Phiên tòa phúc thẩm vụ án buôn lậu gỗ ở Đà Nẵng: Nhiều vấn đề từng được Báo Công lý nêu

Vụ án này xảy ra đã 8 năm và Báolà cơ quan báo chí đầu tiên đăng tải, có nhiều bài phản ánh về quá trình khởi tố, điều tra. Tại phiên tòa phúc thẩm đang diễn ra, những vấn đề báo nêu cơ bản trùng hợp với nội dung then chốt mà các bên quan tâm.

Cuối năm 2011, khi Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan thu giữ lô hàng 535,8 m3 gỗ của Công ty TNHH Ngọc Hưng (Cty Ngọc Hưng), Báo Công lý đã có loạt bài nêu diễn biến vụ việc cùng với những bất cập. Cụ thể, ngay trong Cơ quan điều tra, khi C46 kết luận “Chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu” thì C44 có quan điểm ngược lại; bất cập trong việc giám định với những kết quả khác nhau; vấn đề trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ hải quan (HQ) Cửa Việt; có hay không hành vi trốn thuế hoặc nhiều nghi vấn xung quanh việc xử lý lô gỗ được xác định là vật chứng của vụ án… Riêng việc xử lý (bán) lô gỗ này, hiện Cơ quan điều tra VKSNDTC đã khởi tố vụ án hình sự về tội “Ra quyết định trái pháp luật”.

Từ ngày 3/7, HĐXX phúc thẩm đã dành thời gian thỏa đáng để các bị cáo, các luật sư bào chữa; đại diện VKSND cấp cao tại Đà Nẵng trình bày quan điểm và tranh tụng một cách dân chủ, khách quan.

Về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, các bị cáo nguyên là công chức ngành HQ và các luật sư khẩn thiết đề nghị cấp phúc thẩm xem xét thấu đáo. Họ nêu vấn đề cơ quan điều tra không chứng minh được có gỗ giáng hương trong 5% số lượng hàng đã được cán bộ HQ tiến hành kiểm hóa theo lệnh hình thức của Chi cục HQ Cảng Cửa Việt.

Theo xác nhận của Cục HQ Quảng Trị và Tổng cục HQ thì công chức HQ chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi thi hành lệnh hình thức về tỷ lệ kiểm hóa, còn ngoài tỷ lệ kiểm hóa thì chủ hàng phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó lại chưa có căn cứ vững chắc để xác định trong lô hàng theo tờ khai nhập khẩu, xuất khẩu có 21,506m3 gỗ giáng hương. Chưa kể, đã có mâu thuẫn trong các lời khai của lái xe, lời khai của kế toán Cty Ngọc Hưng với lời khai của các bị cáo và biên bản xác nhận của Biên phòng Cảng Cửa Việt.

 Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm

Các luật sư và bị cáo cũng đưa ra căn cứ chứng minh việc nhập khẩu và xuất khẩu gỗ của Cty Ngọc Hưng không gây thiệt hại gì về thuế tại thời điểm doanh nghiệp mở tờ khai hải HQ nên cũng không cấu thành tội buôn lậu đối với lô hàng gỗ trắc. Quá trình giải quyết, C46 Bộ Công an đã có hai văn bản gửi Tổng Cục hải quan và gửi C44 khẳng định nếu Cty Ngọc Hưng vi phạm khi khai báo không đúng tên hàng, khối lượng hàng hóa nhập và xuất thì chỉ là vi phạm hành chính trong lĩnh vực HQ.

Các bị cáo và luật sư cũng khẳng định việc VKSND cấp cao quy kết Cty Ngọc Hưng làm giả và cung cấp không đúng sự thật các tài liệu…là không có căn cứ pháp lý. Bởi lẽ, họ khẳng định từ 2011 đến nay nhưng chưa có cơ quan nào khởi tố vụ án về tội “Làm giả tài liệu, con dấu cơ quan tổ chức”. Hơn nữa các loại giấy tờ đó đều không phải do Cty Ngọc Hưng tự làm ra mà do cơ quan có thẩm quyền ban hành, cung cấp. Chẳng hạn, Giấy CNKD thực vật do trạm kiểm dịch Lao Bảo cấp; Các hóa đơn vận tải đường bộ, phiếu đơn giá, vận đơn lý lịch gỗ do đối tác của Lào (bên xuất khẩu) cung cấp…

