Phiên họp Thường trực HĐND TP. Hà Nội: 'Nóng' vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm

Tại phiên họp giải trình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức, sáng 4-11, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc và công tác quản lý chất lượng vệ sinh ATTP đối với cơ sở kinh doanh lĩnh vực này.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền trả lời câu hỏi của đại biểu HĐND

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền trả lời câu hỏi của đại biểu HĐND

Đại biểu Nguyễn Quang Thắng (Tổ ĐB Hoàn Kiếm) nêu vấn đề, qua khảo sát cho thấy người dân vẫn còn hết sức lo ngại về ATTP, trong khi đó công tác quản lý ATTP tuy đã được phân cấp đến cơ sở nhưng còn chưa đảm bảo theo yêu cầu. Đề nghị Sở Y tế cho biết giải pháp trong thời gian tới.

Giải trình các nội dung đại biểu nêu, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Sở Y tế đã phối hợp chặt chẽ với ngành Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, khuyến khích người dân cùng tham gia phát hiện, phản ánh các cơ sở không đảm bảo về ATTP.

Về việc sản xuất thực phẩm chức năng, với trách nhiệm là đơn vị quản lý lĩnh vực này, ngành đang nỗ lực tăng cường quản lý việc quảng cáo, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông khi cấp phép quảng cáo trên mạng internet và công khai các cơ sở vi phạm trên website.

Đối với việc quản lý các bếp ăn tập thể, đặc biệt là ở các trường học và các khu công nghiệp, hiện toàn thành phố có 165 bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, 20% do các bếp ăn tự nấu và còn lại thuê các cơ sở cung cấp suất ăn. Theo đánh giá một số bếp vẫn chưa đảm bảo về vệ sinh ATTP trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm, sắp xếp thiết bị nấu, bát đũa,…

Trong thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường tuyên truyền đối với các cơ sở nấu tập thể, tăng cường tập huấn cho lực lượng về đảm bảo ATTP, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất để tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, diễn tập về phòng chống ngộ độc,…

Đối với các trường học, tính đến hết năm học 2018-2019, toàn thành phố có 4.534 bếp ăn tập thể, trong đó, có các trường bán trú, mầm non, tiểu học,… Thành phố đã thí điểm mô hình nâng cao năng lực, đảm bảo ATTP tại các bếp ăn trường học và phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo để quản lý các bếp ăn này, tăng cường kiểm tra và kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với những bếp ăn trường học không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, khuyến khích phụ huynh học sinh cùng tham gia giám sát các bếp ăn.

Liên quan đến nội dung nước uống đóng chai, đóng bình, hiện, toàn thành phố có 425 cơ sở thực hiện, tuy nhiên, cũng có cơ sở còn sử dụng nước giếng khoan, chưa vệ sinh buồng máy, hệ thống lọc thường xuyên. Giải pháp trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kiểm tra, giám sát để xử lý vi phạm, công khai các cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh ATTP.

Đại biểu Đỗ Thùy Dương (Tổ ĐB Cầu Giấy) đề nghị Sở Công thương giải trình về việc có sản phẩm quá hạn sử dụng vẫn bày bán trong siêu thị. Đối với việc sản xuất thực phẩm chức năng hiện nay, Sở Y tế cho biết việc quản lý đối với những quảng cáo lĩnh vực này.

Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cho biết, hiện nay, hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn thành phố Hà Nội có 25 trung tâm thương mại, 110 siêu thị, hơn 1.700 cửa hàng tiện ích, trong đó, gắn biển nhận diện được 807 cửa hàng. Tất cả các trung tâm thương mại và siêu thị, cửa hàng tiện ích, hàng hóa đều có giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm, hàng nhập khẩu có tem bằng tiếng Việt và có hạn sử dụng.

Theo ông Thăng, Sở Công thương đã cấp cho các cơ sở có đủ điều kiện kinh doanh sản phẩm, đồng thời có lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, xử lý vi phạm.

P.L

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/phien-hop-thuong-truc-hdnd-tp-ha-noi-nong-van-de-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-94254.html