Phiên họp chiều 9/11, ĐBQH lưu ý nhiều vấn đề trong dự án Luật Phòng thủ dân sự
Ngày 09/11/2022, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ 17 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và tiến hành thảo luận dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện
Trong buổi sáng, các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu. Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua điểm d khoản 4 Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện (khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật) bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Kết quả có 440 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 88,35% tổng số ĐBQH), trong đó có 432 đại biểu tán thành (bằng 86,75% tổng số ĐBQH); có 07 đại biểu không tán thành (bằng 1,41% tổng số ĐBQH); có 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,20% tổng số ĐBQH).
Quốc hội tiếp tục biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo Luật bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Kết quả có 447 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 89,76% tổng số ĐBQH), trong đó có 444 đại biểu tán thành (bằng 89,16% tổng số ĐBQH); có 02 đại biểu không tán thành (bằng 0,40% tồng số đại biểu Quốc hội); có 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,20% tổng số ĐBQH).
Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự
Phần nội dung thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Tại phiên thảo luận đã có 20 đại biểu phát biểu. Đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về phạm vi điều chỉnh, bố cục của dự thảo Luật; đối tượng áp dụng; cơ sở pháp lý; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước trong phòng thủ dân sự; các hành vi bị nghiêm cấm; thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện; bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố; thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự; các biện pháp khắc phục hậu quả thảm họa do chiến tranh gây ra; các dạng thảm họa, sự cố...
Các đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề xây dựng Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự; xây dựng Kế hoạch phòng thủ dân sự; xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự; phân công, phân cấp trách nhiệm phòng thủ dân sự; chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ lực lượng phòng thủ dân sự; nhiệm vụ của lực lượng quân đội trong phòng thủ dân sự; các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự các cấp độ; bãi bỏ, sửa đổi một số điều của các luật có liên quan đến phòng thủ dân sự cũng như nguồn lực bảo đảm thi hành Luật.
Nghiêm túc tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao
Phát biểu giải trình những vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã có sự phân định về phạm vi điều chỉnh đảm bảo không chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các luật hiện hành. Cụ thể, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự chỉ điều chỉnh về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với thảm họa và sự cố có nguy cơ dẫn đến thảm họa. Việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với sự cố, những loại hình thiên tai, dịch bệnh thông thường thực hiện theo quy định của luật hiện hành.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, để tạo cơ sở cho việc triển khai các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp với mức độ thảm họa, sự cố, bảo đảm không chồng chéo với luật chuyên ngành thì dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của sự cố và các cấp độ phòng thủ dân sự, cũng như các biện pháp trong từng cấp độ phòng thủ dân sự.
Về đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, một số văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cách thức, tiêu chí phân loại, đánh giá mức độ rủi ro do các loại hình thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự quy định tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố gồm: Phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng của thảm họa, sự cố; Đặc điểm địa lý tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa bàn chịu ảnh hưởng của thảm họa, sự cố; Diễn biến, khả năng gây thiệt hại và thiệt hại của thảm họa, sự cố; Khả năng ứng phó với thảm họa, sự cố của chính quyền địa phương và lực lượng tham gia phòng thủ dân sự.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao.
Tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5
Kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tiếp theo 107 ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ, chiều 9/11 đã có 20 đại biểu phát biểu ý kiến. Không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, trí tuệ, khách quan, thẳng thắn và có rất nhiều thông tin từ kinh nghiệm, từ thực tiễn sinh động, sâu sắc và toàn vẹn, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các đại biểu đối với nội dung dự án luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao trách nhiệm và sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh về dự án luật; cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh và những nội dung cơ bản dự thảo luật như đề nghị Chính phủ. Trong đó có nhiều vấn đề đã được đại biểu Quốc hội xem xét, đánh giá, phân tích và đề nghị tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận của đại biểu gửi đến các vị đại biểu theo dõi, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tiếp thu, giải trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 05/2023 theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua.
Tiếp theo chương trình làm việc, ngày 10/11/2022, buổi sáng, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).