Phiên tòa lưu động: Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả
Để phòng-chống tội phạm, vi phạm pháp luật, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) chú trọng hoạt động xét xử lưu động. Đây cũng được xem là hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực quan, sinh động và hiệu quả.
Ngày 28-6 vừa qua, TAND huyện Mang Yang đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lưu động tại hội trường UBND xã Kon Thụp và tuyên phạt bị cáo Đặng Văn Hiệp (SN 1976, trú tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) 9 năm 6 tháng tù, Lương Văn Công (SN 1991, trú tại làng Dơ Nâu, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) 7 năm 6 tháng tù cùng về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Phiên tòa thu hút hơn 70 người dân địa phương tham gia.
Tham dự phiên tòa với vai trò là người phiên dịch tiếng Tày, ông Hoàng Văn Soạn-Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Kon Thụp-cho biết: “Thời gian qua, xã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Việc mở phiên tòa xét xử lưu động giúp người dân được tiếp cận các quy định của pháp luật một cách chủ động, nhanh chóng. Sau phiên tòa này, tôi tuyên truyền, phổ biến lại cho người dân hiểu rõ về tác hại của ma túy và quy định của pháp luật liên quan”.
Còn ông Vi Văn Việt (làng Pơ Nang, xã Kon Thụp) cho hay: “Dù bận việc nhà nhưng được cán bộ thông báo có vụ xét xử lưu động ở xã, tôi sắp xếp thời gian đến xem. Tham gia phiên tòa lưu động xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy, tôi thấy pháp luật thật nghiêm minh. Tôi sẽ tuyên truyền, vận động người thân, bà con xóm giềng chấp hành nghiêm các quy định pháp luật của Nhà nước. Tôi cũng mong muốn Tòa án tổ chức nhiều phiên xét xử lưu động tương tự để người dân theo dõi, nắm vững các quy định pháp luật”.
Trao đổi với P.V, ông Lương Đình Lực-Chủ tịch UBND xã Kon Thụp-thông tin: Trong vòng 2 năm nay, xã xảy ra 3 vụ án liên quan đến ma túy gây mất an ninh trật tự. Trước tình hình đó, xã đã đề nghị TAND huyện tổ chức phiên tòa xét xử lưu động vụ án mua bán trái phép chất ma túy tại hội trường UBND xã để tạo sức răn đe và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người trên địa bàn.
“Trên thực tế, lâu nay, người dân chỉ biết thông tin cơ quan chức năng bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Do vậy, khi đưa ra xét xử lưu động thì người dân được “mắt thấy, tai nghe” đối tượng, hành vi vi phạm pháp luật và hình phạt theo quy định. Trên cơ sở phiên tòa này, thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan, ban ngành xuống các thôn, làng để tuyên truyền pháp luật về ma túy. Mặt khác, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động về các hành vi khác như: tảo hôn, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích... để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân”-ông Lực đề xuất.
Theo ông Trương Nam Trung-Chánh án TAND huyện Mang Yang: Để phiên tòa xét xử lưu động đạt hiệu quả, trước đó, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân huyện nghiên cứu đưa ra xét xử các vụ án có tính chất nổi cộm, thu hút sự quan tâm của dư luận. Tiếp đó, đơn vị giao nhiệm vụ cho thẩm phán phụ trách nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án liên quan. Mặt khác, đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết như: hội trường xét xử; thông báo, vận động người dân đến theo dõi phiên tòa nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
“Tòa án xét xử lưu động là theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương nhằm đấu tranh phòng-chống tội phạm, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức các phiên tòa lưu động, trong đó, chú trọng lựa chọn những vụ án điểm; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về điều kiện cần thiết để phiên tòa diễn ra bảo đảm an toàn, hiệu quả”-Chánh án TAND huyện Mang Yang thông tin thêm.