Phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án về kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
Sáng nay (11/3) tại trụ sở cơ quan, VKSND tối cao đã tổ chức phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo Đề án 'Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp'. Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Đề án chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp có các đồng chí là thành viên Ban chỉ đạo Đề án; Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo VKS quân sự Trung ương; đại diện Bộ Công an cùng các đồng chí là thành viên Tổ giúp việc Ban chỉ đạo Đề án…
Tại phiên họp, đồng chí Trần Hưng Bình, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp (Vụ 12), VKSND tối cao đã báo cáo tóm tắt dự thảo Kế hoạch triển khai xây dựng Đề án; Đề cương chi tiết của Đề án và Đề cương 12 chuyên đề nhánh của Đề án.
Theo đó, căn cứ Thông báo số 4759/CV-BNCTW ngày 25/8/2023 của Ban Nội chính Trung ương về Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại phiên họp thứ 24 ngày 16/8/2023; Kế hoạch số 28-KH/BCSĐ ngày 27/9/2023 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao về việc triển khai thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Kết luận nêu trên; theo đó Ban cán sự đảng VKSND tối cao được phân công nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp” (Đề án).
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã dự thảo Kế hoạch triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án.
Theo dự thảo Kế hoạch triển khai xây dựng Đề án, các công việc theo từng giai đoạn gồm: Thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc xây dựng Đề án; xây dựng Kế hoạch và các văn bản liên quan; dự toán kinh phí xây dựng Đề án.
Tổ chức xin ý kiến Tổ giúp việc, Ban chỉ đạo Đề án về những vấn đề lớn, Đề cương Đề án; đề xuất nội dung chính, xây dựng Đề cương, Thuyết minh Đề án.
Triển khai tổ chức nghiên cứu, xây dựng 12 chuyên đề nhánh của Đề án, trong đó phân công cụ thể để các đơn vị thực hiện; tổ chức xin ý kiến Tổ giúp việc, Ban chỉ đạo Đề án về dự thảo Đề án; tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Đề án; tổ chức xin ý kiến các bộ, ngành, Viện kiểm sát các các cấp…
Đồng thời, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Đề án; xin ý kiến Hội đồng khoa học VKSND tối cao đối với dự thảo Đề án; báo cáo xin ý kiến Ban cán sự đảng VKSND tối cao; hoàn thiện dự thảo Đề án, xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu Đề án báo cáo đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng VKSND tối cao xem xét, trình Ban Nội chính Trung ương.
Tại phiên họp, dưới sự chủ trì, điều hành của đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, các đồng chí là thành viên Ban chỉ đạo đã phát biểu ý kiến đóng góp vào dự thảo Kế hoạch triển khai xây dựng Đề án; Đề cương chi tiết của Đề án và Đề cương 12 chuyên đề nhánh của Đề án.
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Quang Dũng ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến phát biểu với tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, đồng thời nêu rõ, việc tổ chức phiên họp là một trong những hoạt động nhằm tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Đề án được phân công.
Yêu cầu bộ phận giúp việc tổng hợp, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến phát biểu tại phiên họp, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Quang Dũng nêu rõ, đây là một Đề án quan trọng, do đó việc nghiên cứu, xây dựng Đề án phải được thực hiện nghiêm túc, trên cơ sở quy định của pháp luật và của Ngành; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan; bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Kết quả nghiên cứu, xây dựng Đề án là cơ sở để kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; từ đó khắc phục những hạn chế, tồn tại, nâng cao chất lượng công tác này, tạo chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hoạt động thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.