Phiên họp giải trình, cung cấp thông tin việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Sáng 3/4, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát tổ chức Phiên họp giải trình, cung cấp thông tin việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Trần Thị Nhị Hà đồng chủ trì Phiên họp.

Dự Phiên họp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Hoài Phương; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chính phủ…

Phát biểu mở đầu Phiên giải trình, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga nêu rõ, Phiên họp nhằm trao đổi, giải trình, cung cấp thêm thông tin về quá trình giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Các ý kiến tại Phiên họp cũng tập trung làm rõ ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế… để hoàn thiện báo cáo gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV.

Hoạt động giám sát tiếp tục thể hiện sự đổi mới liên tục

Tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Trần Thị Nhị Hà trình bày dự thảo Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Trần Thị Nhị Hà trình bày dự thảo Báo cáo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Trần Thị Nhị Hà trình bày dự thảo Báo cáo

Theo đó, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.033 kiến nghị của cử tri. Các kiến nghị đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định. Nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: giáo dục, đào tạo, lao động, việc làm, chính sách xã hội; y tế; giao thông, vận tải; nông nghiệp, nông thôn; tài nguyên và môi trường… Đến nay, 1.936/2033 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 95,2%.

Theo đánh giá của Ủy ban Dân nguyên và Giám sát của Quốc hội, trong thời gian giữa hai kỳ họp, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành đã tập trung nghiên cứu, tiếp thu kiến nghị của cử tri trong hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát, quản lý điều hành như: Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác xây dựng luật để các luật sau khi được ban hành bảo đảm tính khả thi, thực hiện ổn định lâu dài. Hoạt động giám sát tiếp tục thể hiện sự đổi mới liên tục, giám sát có trọng tâm, trọng điểm về những nội dung bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế- xã hội của đất nước, được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm.

Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã tích cực, tập trung chỉ đạo giải quyết, trả lời khối lượng rất lớn kiến nghị của cử tri trên toàn quốc gửi tới Kỳ họp thứ 8. Việc giải quyết kiến nghị của cử tri được chú trọng và có hiệu quả. Nhiều Bộ, ngành có sự đổi mới trong việc tiếp nhận, nghiên cứu nên một số kiến nghị của cử tri được giải quyết nhanh chóng, góp phần giải quyết những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm.

Trong đó, có một số kiến nghị liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân đã được Bộ, ngành nghiên cứu, giải quyết kịp thời, như: về đề nghị mở rộng danh mục dịch vụ y tế và đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu; về đề nghị quan tâm, có cơ chế hướng dẫn, hỗ trợ địa phương xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP về du lịch nông thôn; đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm gia tăng giá trị, chất lượng sản phẩm OCOP; về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản đã không còn phù hợp với thực tiễn liên quan đến công tác khắc phục hậu quả bão lũ để triển khai được linh hoạt, nhanh chóng và phù hợp với tình hình thực tiễn; về việc sớm ban hành quy định mức hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho các đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ cần hỗ trợ về nhà ở.

Ngoài ra, có một số kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại báo cáo giám sát các kỳ họp trước đã được quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời như: chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc; chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách; bổ sung quy định về tiêu chí, quy trình rà soát, xác định người lao động có thu nhập thấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; rà soát trình sửa đổi, bổ sung quy định về mô hình tổ chức và hoạt động của Quỹ Phòng, chống thiên tai đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật;…

Khẩn trương giải quyết các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo chất lượng, đúng lộ trình

Dự thảo Báo cáo của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát cũng nêu một số tồn tại, hạn chế trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể: Thứ nhất, một số chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa được triển khai trên thực tế do Bộ, ngành chậm xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách ưu đãi. Cụ thể:

