toán 3 năm liên tiếp. Chốt phiên, POM xuống mức kịch sàn 4.670 đồng với thanh khoản 4,87 triệu đơn vị và còn dư bán sàn lên tới hơn 5,2 triệu đơn vị.

HOSE thông báo cổ phiếu POM của Pomina bị hủy niêm yết bắt buộc

Nhóm phân bón vẫn duy trì được sắc xanh, dù đà tăng bị thu hẹp hơn so với phiên sáng khi DCM chỉ còn tăng 2,16%, lên 35.600 đồng, DPM tăng gần 2% lên 36.500 đồng, ngoại trừ BFC vẫn giữ được mức tăng trên 6%. Trong khi đó, SFG lại đảo chiều giảm tới 3,1% xuống 14.050 đồng.

Trên HNX, các mã phân bón cũng duy trì đà tăng, thậm chí LAS nới đà tăng hơn so với đóng cửa phiên sáng khi tăng 9,18% lên 22.600 đồng, thanh khoản cũng ở mức cao nhất hơn 2 năm, đạt 4,26 triệu đơn vị. Ngoài ra, còn có PSE tăng 1,94% lên 10.500 đồng, PMB tăng 1,01% lên 10.000 đồng, PCE tăng 0,52% lên 19.300 đồng.

Ngoài nhóm phân bón, phiên chiều nay sàn HNX cũng chứng kiến bất ngờ tại BVS khi tăng kịch trần lên 36.700 đồng, khớp 1,92 triệu đơn vị và còn dư mua trần, bất chấp các mã đồng nghiệp đều đều chìm trong sắc đỏ.

Tuy nhiên, chỉ một vài điểm sáng hỗ trợ trên không đủ giúp HNX tránh khỏi phiên điểm trước áp lực tâm lý bị ảnh hưởng khi sàn HOSE bị bán mạnh.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,95 điểm (-0,79%) xuống 243,96 điểm với 63 mã tăng và 117 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 123,2 triệu đơn vị, giá trị 2.854,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 42,3 tỷ đồng.

CEO vẫn duy trì được vị trí dẫn đầu về thanh khoản với 25,66 triệu đơn vị, đóng cửa mất sắc xanh, nhưng cũng không giảm, mà đứng tham chiếu 23.700 đồng. Trong khi SHS đóng cửa nới giảm khi mất 1,89% xuống 20.800 đồng, khớp 23,45 triệu đơn vị. MSB cũng đảo chiều đóng cửa giảm 2,3% xuống 29.700 đồng, khớp 6,2 triệu đơn vị, đứng thứ 4 sau PVS.

PVS giảm 2,06% xuống 42.800 đồng, khớp 11,51 triệu đơn vị, còn PVC cũng không giữ được sắc xanh khi đóng cửa ở tham chiếu 15.600 đồng, khớp 5,79 triệu đơn vị. Một mã khác có thanh khoản trên 5 triệu đơn vị hôm nay là HUT cũng đứng tham chiếu 19.300 đồng.

UPCoM cũng không tích cực hơn bao nhiêu so với 2 sàn niêm yết khi giao dịch dưới tham chiếu trong suốt phiên chiều, dù đóng cửa với mức giảm khiêm tốn hơn 2 sàn niêm yết.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,28%), xuống 91,15 điểm với 173 mã tăng và 126 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 55 triệu đơn vị, giá trị 945,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,5 triệu đơn vị, giá trị 111,3 tỷ đồng.

Trái ngược với 2 sàn niêm yết, tất cả các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị của UPCoM hôm nay không có mã nào đóng cửa trong sắc đỏ, chỉ có duy nhất AAS đứng tham chiếu 9.300 đồng, còn lại đều tăng, trong đó VGI vẫn giữ vững sắc tím 53.400 đồng do lực cung không đủ để hấp thụ hết lượng dư mua trần từ phiên sáng, thanh khoản của mã này ở mức 2,23 triệu đơn vị.

Trong khi đó, BSR là mã thanh khoản tốt nhất 13,63 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,06% lên 19.800 đồng; tiếp đến là DDV khớp 3,29 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,11% lên 16.600 đồng; C4G khớp 2,63 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,75% lên 11.600 đồng; NED khớp 2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,25% lên 8.500 đồng…

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm tương đương với thị trường cơ sở, trong đó hợp đồng đáo hạn tháng 4 là VN30F2404 giảm 18,10 điểm (-1,40%), xuống 1.271,9 điểm với 241.209 hợp đồng được chuyển nhượng, giá trị 30.884 tỷ đồng; khối lượng mở 53.614 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng hoàn toàn chiếm ưu thế khi chỉ có 14 mã tăng khi đóng cửa với mức tăng cũng khá khiêm tốn. Hôm nay có 2 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị đều do SSI phát hành là CMWG2314 và CSTB2322, cả 2 đều đóng cửa giảm lần lượt 8,08% xuống 910 đồng/chứng quyền và 7,14% xuống 390 đồng/chứng quyền.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hôm nay có gần 5,23 triệu đơn vị được giao dịch, tổng khối lượng 2.009,8 tỷ đồng. Trong đó, có giao dịch lớn nhất là TRN12101 của Đầu tư xây dựng Trung Nam với gần 1 triệu đơn vị, giá trị 101,8 tỷ đồng; tiếp đến là CBG12101 của Crystal Bay với 600.000 đơn vị, giá trị 62,3 tỷ đồng. Trong khi đó, xét về giá trị thì TCB12307 của Techcombank có giá trị lớn nhất với hơn 521 tỷ đồng, dù chỉ có 500 trái phiếu được giao dịch. Tiếp theo là NPM12201 của Núi Pháo với 413,7 tỷ đồng, tương ứng 4.106 trái phiếu.

T.Lê

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/phien-giao-dich-chieu-34-thi-truong-bi-ban-manh-lo-ngai-quy-luat-tao-dinh-dau-nam-post342565.html