Phiên Thứ Sáu kịch tính
Phiên giao dịch cuối tuần qua (22/9) không khỏi khiến nhà đầu tư hoang mang khi VN-Index mở cửa với mức giảm 15 điểm, trước khi rơi xuống mức thấp nhất tại 1.174 điểm, giảm 38 điểm so với phiên hôm trước.
Thế nhưng, pha “lội ngược dòng” cũng diễn ra nhanh không kém. Trong phiên chiều, chỉ số này đã rút ngắn đà giảm 18 điểm, kết thúc phiên ở mức 1.193,05 điểm, ghi nhận mức giảm 2,69% so với 1 tuần trước đó.
Tuy thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm ngắn hạn, lực cầu bắt đáy sau khi VN-Index phá thủng mức hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm là rất lớn, chưa kể khi giá có gap giảm đã gián tiếp tạo ra một vùng mất cân bằng thanh khoản. Do đó, chỉ số chung hoàn toàn có thể xuất hiện một số nhịp hồi kỹ thuật ngắn hạn hướng đến vùng cân bằng 1.200 - 1.210 điểm. Trong trung hạn, VN-Index sẽ cần thời gian để tích lũy và đi ngang để hấp thụ sự hưng phấn của phe bán trước khi có thể bắt đầu tăng ổn định trở lại.
Điểm nhấn thông tin: Ngành dầu khí đắc lợi
Thị trường đang chứng kiến sự bứt phá của giá dầu thế giới lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2021. Các phân tích viên của Goldman Sachs, Citibank và cả các chuyên gia phân tích của DSC đều dự phóng giá dầu hoàn toàn có thể chạm ngưỡng quan trọng 100 USD/thùng trong thời gian còn lại của năm.
Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho sự tăng mạnh của giá dầu, Nga và Ả Rập Xê út, hai nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã quyết định gia hạn việc cắt giảm nguồn cung của họ cho đến cuối năm 2023. Ngoài ra, theo thông tin mới nhất ngày 21/9/2023, Nga công bố hạn chế tạm thời xuất khẩu xăng và dầu diesel nhằm ổn định thị trường nội địa.
Phía bên kia, tồn kho dầu thô thương mại và kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ giảm sút. Mùa Đông đang tới gần và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của các nước châu Âu cũng như chính Hoa Kỳ gia tăng. Bên cạnh đó, nền kinh tế nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới là Trung Quốc đang trên đà hồi phục, nhu cầu dầu thô có thể sẽ sớm quay trở lại với quốc gia tỷ dân này.
Các nước OPEC+ đã thông qua giá dầu để tác động gián tiếp tới nền kinh tế Mỹ, khiến cho lạm phát ở Mỹ vẫn dai dẳng. Bằng chứng là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ tăng vượt dự kiến.
Với câu chuyện vĩ mô kể trên, nên nhìn nhận ngành dầu khí nước nhà như thế nào?
Đối với những doanh nghiệp đã nhập khẩu khi giá dầu còn thấp, đang có kho dự trữ dầu lớn hoặc khai thác dầu thì đây là một thời điểm thích hợp để thu hút dòng tiền đầu tư. Một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất là Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) với lượng hàng tồn kho trong quý II/2023 đạt 14.106 tỷ đồng, trong đó phần lớn là dầu thô giá thấp. Không chỉ vậy, crack spread (mức chênh lệch giữa giá của 1 thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu) cũng đang tăng khiến cho biên lợi nhuận của BSR vốn đã cao do kho dự trữ dầu giá rẻ nay còn được tăng mạnh thêm từ quá trình sản xuất.
Về mặt khí tự nhiên, siêu dự án điện, khí Lô B – Ô Môn đang bước vào giai đoạn xem xét FID dự kiến sẽ tạo ra tiềm năng lớn trong việc phát triển ngành dầu khí tại Việt Nam. Nếu FID được Chính phủ thông qua, ngay lập tức, các doanh nghiệp kinh doanh khí đốt sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Trong số đó, có thể kể tới PVD và PVC với 46 giàn đầu giếng và 750 giếng khai thác; PVS, PXS, PVX, với cụm giàn xử lý trung tâm và giàn nhà ở; PVB với đường ống khí dài 431 km và GAS, khi đóng vai trò cung cấp khí cho các nhà máy điện Ô Môn.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/phien-thu-sau-kich-tinh-post330560.html