Qua giám sát cho thấy, tại điểm c, khoản 2 Điều 62 Luật Giáo dục nghề nghiệp về chính sách đối với người học quy định: miễn học phí đối với người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ. Đây chính sách ưu đãi quan trọng của Nhà nước nhằm khuyến khích người theo học các ngành, nghề có tính đặc biệt, riêng biệt, có tính phức tạp cao, đòi hỏi chuyên môn sâu, khó tuyển sinh, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội ban hành, có hiệu lực thi hành từ năm 2015, đã qua gần 10 năm thực hiện nhưng chính sách ưu đãi miễn học phí đối với người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vẫn chưa được triển khai, ảnh hưởng đến hiệu quả thi hành luật. Hiện nay, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp được chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vì vậy, Ủy ban Dân nguyên và Giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tham mưu xây dựng, trình ban hành Danh mục các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Thứ hai, quyền lợi hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng do quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành chưa đầy đủ. Qua giám sát cho thấy, khoản 3 Điều 6 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng ngày 9/12/2020 quy định: Người có công với cách mạng thuộc nhiều đối tượng thì được hưởng trợ cấp, phụ cấp của nhiều đối tượng. Tại khoản 3 Điều 45 Nghị định số 131 của Chính phủ quy định chi tiết về và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định: Đối với trường hợp thương binh đồng thời là bệnh binh hoặc người hưởng chế độ mất sức lao động thì hưởng thêm một chế độ trợ cấp hằng tháng kể từ tháng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp, phụ cấp ưu đãi. Tuy nhiên, Nghị định số 131 mới chỉ quy định về hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ đối với thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động được giải quyết hưởng thêm chế độ trợ cấp thương binh, mà không quy định về hồ sơ, thủ tục giải quyết hưởng thêm trợ cấp mát sức lao động đối với trường hợp là thương binh trước đây đã chọn thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động để hưởng trợ cấp thương binh.

Do đó, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát kiến nghị Bộ Nội vụ khẩn trương nghiên cứu, trình ban hành quy định để người đang hưởng chế độ trợ cấp thương binh đồng thời là người mất sức lao động được hưởng hai chế độ trợ cấp.

Thứ ba, một số vấn đề cử tri kiến nghị nhưng chưa được kịp thời giải quyết, gây khó khăn cho địa phương khi triển khai thực hiện. Qua giám sát cho thấy, tại Quyết định số 1265 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, do nhiều vướng mắc, khó khăn cả về khách quan và chủ quan nên Bộ vẫn chưa thực hiện xong nhiệm vụ được giao. Việc chậm ban hành Danh mục gây khó khăn cho các địa phương trên toàn quốc khi xây dựng định mức và phương án giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông tại địa phương...

Thứ tư, một số kiến nghị của cử tri về sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là kiến nghị cần có sự phối hợp giữa các Bộ còn chậm được giải quyết. Theo đó, qua giám sát cho thấy, Thông tư số 08 năm 1988 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông để phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, qua 37 năm thực hiện, năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy Thông tư 08 không còn phù hợp nên đã xây dựng dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 08, nhưng đến nay đã 05 năm, Thông tư thay thế vẫn chưa được ban hành. Vì vậy, Ủy ban Dân nguyên và Giám sát kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng ban hành Thông tư thay thế Thông tư 08 hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông…

Từ những vấn đề trên, dự thảo Báo cáo của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát cũng kiến nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương rà soát giải quyết các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri. Tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết, trả lời cử tri, khắc phục những hạn chế đã nêu trong báo cáo. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ ban hành hoặc xây dựng trình ban hành…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại Phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại Phiên họp

Phát biểu tại Phiên họp, các đại biểu cơ bán tán thành dự thảo Báo cáo, các nội dung đã bao quát, toàn diện, có các nhận định mạnh mẽ, nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Các đại biểu Quốc hội cũng nêu một số vấn đề cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

Có ý kiến đề nghị các Bộ, ngành khẩn trương rà soát, giải quyết các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.

Một số đại biểu nhận định, cả 4 vấn đề tồn tại nêu trong dự thảo báo cáo đều liên quan đến việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có lỗi chủ quan liên quan đến việc xác định thẩm quyền của các Bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn.

Do đó, để giải quyết dứt điểm vấn đề này, cần tăng cường trách nhiệm, làm rõ thẩm quyền trong việc ban hành văn bản chi tiết, nhất là trong thời điểm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, mang tính nguyên tắc, trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn sẽ tăng lên rất nhiều, điều này đòi hỏi trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc bảo đảm tính kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn…

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn báo cáo giải trình

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn báo cáo giải trình

Tại Phiên họp, đại diện lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… đã giải trình các nội dung đã nêu trong dự thảo Báo cáo và các đại biểu quan tâm.

 Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga phát biểu kết luận

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga khẳng định, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV rất quan trọng, được trình bày trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi. Do đó, trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, các ý kiến tại Phiên họp, Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát sẽ tổng hợp, nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trong từng đánh giá, nhận định về ưu điểm, đặc biệt là hạn chế trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, để hoàn thiện Báo cáo trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp tới.

Lan Hương - Tiến Dũng - Việt Hòa - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=93326