Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0

Sáng 6/12, phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 đã được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong nước và trên 30 điểm cầu lãnh sự quán, đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài và đại sứ quán các nước tại Việt Nam...

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung tâm hội nghị Quốc tế Hà Nội.

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm hội nghị Quốc tế Hà Nội có các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các đại biểu quốc tế...

Tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự, chủ trì.

Cùng dự có lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; lãnh đạo các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Công thương, Thông tin và Truyền thông; Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh.

Đây là sự kiện thường niên do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì cùng với sự tham gia phối hợp của nhiều bộ ngành liên quan. Với chủ đề "Phục hồi và phát triển Kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID- 19 và đẩy mạnh Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa trong Kỷ nguyên số", sự kiện hướng tới mục tiêu tập hợp ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế phục vụ xây dựng đề án "Chủ trương chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trình hội nghị Trung ương lần 6 vào tháng 10 năm 2022 theo phân công tại Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (Chương trình số 04-CTr/TW, ngày 15/3/2021); đồng thời, tham gia đề xuất, góp ý đối với định hướng khung chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội thời kỳ hậu dịch bệnh COVID-19.

Tại phiên Diễn đàn cấp cao, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung chính gồm: Khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với Chiến lược phòng, chống dịch COVID-19; Công nghiệp 4.0, xu hướng toàn cầu và bài học cho Việt Nam; Đổi mới sáng tạo - chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu COVID-19...

Trong khuôn khổ phiên Diễn đàn cấp cao đã diễn ra Tọa đàm cấp cao với sự tham gia trao đổi, thảo luận của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung vào 2 nhóm nội dung lớn: Thảo luận, đề xuất, góp ý hoàn thiện khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19;

Đề xuất, kiến nghị mô hình, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực châu Á.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban Kinh tế Trung ương; đánh giá cao phát biểu của các đại biểu trong và ngoài nước thể hiện tầm nhìn, hiểu biết, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với Việt Nam.

Đề cập diễn biến và những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với sự phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Việt Nam đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, tạo điều kiện tiền đề quan trọng cho giai đoạn phát triển mới.

Tuy có khó khăn nhưng chỉ là tạm thời; Việt Nam có ưu điểm là có sự ổn định chính trị, an ninh quốc phòng được giữ vững, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc rất cao, nhất là trong khó khăn. Do đó Việt Nam đủ khả năng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID- 19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, không chỉ Việt Nam mà thế giới đang phải đứng trước nhiều thách thức toàn cầu, do đó phải có cách tiếp cận toàn cầu; phải đoàn kết quốc tế, đoàn kết toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của sự phát triển.

Trong bối cảnh đặc biệt cần có cách nhìn, tầm nhìn, hành động, giải pháp đặc biệt. Thủ tướng cho biết thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam đang tập trung thực hiện hoàn thiện chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, xác định nội lực vẫn là cơ bản, ngoại lực là quan trọng và đột phá, Chính phủ sẽ nỗ lực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế, giữ vững được ổn định kinh tế cho giai đoạn phát triển mới...

Xem trên Youtube

Xuân Trường - Đức Lam - Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phien-toan-the-dien-dan-cap-cao-ve-cong-nghiep-4-0/d20211206090759251.htm