Phiêng Khoài mùa mận chín

Cuối tháng 5, trên các sườn đồi, thung lũng của xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, bắt gặp rất đông người dân khẩn trương thu hoạch mận. Những chuyến xe ngược xuôi nhộn nhịp chở mận đi tiêu thụ. Năm nay, mận được giá, nông dân phấn khởi.

Phiêng Khoài là địa phương có diện tích mận hậu lớn nhất của Yên Châu với trên 2.000 ha. Những ngày này, dọc các tuyến đường vào các bản: Thanh Yên, Hang Mon, Cồn Huốt, Kim Chung… là những hàng dài xe tải xếp hàng chờ mua mận.

Nông dân xã Phiêng Khoài thu hái mận.

Nông dân xã Phiêng Khoài thu hái mận.

Năm nay, việc tiêu thụ mận của xã thuận lợi hơn vì quốc lộ 6C được nâng cấp, mở rộng; cùng với đó, tuyến đường Chiềng Khoi - Phiêng Khoài vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng. Hiện nay, mỗi ngày, hằng trăm tấn mận hậu ở các xã được thu mua, chở đi cung cấp cho các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Mận hậu Phiêng Khoài được thu mua ngay tại vườn.

Mận hậu Phiêng Khoài được thu mua ngay tại vườn.

Vườn mận của gia đình chị Lê Thị Doan, bản Cồn Huốt, xã Phiêng Khoài, những ngày này nhộn nhịp người thu hoạch. Nhờ chăm sóc theo quy trình an toàn, mận của gia đình chị Doan được khách hàng, thương lái tin tưởng. Mỗi ngày, gia đình chị thu hơn 1 tấn mận, giá bán năm nay trung bình 17.000 - 25.000 đồng/kg, cao hơn mọi năm 5.000-7.000 đồng/kg; loại mận chọn có giá từ 40.000-50.000 đồng/kg.

Phấn khởi khi mận năm nay được giá, chị Doan chia sẻ: 3 ha mận của gia đình ứng dụng công nghệ cao vào quá trình chăm sóc, tuy năm nay thời tiết nắng hạn kéo dài đúng thời điểm mận ra hoa kết trái, nhưng nhờ chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật, thời điểm, kết hợp với việc sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, tự động tạo độ ẩm liên tục nên mận vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng quả.

Nông dân xã Phiêng Khoài thu hái mận.

Nông dân xã Phiêng Khoài thu hái mận.

Nhiều năm thu mua mận ở Sơn La để mang đi tiêu thụ tại thị trường các tỉnh, chị Vũ Thị Dung, tỉnh Hưng Yên, cho biết: Qua kinh nghiệm nhiều năm thu mua mận ở Sơn La, mận Phiêng Khoài được khách hàng ưa chuộng hơn hẳn, bởi màu sắc, độ ngọt. Mỗi tuần, tôi thu mua 2-4 chuyến, mỗi chuyến 5 tấn chuyển đi chợ đầu mối các tỉnh miền xuôi tiêu thụ.

Mận RUBY được lựa chọn hái cẩn thận từng quả.

Mận RUBY được lựa chọn hái cẩn thận từng quả.

3 năm trở lại đây, thương hiệu “Mận RUBY” của xã Phiêng Khoài được nhiều người biết đến, tiêu thụ tốt. Một trong những người tiên phong xây dựng thương hiệu này là chị Bùi Phương Thanh, Phó Giám đốc HTX nông sản bản địa Noọng Piêu. Sinh ra và lớn lên tại vùng đất có lợi thế về phát triển cây mận hậu, chị cùng gia đình duy trì trồng và mở rộng diện tích mận hậu; áp dụng phương pháp sản xuất an toàn tạo sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng.

Sản phẩm mận RUBY của HTX nông sản bản địa Noọng Piêu.

Sản phẩm mận RUBY của HTX nông sản bản địa Noọng Piêu.

Năm 2021, chị Thanh liên kết với các hộ dân trong vùng thành lập HTX nông sản bản địa Noọng Piêu. Đến nay, HTX có 11 thành viên, với tổng diện tích 50,5 ha mận hậu, trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP, bón phân hữu cơ, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, kết hợp kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, tỉa quả, nên chất lượng quả được đánh giá cao. Mỗi năm, HTX thu hoạch, tiêu thụ 250 tấn mận. Ngoài cung cấp cho các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch như: Aeon Mall, Home food, BigC Sài Gòn, các sàn thương mại điện tử của Viet post, Sendo… các thành viên HTX còn livestream tại vườn giới thiệu, bán hàng trên mạng xã hội: Facebook, zalo, tiktok shop.

Thành viên HTX nông sản bản địa Noọng Piêu livestream bán hàng trên nền tảng số.