Vấn đề chủng loại và khối lượng gỗ: Trong khi doanh nghiệp khai nhập và xuất chỉ là 535,8m3 gỗ trắc thì Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật lại cho ra 2 kết quả khác nhau, thậm chí lên đến 614,663 m3 tức “đẻ” thêm gần trăm m3 gỗ. Đặc biệt là vật chứng đã bị bán, không còn để đo đạc và giám định lại nên đến nay rất khó để xác định hành vi khai báo sai khối lượng. Luật sư nêu nghi vấn về vi phạm trong giám định tư pháp mà cụ thể là Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật được trưng cầu giám định nhưng lại không hề có chức năng về giám định khối lượng gỗ. Cùng với đó là những vi phạm về bảo quản vật chứng mà cụ thể là 85 mẫu vật giám định hiện không rõ ở đâu, cơ quan nào giữ hay việc không lưu giữ bản ảnh giám định đúng theo quy định… cũng được nêu ra.

Vấn đề quy kết bị cáo đại diện Cty Ngọc Hưng không khai báo HQ khi làm thủ tục nhập, xuất khẩu 21,506 m3 gỗ giáng hương cũng như không ghi trong Hợp đồng mua bán. Các bị cáo và luật sư nêu khi nhập, xuất khẩu lô hàng, Cty Ngọc Hưng đều đã khai báo trên các Tờ khai HQ rằng lô gỗ có khối lượng là 535,8 m3 gỗ trắc.

Tại “Biên bản khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan” lập ngày 14/3/2012 của Chi cục HQ cảng Đà Nẵng thể hiện: Lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng có khối lượng là 453,104m3, trong đó gỗ trắc là 431,598m3, gỗ “nghi không phải gỗ trắc” hay “gỗ giáng hương” là 21,506m3.

Như vậy, số lượng gỗ khi bắt giữ còn thiếu so với khai báo của công ty là 82,696 m3. Điều này nghĩa là 21,506m3 gỗ nghi không phải gỗ trắc hoặc đó là gỗ giáng hương (nếu có) cũng đã được khai báo là gỗ trắc rồi. Trong bối cảnh việc nhập về và xuất đi ngay (tạm nhập, tái xuất), doanh nghiệp không phát hiện ra có gỗ giáng hương trong lô gỗ, đồng thời đã nộp thừa thuế cho Nhà nước (gỗ trắc có mức thuế cao hơn gỗ giáng hương). Do đó luật sư đề nghị HĐXX xem xét Công văn số 1237/C46-P10 ngày 31/7/2015 của PC46 để đánh giá vấn đề “không khai báo”.

Cùng với đó, các luật sư và bị cáo cũng nêu công văn của Tổng cục Hải quan hướng dẫn trường hợp chứng minh lô hàng gỗ xuất khẩu không có nguồn gốc từ lô hàng gỗ đã được nhập khẩu trước đó… thì bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng và tịch thu hàng hóa vi phạm. Như vậy nghĩa là, kể cả khi có căn cứ chứng minh 21,506m3 gỗ giáng hương có trong 535,8 m3 gỗ nhập khẩu nhưng không làm rõ đó là gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên trong nước thì cũng chỉ tịch thu và xử phạt tiền theo quy định. Kết quả điều tra thể hiện không có việc Cty Ngọc Hưng “bỏ thêm” gỗ trắc, gỗ giáng hương (từ rừng tự nhiên trong nước) vào lô hàng xuất khẩu.

Vấn đề rất được quan tâm tại phiên tòa là vật chứng của vụ án (lô gỗ) không còn đã ảnh hưởng lớn đến việc xác định trong đó có gỗ giáng hương không và nếu có thì khối lượng là bao nhiêu.

Huy Anh

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/phap-dinh/phien-toa-phuc-tham-vu-an-buon-lau-go-o-da-nang-nhieu-van-de-tung-duoc-bao-cong-ly-neu-306188.html