Phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' năm 2024: Thúc đẩy phòng chống bạo lực học đường và tác hại của thuốc lá, chất kích thích
Phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' lần thứ II - năm 2024 sẽ có sự tham dự của 306 đại biểu là các đội viên tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó bao gồm trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em vượt khó... ở các độ tuổi khác nhau.
Ngày 23/9/2024, tại Hà Nội, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các bộ, ban ngành liên quan tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024.
Tham dự buổi gặp mặt có bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; bà Trần Thị Thanh Lam - Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội; ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; bà Phạm Thu Ba - Quyền Giám đốc Quốc gia Tổ chức Plan International Việt Nam cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, ban, bộ ban ngành Trung ương.
Bà Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Phiên họp cho biết, Ban Tổ chức đã rất tâm huyết trong việc chuẩn bị cho Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024 bởi Phiên họp lần này là sự kế thừa và phát triển những thành công của phiên họp trước, đồng thời mang đến nhiều điều mới mẻ.
“Khác với năm trước, để đảm bảo tính dân chủ, năm nay Ban Tổ chức đã mở rộng hình thức tuyển chọn đại biểu. Bên cạnh việc các đại biểu trẻ em được các tỉnh thành đoàn giới thiệu, các bạn hoàn toàn có thể chủ động ứng cử đại biểu tham gia phiên họp. Sau đó, Ban Tổ chức sẽ tiến hành phỏng vấn để đánh giá năng lực và lắng nghe quan điểm của các bạn về những vấn đề đã đề ra”, bà Trang chia sẻ.
Lần này, hai chủ đề “Phòng chống bạo lực học đường” và “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường” được lựa chọn vì đây là những vấn đề mà các em học sinh quan tâm nhất hiện nay và cũng là những vấn đề mà Quốc hội đang rất chú trọng.
Bà Nguyễn Phạm Duy Trang nhấn mạnh, thông qua việc thảo luận về hai chủ đề này, tiếng nói của các đại biểu trẻ sẽ góp phần thúc đẩy công tác phòng chống bạo lực học đường và tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong xã hội hiện nay.
Chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam tại sự kiện sáng nay, ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng xảy ra gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng an toàn của trẻ em trong môi trường học đường. Bạo lực học đường có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần của các em học sinh. Do đó, cần tạo ra một môi trường học đường an toàn, nơi mà các em được học tập và phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, đi kèm với sự phát triển của công nghệ, sự xuất hiện của thuốc lá điện tử đã đặt ra nhiều thách thức mới cho công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc lá điện tử rất nguy hại đối với sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm thần và gây ra nhiều bệnh ung thư. Việc cấm nhập khẩu và sử dụng loại thuốc lá này không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là trách nhiệm của cả xã hội.
Do đó, Phiên họp giả định Quốc hội cho trẻ em là nơi các em được thể hiện tiếng nói của mình, đóng góp ý kiến vào những vấn đề mà các em quan tâm. Qua hoạt động này, các em không chỉ được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thuyết trình mà còn được trang bị những kiến thức cần thiết để trở thành những công dân tích cực trong tương lai. Điều này nhằm mục đích rèn luyện và bồi dưỡng ý thức công dân, chuẩn bị cho các em trở thành nguồn nhân lực ưu tú cho đất nước trong tương lai.
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” là diễn đàn để trẻ em thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của mình; đồng thời tập dượt sinh hoạt chính trị nhằm hun đúc ước mơ, xây hoài bão lớn cho thiếu nhi, chủ nhân tương lai của đất nước; thể hiện sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và toàn xã hội đối với trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng.
Đây cũng là mô hình hoạt động mới thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với tâm lý, khả năng của trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Thông qua hoạt động giúp các em thiếu nhi được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” tổ chức nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hóa chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong triển khai hiệu quả Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2023-2027”.
Tại buổi gặp mặt, em Thào Mí Phềnh – đại biểu trẻ em tới từ trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lũng Chinh (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) chia sẻ, năm nay em được các thầy cô giáo đề cử và được trở thành một đại biểu của Phiên họp giả định “Quốc hội Trẻ em” lần thứ II. Bản thân em cảm thấy rất vui, rất vinh dự, rất tự hào, nhưng đồng thời cũng rất nhiều lo lắng. Sau khi được các thầy cô giáo chia sẻ, hướng dẫn, giờ em đã biết nhiệm vụ là một trong các đại biểu thay mặt cho trẻ em ở tỉnh Hà Giang, sẽ được đóng góp ý kiến vào 2 chủ đề chính của phiên họp giả định.
"Ở trường em, có nhiều bạn học xong lớp 9 không còn được đi học nữa. Bây giờ em cũng học lớp 9 rồi, không biết là năm sau em không biết là em có được đi học nữa không. Ước mong của em muốn chia sẻ với các cô các chú các bác ở đây là mong em và các bạn được đi học đầy đủ, trong một môi trường không có bạo lực học đường, không bị ảnh hưởng bởi tác hại của thuốc lá điện tử hay các chất kích thích", em Thào Mí Phềnh bộc bạch.
Em Nguyễn Thủy Tiên – Chủ tịch HĐTE tỉnh Quảng Trị chia sẻ: "Em nhận thấy, đối với trẻ em tỉnh Quảng Trị nói riêng và trẻ em cả nước nói chung, 2 chủ đề của phiên họp giả định lần này cũng là vấn đề rất cấp bách, rất phổ biến thường thấy trong đời sống của trẻ em. Ví dụ như vấn đề bạo lực học đường thường diễn ra với nhiều hình thức rất phức tạp".
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024 được Ban Tổ chức triển khai từ ngày 27/9 đến ngày 29/9/2024. Cụ thể:
- 27/9/2024: 306 đại biểu của Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024 tham gia chương trình gặp mặt thân mật giữa Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Thường trực Hội đồng Đội Trung ương. Buổi tối, các đại biểu tham quan trải nghiệm “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
- 28/9/2024: Các đại biểu tham gia Dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ Bắc Sơn, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan Bảo tàng Quốc hội; khai mạc phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024; tham gia thảo luận tại 12 tổ tại Tòa nhà Quốc hội với 02 chủ đề “Phòng chống bạo lực học đường” và “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.
- 29/9/2024: Diễn ra phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng tòa nhà Quốc hội. Tại phiên chất vấn, các đại biểu được đóng vai thành đại biểu Quốc hội và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội, Chính phủ. Trong phiên họp, các ý kiến phát biểu đóng góp của các đại biểu “Quốc hội trẻ em” sẽ phản ánh những ý kiến, mong muốn, nguyện vọng của các cử tri trẻ em tại địa phương, đồng thời các đại biểu Quốc hội trẻ em giả định tham gia Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về công tác phòng chống bạo lực học đường, phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường để làm rõ các vấn đề được “cử tri trẻ em” cả nước quan tâm.
Kết thúc phiên toàn thể, các em sẽ thông qua Nghị quyết của phiên họp. Nghị quyết này được xem như một báo cáo kiến nghị của cử tri đặc biệt đối với các vấn đề liên quan đến trẻ em.