Thành viên HTX nông sản bản địa Noọng Piêu livestream bán hàng trên nền tảng số.

Chị Bùi Phương Thanh, Phó Giám đốc HTX nông sản bản địa Noọng Piêu, chia sẻ: Điểm khác biệt của mận hậu Phiêng Khoài so với mận ở vùng khác là được trồng trên những dãy núi đá vôi cao trên 1.000 m, khí hậu quanh năm mát mẻ; điều này giúp quả mận giữ được vị ngọt tự nhiên, cùng với màu sắc đỏ rực và phấn trắng dày, không thể nhầm lẫn. Từ những gốc mận trước đây, HTX cắt tỉa cành, giảm số lượng quả để chăm sóc kỹ hơn về dinh dưỡng, tạo ra những quả mận chất lượng tốt. Ý tưởng xây dựng thương hiệu “Mận RUBY” hình thành từ đây.

Hiện nay, HTX nông sản bản địa Noọng Piêu có 30,5 ha được cấp mã vùng trồng chuyên sản xuất sản phẩm mận RUBY để cung cấp vào các siêu thị, trung tâm thương mại toàn quốc và là HTX đầu tiên của tỉnh xuất khẩu được quả mận RUBY sang thị trường một số nước EU như: Anh, Pháp, Đức, Cộng hòa Séc.

Đảm bảo chất lượng tươi ngon đến tay người tiêu dùng, mận RUBY được HTX tuyển chọn từ những vườn mận chăm sóc kỹ lưỡng nhất, cho trái to, ngon nhất từ những cây mận 15-20 năm tuổi; thu hái tỉ mỉ, quả phải giữ nguyên phấn, vừa chín tới, không bị dập, xước và được đóng gói ngay tại vườn, sau đó gửi đến các điểm bán ngay trong ngày bằng xe lạnh.

Mận RUBY được HTX chia thành 2 loại: RUBY SPECIAL (ruby đặc biệt), kích cỡ 14, 16 quả/kg, đường kính 5,5-7 cm/quả; còn mận RUBY khoảng 30 quả/kg, bán với giá 50.000 - 120.000 đồng/kg.

Mận Ruby chín mọng, phủ lớp phấn dày.

Mận Ruby chín mọng, phủ lớp phấn dày.

Chị Thanh chia sẻ thêm: Đây là năm thứ 3, HTX cho ra mắt sản phẩm mận RUBY cao cấp phục vụ làm quà biếu và xuất khẩu; cũng là sản phẩm đang xây dựng thành thương hiệu OCOP 4 sao của huyện, tỉnh, hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.

Mận hậu Phiêng Khoài vào vụ thu hoạch.

Mận hậu Phiêng Khoài vào vụ thu hoạch.

Cây mận hậu gắn bó với người nông dân ở Phiêng Khoài từ những năm 1990. Qua nhiều năm trồng, các hộ đã học tập kinh nghiệm từ nhiều địa phương khác, áp dụng kỹ thuật trong chiết, ghép, sản xuất an toàn, năng suất đạt 18-20 tấn/ha.

Thời điểm chính vụ, mỗi ngày, xã tiêu thụ khoảng 300 tấn mận hậu. Từ trồng mận, nhiều gia đình trong xã có thu nhập 300 triệu đồng, có hộ thu đến 2 tỷ đồng/vụ, góp phần nâng cao đời sống người dân thay đổi, bộ mặt nông thôn khởi sắc.

Các thương lái thu gom mận chở đi tiêu thụ.

Các thương lái thu gom mận chở đi tiêu thụ.

Ông Bùi Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài, cho biết: Được sự quan tâm của các cấp, ngành, mận hậu Phiêng Khoài đã được giới thiệu, xúc tiến tham gia các chương trình kết nối nông sản, được người tiêu dùng biết tới và dần có thương hiệu, nhất là xây dựng thành công thương hiệu “mận RUBY” được một số thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Năm nay, bên cạnh niềm vui tăng giá, cuối tháng 5, mận hậu Yên Châu được đưa vào chuỗi hệ thống siêu thị của Saigon Co.op. Dự kiến sang đầu tháng 6, sản phẩm mận Phiêng Khoài tiếp tục được lựa chọn đưa vào suất ăn tại các chuyến bay của Vietnam Airlines. Đây là cơ hội, đưa sản phẩm mận Phiêng Khoài mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chú trọng đầu tư chăm sóc, xây dựng sản phẩm có giá trị, tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm đã đưa thương hiệu mận hậu Phiêng Khoài vươn xa. Cùng với đó, việc tiêu thụ và giá cả ổn định giúp bà con trồng mận phấn khởi, yên tâm gắn bó với cây mận, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Thanh Huyền - Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te-video/phieng-khoai-mua-man-chin-JofvXIyIR.html