Phiếu đi chợ còn nhiều bất cập
TPHCM đang phát phiếu đi chợ cho dân nhằm giảm thiểu lượng người ra chợ, tránh tập trung đông người… Sau gần một tuần thực hiện, những bất cập từ phiếu đi chợ đã bộc lộ.
Nơi phát nơi không
Ngày 1/8, anh N. (ngụ phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TPHCM) phản ánh với báo Tiền Phong, cả trăm người ở hẻm 827 Tỉnh lộ 10 đã gần hết thực phẩm nhưng không có phiếu đi chợ. “Nơi này có nhiều dãy nhà trọ, tuy nhiên 2-3 phòng trọ mới được phát chung một phiếu (1 phiếu/tuần), vậy ai đi ai không? Chúng tôi đã liên hệ với công an khu vực, UBND phường, tổ trưởng tổ dân phố… nhưng vẫn không được phát thêm phiếu. Hiện nay, nhiều hộ đã cạn kiệt thực phẩm nhưng không có phiếu đi chợ để mua sắm”, anh N. nói.
Khu nhà trọ công nhân phường Linh Xuân, TP Thủ Đức cũng phản ánh việc địa phương không cấp đủ phiếu đi chợ. Cá biệt, có dãy phòng trọ 50 phòng nhưng chỉ được phát 1 phiếu. “Phải chăng hộ dân thường trú mới được phát phiếu, còn tạm trú thì không?”, một nữ công nhân hỏi. Chị Tâm (30 tuổi, lao động tự do, ngụ phường An Lạc, quận Bình Tân) than thở: “Nhà trọ chỗ tôi 3 phòng mới được phát chung 1 phiếu đi chợ 1 lần/tuần. Không biết ai đi ai không. Là lao động thất nghiệp, tiền không có nên chúng tôi không dám mua hàng ở siêu thị, chợ tự phát đã dẹp từ lâu nên cuộc sống càng thêm khó khăn”.
Trả lời PV Tiền Phong, ông Tô Hoàng Giang, Chủ tịch UBND phường An Lạc, quận Bình Tân, cho biết, đã nhận được phản ánh của người dân về việc thiếu phiếu đi chợ nên đang cho kiểm tra lại. “Số hộ trên địa bàn phường được ghi nhận có 24.000 hộ, nhưng chúng tôi đã in tới 50.000 phiếu. Không biết sao vẫn thiếu. Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất xe bán hàng lưu động vào khu dân cư để người dân thuận tiện mua sắm. Còn bây giờ, chủ nhà trọ hoặc người dân có thể hỗ trợ nhau bằng cách đi chợ giúp, đi chợ hộ”, ông Giang nói.
Trong khu phong tỏa, các địa phương phải chịu trách nhiệm thông tin đến người dân về việc mua thực phẩm thiết yếu tại siêu thị, chợ với tần suất 2 lần/tuần.
Có phiếu cũng khó mua
Siêu thị gần nhà hết thực phẩm cần thiết, siêu thị bên đường còn hàng nhưng khác quận khiến người có phiếu đi chợ cũng “bó tay”. Trưa 1/8, chị Thùy Dương (ngụ phường An Lạc, quận Bình Tân) đến siêu thị Co.op Food gần nhà mua thực phẩm. Tuy nhiên, do Vissan đã ngưng cung cấp thịt heo cho nhiều hệ thống siêu thị nhiều ngày qua (sau khi Vissan phát hiện có nhiều ca mắc COVID-19 trong công ty), Co.op Food An Lạc không có thịt để bán. “Do cần mua thịt, tôi cầm phiếu đi chợ đến cửa hàng San Hà gần đó nhưng thịt đã hết từ sớm. Tôi đem phiếu đến Bách Hóa Xanh ngoài đầu đường nhưng lại thuộc phường 16, quận 8, trong khi phiếu của tôi là phường An Lạc nên tôi không thể vào mua sắm. Thật không biết làm thế nào”, chị kể.
Tại chợ Bình Thới, quận 11, từ khi đơn vị này tạm ngưng hoạt động do COVID-19, mỗi ngày thường có xe bán hàng lưu động đến trước chợ để phục vụ người dân. Tuy nhiên, muốn vào, khách hàng phải trình thẻ đi chợ; thẻ phải đúng phường, đúng ngày. “Tôi được tổ trưởng phát phiếu đi chợ và dặn cứ cầm theo sẽ được mua hàng. Tuy nhiên, khi tôi trình giấy cho người giữ chốt trước chợ Bình Thới thì họ cho biết chỉ có người phường 10 mới được vào, còn tôi phường 9 thì đến phường 9 để mua. Thật sự nơi gần thì mình không được vào, còn chợ phường 9 ở đâu thì không biết”, bà Lâm (55 tuổi, ngụ đường Hàn Hải Nguyên) nói.
Chị Linh (ngụ quận 3) chạy lòng vòng 5-7 nơi vẫn chưa được vào mua sắm. Sáng 1/8, chị có mặt tại Co.op Mart Nhiêu Lộc đã thấy dòng người xếp hàng dài cả trăm mét. Không chờ nổi, chị vòng qua Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu, sau gần 30 phút xếp hàng, chị trình phiếu đi chợ nhưng nhân viên siêu thị giải thích, phường Võ Thị Sáu đi vào ngày chẵn, trong khi hôm nay (1/8) là ngày lẻ. Ngán ngẩm, chị tìm được một cửa hàng Bách Hóa Xanh, sau khi được vào mua sắm thì không còn rau, thịt định mua.
Ghi nhận tại nhiều siêu thị như Satra, Bách Hóa Xanh, Co.op Mart, Co.op Food, MM Mega Market… từ ngày 28/7 đến nay đều đông khách, nhiều mặt hàng thịt, rau xanh hết từ rất sớm. Theo MM Mega Market Việt Nam, khách hàng tranh thủ mua nhiều thực phẩm khiến nhiều mặt hàng thiếu cục bộ. Dù có quy định đóng cửa lúc 17h30 nhưng từ 15h30, siêu thị này đã phải tạm ngưng tiếp nhận khách.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, dù Sở đã hướng dẫn thực hiện phân chia suất đi chợ của người dân bằng thẻ ra vào chợ, nhưng các quận, huyện thực hiện chưa đồng bộ. Sở Công Thương TPHCM đã hướng dẫn thực hiện phiếu mua hàng thiết yếu, đồng thời nghiên cứu tích hợp mã QR trên phiếu để phục vụ khai báo y tế đối với khách hàng, người ra vào các điểm bán. “Cần có phương án phân bổ tần suất, địa điểm đi chợ, đi siêu thị của người dân trên địa bàn thuận lợi, thuận tiện đi lại, mua sắm. Phân chia tần suất đến các điểm bán thông qua việc phát phiếu mua hàng thiết yếu cách 2-3 ngày/lần”, ông Phương nói.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phieu-di-cho-con-nhieu-bat-cap-post1361529.tpo