Phiên họp giải trình về thực trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê trên địa bàn tỉnh
Chiều 18/11, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình về thực trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Chủ trì phiên họp có các đồng chí: Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Hoàng Hà, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Hoàng Hà, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Cùng dự có đồng chí: Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hữu Quý, TVTU, Bí thư Thành ủy Ninh Bình; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh; Tổ trưởng các tổ đại biểu HĐND tỉnh; đại diện Thường trực HĐND các huyện, thành phố; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương có liên quan.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hồng Quảng cho biết: Để chuẩn bị nội dung giải trình về thực trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê trên địa bàn tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã giao Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với các Ban HĐND tỉnh khảo sát tại 5 tuyến đê (tuyến đê Hữu Đáy, tuyến đê tả Hoàng Long, tuyến đê Đức Long - Gia Tường - Lạc Vân, tuyến đê hữu Vạc, tuyến đê tả Vạc), phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh ghi hình, xây dựng phóng sự trình chiếu tại phiên họp.
Đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc phiên giải trình.
Để đảm bảo chất lượng phiên họp, đồng chí đề nghị đại biểu nghiên cứu, nêu câu hỏi các cơ quan, đơn vị giải trình; câu trả lời của cơ quan có trách nhiệm giải trình, cần ngắn gọn, đi vào trọng tâm, không né tránh, không vòng vo, đùn đẩy trách nhiệm, hướng tới tháo gỡ được khó khăn, tạo sự chuyển biến thiết thực trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ hệ thống đê điều, hành lang đê điều trên địa bàn.
Tại phiên giải trình, lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT đã báo cáo về thực trạng tình hình vi phạm hành lang bảo vệ đê, nguyên nhân xảy ra vi phạm, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cũng như những giải pháp xử lý vi phạm.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo thực trạng tình hình vi phạm hành lang bảo vệ đê.
Tính đến ngày 20/10/2021, trên địa bàn tỉnh có 54 vụ vi phạm, chủ yếu là các vụ việc vi phạm cũ đã tồn tại từ nhiều năm, đối tượng vi phạm là các hộ dân sinh sống ven đê và các doanh nghiệp có hoạt động, sản xuất kinh doanh liên quan đến hành lang bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là san lấp mặt bằng, chạy xe quá tải trên đê, tập kết vật liệu, xây dựng công trình phụ, nhà tạm, nhà xưởng, nhà điều hành, trạm cân, trụ cầu, máng rót, trồng cây… trong hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ, xây dựng công trình khi mới có văn bản chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và PTNT, chưa có Quyết định cấp phép của UBND tỉnh; xây dựng công trình sai so với Quyết định cấp phép.
Các vi phạm ngay từ khi phát sinh đã được các Hạt quản lý đê kịp thời phát hiện và phối hợp với các địa phương ngăn chặn, lập biên bản yêu cầu các đơn vị tạm dừng ngay việc thi công và tập kết vật liệu; yêu cầu tháo dỡ, giải tỏa các hạng mục vi phạm; đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo xử lý giải tỏa trường hợp cố tình vi phạm.
Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh và Quy định quản lý và hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp IV, cấp V trên địa bàn tỉnh.
Thành lập nhiều đoàn kiểm tra phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, đề nghị xử lý, giải tỏa các vi phạm; tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các ngành chức năng tập trung xử lý các vi phạm còn tồn đọng và quản lý chặt chẽ không để tái vi phạm…
Từ năm 2018 đến nay, đã xử lý vi phạm hành chính đối với 41 tổ chức, cá nhân vi phạm; tham mưu và ban hành 41 quyết định xử phạt với tổng số tiền 412 triệu đồng. Công an tỉnh đã chỉ đạo xử phạt đối với các xe quá tải chạy trên đê với số tiền 2,83 tỷ đồng.
Tại phiên giải trình, đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành chất vấn và đề nghị lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, các địa phương về những vấn đề thuộc thẩm quyền như: tình hình thực hiện nhiệm vụ quy hoạch phòng chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều; đề xuất giải pháp, lộ trình xử lý triệt để các vi phạm đã tồn tại nhiều năm; trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết vi phạm; về công tác quản lý Nhà nước đối với việc xây dựng các công trình, bãi tập kết vật liệu xây dựng và các hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên hành lang đê …
Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện: Gia Viễn, Yên Khánh, Kim Sơn, Yên Mô đã giải trình, làm rõ những vấn đề mà các đại biểu HĐND nêu.
Đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu giải trình các ý kiến đại biểu HĐND tỉnh nêu.
Trong đó, nêu rõ thực trạng, tình hình vi phạm hành lang bảo vệ đê, các biện pháp đã xử lý, những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đê điều, các giải pháp và kiến nghị, đề xuất để khắc phục, ngăn chặn tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đề điều trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận phiên giải trình, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hồng Quảng ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về quản lý hành lang bảo vệ đê trên địa bàn tỉnh.
Qua hoạt động thực tiễn và những tồn tại, hạn chế về công tác quản lý, bảo vệ đê điều thời gian qua, cần nhìn nhận nghiêm túc, phải tổng hợp, đánh giá khách quan vấn đề vi phạm hành lang bảo vệ đê để giải quyết theo thẩm quyền đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Trên cơ sở thực tế và ý kiến của các đại biểu, đồng chí yêu cầu: UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều cho các tổ chức, cá nhân để nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật; chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan phối hợp xác định mốc giới, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm về an toàn hành lang bảo vệ đê. Đề xuất, kiến nghị với các cơ quan Trung ương nghiên cứu tăng chế tài xử lý vi phạm có tính răn đe, đảm bảo hiệu lực của quy định pháp luật.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đê điều trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tăng cường kiểm tra, rà soát đánh giá hệ thống đê điều trên địa bàn. Kịp thời phát hiện các nguy cơ gây mất an toàn đê điều, các vi phạm mới phát sinh để phối hợp với các cơ quan có liên quan có biện pháp, phương án khắc phục, xử lý đảm bảo an toàn cho hệ thống đê.
Kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền. Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê đối với các tuyến đê cấp III trở lên theo quy định của pháp luật; hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tổ chức cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê đối với các tuyến đê cấp IV, cấp V theo quy định.
Đối với UBND cấp huyện cần tăng cường thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền, trong đó tập trung vào kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về đê điều và xử lý kiên quyết, triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều; chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện tốt công tác nắm địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ vi phạm; Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất phương án để giải quyết các vi phạm đã phát sinh từ lâu, do lịch sử để lại.
Các Ban của HĐND tỉnh, các tổ đại biểu tiếp tục giám sát thực hiện các cam kết của các cơ quan, đơn vị để đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý đê; các vị đại biểu HĐND tỉnh giám sát chặt chẽ việc thực hiện cam kết sau giải trình của các cơ quan, đơn vị.
Ngay sau phiên họp này, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các đơn vị giải trình thực hiện nghiêm túc các giải pháp, cam kết của ngành, đúng các quy định của pháp luật.