Phiên tòa lưu động - điểm cộng giáo dục pháp luật
Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật và làm tốt công tác răn đe, phòng ngừa các loại tội phạm, trong năm 2023, tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện tại Hà Tĩnh đã tăng cường tổ chức các phiên xét xử lưu động.
Sáng 31/5, tại hội trường UBND xã Kỳ Hoa, TAND thị xã Kỳ Anh mở phiên tòa xét xử lưu động đối với Nguyễn Văn Thành (SN 1989, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) về tội trộm cắp tài sản.
Theo cáo trạng, từ ngày 20 - 24/12/2022, Thành đã thực hiện 2 vụ trộm cắp tài sản để trong xe ô tô tại đỉnh Đèo Ngang (xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh) với tổng trị giá tài sản là 25 triệu đồng. Qua xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo 34 tháng tù giam.
Trước đó, vào sáng 30/5, tại xã Kỳ Hoa, TAND thị xã Kỳ Anh cũng đã tổ chức xét xử lưu động 2 vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ đối với các bị cáo Lương Đình Văn (SN 1982, xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh) và Trần Quốc Hải (SN 1975, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh).
Cũng trong tháng 5 (ngày 17/5), TAND huyện Hương Sơn đã mở phiên tòa lưu động tại hội trường UBND xã Sơn Trà xét xử các bị cáo: Phan Huy Bằng (SN 1989, xã Sơn Trà, Hương Sơn) về tội “Trộm cắp tài sản” và Trần Văn Thuận (SN 1987, xã Tân Dân, Đức Thọ) về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Ông Lê Văn Bằng - Chủ tịch UBND xã Sơn Trà trao đổi: “Để đảm bảo các điều kiện cho tòa án tổ chức xét xử lưu động, chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo về hội trường xét xử, công tác đảm bảo ANTT. Đặc biệt, chúng tôi đã thông báo đến các thôn, người dân trong xã nắm được thời gian, địa điểm để đến theo dõi vụ việc. Qua đó, góp phần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục mọi người dân luôn tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật”.
Từ đầu năm đến nay, TAND cấp huyện đã tiến hành 17 phiên tòa xét xử lưu động. Địa điểm xét xử thường tại địa bàn nơi xảy ra hành vi phạm tội; các vụ án thường là án điểm hoặc có tính chất nghiêm trọng. Qua công tác xét xử lưu động cho thấy, mặc dù không gian tổ chức không phải trụ sở tòa án, hội trường xét xử lớn nhưng tính trang nghiêm, quy trình phiên tòa được đảm bảo.
Các phiên tòa đều thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham dự; mức án tuyên thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, bà con đồng tình ủng hộ, góp phần cùng chính quyền cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Để đảm bảo đạt được hiệu quả, mục đích của phiên tòa lưu động, TAND cấp huyện đã phối hợp chặt chẽ với viện kiểm sát nhân dân cùng cấp từ khâu lựa chọn vụ án, địa điểm mở phiên tòa, thẩm phán chủ tọa, phân công kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử… bố trí lực lượng bảo vệ trước, trong và sau phiên tòa xét xử lưu động.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị, đặc biệt về chuyên môn được thẩm phán tiến hành chu đáo, kỹ lưỡng bởi khi xét xử lưu động, có rất nhiều người dân tham gia và giám sát. Thẩm phán cũng phải dự đoán được những tình huống có thể xảy ra và chuẩn bị kế hoạch xử lý một cách chủ động, linh hoạt, tránh ảnh hưởng tới trật tự tại phiên xử.
Tại mỗi phiên tòa xét xử lưu động, hội đồng xét xử và kiểm sát viên căn cứ vào tính chất, nội dung từng vụ án lồng ghép tuyên truyền các quy định, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Ông Trần Đức Chính - Chánh án TAND thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về pháo nổ, đơn vị vừa tổ chức phiên tòa điểm theo hình thức lưu động để xét xử Nguyễn Hữu Dũng (SN 1989, trú xã Cẩm Thạch, Cẩm Xuyên) phạm tội “Tàng trữ hàng cấm”. Bằng việc theo dõi phiên tòa trực quan, sinh động, người dân dễ dàng tiếp cận, theo dõi, nắm bắt được các quy định pháp luật. Qua đó, có tác dụng thiết thực trong công tác tuyên truyền, góp phần ngăn ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH tại địa phương”.
Qua phiên tòa xét xử lưu động, bản thân mỗi người tham dự cũng sẽ nhận ra bài học thực tế đắt giá để tự răn chính mình, đồng thời tuyên truyền, vận động người thân, bà con lối xóm nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật.