Phiên họp lần thứ hai về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06
Sáng 17-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính-Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 chủ trì Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo.
Đồng chủ trì phiên họp có các đồng chí Phó Trưởng ban Chỉ đạo: Nguyễn Hòa Bình-Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đại tướng Phan Văn Giang-Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Hồ Đức Phớc-Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Chí Dũng-Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh. Ảnh: A.H
Phiên họp được tổ chức trực tiếp và kết nối trực tuyến từ điểm cầu trụ sở Chính phủ đến 63 điểm cầu toàn quốc. Đồng chí Rah Lan Chung-Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, Đề án 06 tỉnh chủ trì phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai.
Tham dự có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, Đề án 06, Cải cách hành chính; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Cục Thi hành án dân sự tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; Cục Thống kê tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thanh tra tỉnh; Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; Sở Dân tộc và Tôn giáo.
Tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ công bố các quyết định của Thủ tướng Chính phủ kiện toàn Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (ĐMST, CĐS) và Đề án 06, cùng 3 quyết định thành lập 3 tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo của Chính phủ.
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9-1-2025 và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 1-4-2025 nhằm triển khai chương trình hành động về đột phá phát triển KHCN,ĐMST và CĐS quốc gia.
Đến nay, chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên 7 nhóm nhiệm vụ cụ thể: Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia; Hoàn thiện thể chế, xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia; Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia; đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, ĐMST trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS trong doanh nghiệp; Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Theo đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính (TTHC) của cả nước tháng 4 đạt 50,4%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng hồ sơ giải quyết TTHC trung bình cả nước đạt 39,46%. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.525 dịch vụ công trực tuyến; tháng 4-2025 có hơn 1,6 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng dịch vụ công quốc gia. Tính đến ngày 12-5-2025, tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ kỹ số là 27,7%.
Về triển khai Đề án 06, Bộ Công an đã phối hợp tổ chức triển khai 9 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành tích hợp 56/76 thủ tục hành chính thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia; đã có 172 cơ sở khám, chữa bệnh tại 29 địa phương sử dụng bệnh án điện tử; 26/63 địa phương chính thức sử dụng dữ liệu đất đai đã được số hóa để giải quyết các TTHC liên quan đến lĩnh vực cư trú; 63/63 địa phương đã thực hiện chi trả chế độ an sinh xã hội cho 2,9 triệu đối tượng với hơn 33 ngàn tỷ đồng; thực hiện chi trả bảo hiểm xã hội qua thẻ ATM cho khoảng 80% số người hưởng, nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp...
Cải cách hành chính được triển khai mạnh mẽ. Trong đó, cải cách thể chế tiếp tục được xác định là “đột phá của đột phá”. Trong 4 tháng đầu năm 2025, Quốc hội đã thông qua 4 luật và 18 nghị quyết; Chính phủ ban hành hơn 100 nghị định; qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tỷ lệ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh lũy kế từ năm 2021 đến nay đạt 20,56% và vượt mục tiêu tối thiểu đề ra cho cả giai đoạn 2020-2025. 100% các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch để triển khai chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026 theo quy định của Chính phủ tại Nghị quyết 66/NQ-CP ngày 26-3-2025.
Theo tổng hợp từ hồ sơ Đề án của các địa phương, dự kiến sau sắp xếp, cả nước giảm 6.714 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, tương ứng với 66,91%. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của 63 tỉnh, 21 bộ đã kết nối với VNeID thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến hết tháng 4-2025 đã cung cấp hơn 3,5 ngàn dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; chất lượng giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chuyển biến với nhiều chỉ số tăng so với cùng kỳ…
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá về những kết quả đã đạt được và thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nhất là rào cản, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm và xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Phát biểu kết luận phiên họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, ghi nhận một số cơ quan, đơn vị đã chủ động, tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ được giao; nhất là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Khoa học và Công nghệ cùng sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới với tinh thần: nghĩ thật, nói thật, làm thật, kết quả thật và nhân dân hưởng thụ thật.
Trong đó tiếp tục bám sát quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là đẩy mạnh phát triển KHCN, ĐMST và CĐS gắn với đơn giản hóa và cương quyết cắt bỏ các TTHC rườm rà, phiền hà; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, là động lực, là nguồn lực trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong lãnh đạo chỉ đạo và điều hành phải thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo báo hơn nữa và tăng cường kiểm tra, giám sát gắn với xử lý các vấn đề phát sinh và nâng cao hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thủ tướng nêu rõ, KHCN, ĐMST, CĐS là nền tảng để phát triển bền vững; phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên năm 2025 và 2 con số những năm tới với sự đóng góp quan trọng của những động lực tăng trưởng mới. Do đó, từ nay đến hết năm 2025 là giai đoạn có ý nghĩa then chốt, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung cao độ, quyết tâm lớn và hành động quyết liệt để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong năm 2025 với tinh thần khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại; với phương châm “bộ máy tinh gọn; dữ liệu, kết nối và quản trị hiện đại”. Tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược số (thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số); đẩy mạnh nguồn lực thực hiện KHCN, ĐMST, CĐS, trong đó tăng chi cho KHCN.
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vai trò, vị trí then chốt của KHCN, ĐMST, CĐS; đặc biệt là vai trò then chốt trong quá trình phát triển nhanh, bền vững của đất nước; đẩy mạnh rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đảm bảo nguồn lực cho KHCN, ĐMST, CĐS.
Thủ tướng giao Bộ Công an sớm hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành các nghị định về hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS; giao Bộ Tài chính xây dựng trình Thủ tướng ban hành bảng danh mục, mã số các đơn vị hành chính Việt Nam phù hợp với phương án sắp xếp bộ máy sáp nhập tỉnh; Bộ Công an phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan triển khai chiến dịch tổng rà soát tài khoản ngân hàng, sim điện thoại để tăng cường quản lý nhà nước, phòng ngừa tội phạm lừa đảo trực tuyến.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành với chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương xây dựng các hướng dẫn thi hành 19 luật, 3 nghị quyết liên quan đến KHCN, ĐMST, CĐS đang trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9; các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng các dự án, các đề án, chương trình để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện. Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng mong muốn tiếp tục chủ động, tích cực hơn trong đẩy mạnh phát triển KHCN, ĐMST, CĐS trong thời gian tới; đồng thời góp phần xây dựng thể chế, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị...