Phiền lòng với giao thông tại Khu kinh tế Dung Quất

Hàng loạt tuyến đường chính ở Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) đang xuống cấp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp, cũng như làm hạn chế thu hút đầu tư.

Nhiều tuyến đường tại Khu kinh tế Dung Quất bị hư hỏng nặng, nhưng vẫn chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa.

Nhiều tuyến đường tại Khu kinh tế Dung Quất bị hư hỏng nặng, nhưng vẫn chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa.

Vừa xuống cấp, vừa “treo” dự án

Đường số 3, Khu kinh tế Dung Quất được xem là tuyến trung tâm kết nối Quốc lộ 1, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). Sau một thời gian khai thác, tuyến đường dài gần 4 km này đã nát vụn, trở thành… đường đất, khiến các nhà đầu tư gặp rất nhiều trở ngại trong vận chuyển hàng hóa, còn người dân thì luôn bất an.

Tương tự, tuyến đường Võ Văn Kiệt là huyết mạch thông thương xuống cảng Dung Quất để xuất, nhập khẩu hàng hóa của nhiều nhà máy cũng trong tình trạng hư hỏng nặng.

Còn tuyến đường nối Khu kinh tế Dung Quất - Khu kinh tế mở Chu Lai đang bị xe tải cày nát. Nền đường xuống cấp nghiêm trọng, ổ gà chằng chịt và bụi mù mịt. Nhiều điểm mặt đường bị biến dạng, trơ đá.

Ngoài ra, Quốc lộ 24C là tuyến huyết mạch kết nối các tỉnh trong khu vực đến cảng Dung Quất. Những đoàn xe tải trọng lớn ngày đêm vận chuyển hàng vào cảng để xuất khẩu khiến mặt đường bị bong nát và quá chật hẹp nên không đáp ứng được yêu cầu lưu thông ở khu kinh tế này.

Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương xem xét cho cơ chế ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu hàng năm cho Khu kinh tế Dung Quất tương ứng mức 10-15% số thu trên địa bàn nộp về ngân sách Trung ương để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng trong giai đoạn đến năm 2030.

Đồng thời, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục triển khai xây dựng đề án lựa chọn một số khu kinh tế ven biển trọng điểm để tập trung hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2030, trong đó có Khu kinh tế Dung Quất.

Một doanh nghiệp ngành vận tải cho hay, hạ tầng giao thông ở Khu kinh tế Dung Quất rất yếu, nhiều tuyến đường chật hẹp. Khi nhà đầu tư đến đây, việc đầu tiên họ quan tâm là hạ tầng, nếu đáp ứng được thì việc đàm phán sẽ dễ dàng hơn.

Tại hội thảo đánh giá tác động của Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung Bộ và Việt Nam, đại diện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chỉ ra, hiện tại, lợi thế của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chính là nguồn năng lượng phụ trợ để kết hợp với các dự án khác khi vào khu kinh tế. Nếu hạ tầng giao thông được liên kết sẽ góp phần giảm chi phí rất nhiều, từ đó các nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn.

“Tỉnh cần có quy hoạch cụ thể và phải hoàn thành nút giao thông kết nối đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuống cảng Dung Quất trong thời gian sớm nhất để thu hút đầu tư. Nếu nói chờ thì biết đến bao giờ mới xong”, đại diện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thẳng thắn.

Bên cạnh những con đường xuống cấp nghiêm trọng, nhiều dự án kết nối với cảng Dung Quất cũng bị “treo” nhiều năm.

Đơn cử, Dự án đường Trì Bình - cảng Dung Quất nối cảng Dung Quất với Quốc lộ 1A vào đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được khởi công từ tháng 5/2015, do Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Đây là dự án trọng điểm, phục vụ quá trình hoạt động, phát triển Khu kinh tế Dung Quất. Theo kế hoạch, giai đoạn I sẽ hoàn thành cuối năm 2016, giai đoạn II vào cuối năm 2018.

Tuy nhiên, đến nay dự án này được xếp vào hạng “siêu treo” do hàng loạt tồn tại trong thủ tục đầu tư và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất dự án.

Đầu tư chưa tương xứng

Đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, nhưng việc đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất lại chưa tương xứng.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, nguồn thu từ Khu kinh tế Dung Quất cho ngân sách Trung ương là rất lớn, trong giai đoạn 2009 - 2022, đã nộp khoảng 153.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất là 1.583 tỷ đồng.

Liên quan đến việc đầu tư nâng cấp mở rộng Tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 24C, Ban Quản lý cho hay, trong thời gian qua, lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Dung Quất hàng năm là rất lớn, trong khi đó, đoạn tuyến này mới đầu tư 2 làn xe, gây rất nhiều khó khăn trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, gây bức xúc cho các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi thông tin thêm, trong thời gian tới, Khu kinh tế Dung Quất có nhiều dự án lớn đồng loạt triển khai xây dựng và đi vào hoạt động như: Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; cảng container quốc tế Dung Quất, các dự án sản phẩm sau thép, hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ… nên lưu lượng phương tiện giao thông vận tải hàng hóa, vật liệu xây dựng, thiết bị sẽ tăng lên đột biến, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Dung Quất.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi chia sẻ: “Chúng ta vẫn chưa quan tâm đến sự phát triển của Khu kinh tế Dung Quất, dù đây là con gà đẻ trứng vàng, nhưng chỉ bắt đẻ mà không cho ăn. Nếu được đầu tư tương xứng với tiềm năng thì tôi nghĩ, Khu kinh tế Dung Quất còn phát triển mạnh hơn nữa, đóng góp cho ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương nhiều hơn nữa. Quan trọng hơn, sự phát triển của Khu kinh tế Dung Quất sẽ tạo ra một cú hích và đầu tàu cho kinh tế Quảng Ngãi và khu vực miền Trung”.

Anh Trung

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/phien-long-voi-giao-thong-tai-khu-kinh-te-dung-quat-d191039.html