Hầu đồng là nghệ thuật múa trong văn hóa thờ Mẫu. Bên cạnh trung tâm là Mẫu còn có các thần linh hóa thân của Mẫu, như: Ngũ vị tôn ông, Tứ phủ chầu bà, Tứ phủ quan hoàn, Cô, Cậu…
Họa sĩ Trần Tuấn Long đã lưu giữ những cảm xúc mong manh đó thành các tác phẩm hội họa, trên chất liệu sơn mài truyền thống để người xem cóthể cảm nhận hết các cung bậc linh thiêng của tín ngưỡng và hội họa.
Triển lãm "Vân du" của anh, đang diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Thành Đông Babeeni - đường Trường Chinh (Tân Bình, TP Hải Dương), trưng bày hơn 20 tác phẩm sơn mài khổ lớn.
Một nửa là các tranh từng trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được họa sĩ lưu lại như một sưu tập quý của mình.
Một nửa là các sáng tác mới nhất đầy kịch tính, trong đó có 3 bức phong cảnh tại nơi những phủ đền thường diễn ra những lễ hầu đồng
Ngôi miếu thiêng ở thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), nơi quê hương của họa sĩ, cũng là nơi diễn ra những mạch cảm xúc đầu tiên.
Đây là triển lãm hướng tới đông đảo công chúng, nhưng cũng là dịp kỷ niệm 25 năm họa sĩ vẽ bức sơn mài đầu tiên về thế giới lên đồng của người Việt.
Đồng thời kỷ niệm 6 năm ngày họa sĩ khai mạc triển lãm “Giá thánh” – triển lãm đầu tiên trên cả nước về đạo Mẫu bằng sơn mài ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Các bức tranh về đạo Mẫu của Trần Tuấn Long hướng tới nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đông đảo người dân.
Tranh ghi lại các giá đồng trong không gian linh thiêng của nơi thờ tự với màu sắc huyền ảo.
Họa sĩ Trần Tuấn Long sinh năm 1967 tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hiện là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam
Anh từng tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước từ năm 1997 đến nay.
Họa sĩ từng giành nhiều giải thưởng như Giải thưởng mỹ thuật Việt Nam-ASEAN năm 2003, các giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội, giải thưởng triển lãm mỹ thuật Việt Nam…
Bộ tranh sơn mài về đạo Mẫu của họa sĩ Trần Tuấn Long được đánh giá thành công nhất ở 3 điểm.
Đó là tính dân tộc thể hiện trong tác phẩm về một tín ngưỡng duy nhất của Việt Nam bằng chất liệu sơn ta đặc trưng.
Hình khối, bố cục từng bức vừa có sự khoa học, hiện đại của nghệ thuật phương Tây, vừa kết hợp với chi tiết chắt lọc từ tranh thờ cổ truyền.
Tập hợp thể tạng, thần thái, phông nền tạo hình đều hiện ra đậm đà bản sắc, vừa sang trọng, vừa hướng tới nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đông đảo người dân.
Xem tranh của Trần Tuấn Long, du khách như được du hành vào thế giới tâm linh của 36 giá đồng, biểu đạt ngồn ngồn theo những gam màu phi diệu. Và chính anh cũng như đang… lên đồng.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 8/4.