Phiếu tín nhiệm thấp và niềm tin giáo dục

'Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội đối với người đứng đầu ngành giáo dục phản ánh sự không hài lòng, thiếu tín nhiệm của nhân dân về ngành', GS.TSKH Phạm Tất Dong nói.

Theo kết quả tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn được công bố chiều 25/10, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có 140 phiếu tín nhiệm cao, 194 tín nhiệm và 137 phiếu tín nhiệm thấp. Người đứng đầu ngành giáo dục nhận được nhiều phiếu "tín nhiệm thấp" nhất.

Theo một số chuyên gia giáo dục, gian lận thi cử kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La; sách giáo khoa lãng phí hàng nghìn tỷ đồng và nhiều vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết... là những vấn đề "nóng" khiến đại biểu Quốc hội và xã hội giảm niềm tin vào giáo dục.

Ảnh hưởng niềm tin giáo dục

Trao đổi với Zing.vn ngay sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, nói thời gian qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có những cố gắng nhất định. Là người từng làm công tác quản lý giáo dục nhiều năm, ông Nhĩ cho rằng giáo dục là lĩnh vực gần gũi người dân nhất, ảnh hưởng trực tiếp từng cá nhân, gia đình, nên "rất khó làm".

“Hiện nay, chỉ riêng cấp phổ thông, chúng ta có hơn 20 triệu học sinh, nhà nhà đều có người đi học. Vì vậy, quyết sách, chỉ thị của Bộ trưởng GD&ĐT đưa ra thỏa mãn được tất cả người dân rất khó. Ví dụ, giải quyết nạn dạy thêm, học thêm là vấn đề cũ, nhưng không hề đơn giản”, PGS Nhĩ nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề đã tồn tại lâu năm, khó tháo gỡ, như sách giáo khoa, biên chế giáo dục... Đó là bài toán không đơn giản cho người tại nhiệm.

Kết quả phiếu tín nhiệm của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Kết quả phiếu tín nhiệm của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Tuy nhiên, nguyên thứ trưởng GD&ĐT khẳng định số phiếu tín nhiệm thấp của Quốc hội dành cho tư lệnh ngành giáo dục cho thấy rất nhiều vấn đề ngổn ngang cần giải quyết và nó đang ảnh hưởng niềm tin xã hội. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần nhìn nhận thẳng thắn việc này để rút kinh nghiệm và hành động.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho rằng đợt lấy phiếu này không chỉ là "thuốc thử" đối với cá nhân bộ trưởng, mà phản ánh đánh giá đối với toàn ngành.

TS Vinh cho rằng một số vấn đề ảnh hưởng lớn tới uy tín của ngành như tiêu cực thi THPT quốc gia 2018, đề án đổi mới thi THPT quốc gia đưa ra lại rút và một số tuyên bố chưa “chín” của lãnh đạo ngành.

“Những vụ việc này nhắc nhở ngành cần thận trọng hơn trong các tuyên bố, nghiên cứu bài bản hơn trước khi đưa ra quyết định”, ông Vinh nói.

Cũng theo TS Vinh, kết quả lấy phiếu cho thấy lòng tin vào giáo dục đang bị ảnh hưởng. Bằng mọi cách, bộ phải cố gắng lấy lại lòng tin, trước hết là chương trình sách giáo khoa sắp tới, Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học. Người dân chờ đợi vào giải pháp, hành động cụ thể.

Tuy nhiên, một mình bộ trưởng không thể làm được. Thay vào đó, toàn ngành cần chung tay, từ giáo viên đến lãnh đạo các cấp, cùng bộ trưởng lấy lại lòng tin xã hội.

TSKH Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho biết ông không bất ngờ trước kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

“Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội đối với người đứng đầu ngành giáo dục phản ánh sự không hài lòng, thiếu tín nhiệm của nhân dân, xã hội về ngành. Quả thực, thời gian qua, ngành giáo dục đã để xảy ra nhiều vấn đề khủng hoảng gây mất niềm tin trong nhân dân”, ông Dong nói.

Theo ông Dong, Bộ GD&ĐT thiếu nhạy bén, chậm vào cuộc trong nhiều vấn đề nổi cộm của ngành. Đa số vấn đề lớn như gian lận thi cử THPT 2018, độc quyền sách giáo khoa… đều do dư luận phản ánh trước, sau đó bộ mới tìm hiểu và giải quyết.

Ngoài ra, những vấn đề như chương trình giáo dục phổ thông mới không ổn hay việc lạm thu, thu phí sai trái trong các trường học, Bộ GD&ĐT chưa xử lý triệt để, không có biện pháp giải quyết rốt ráo, khiến người dân không hài lòng.

Lắng nghe và hành động quyết liệt

Theo Phó chủ tịch hội khuyến học Việt Nam, thời gian tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần quyết liệt trong nhiều vấn đề của ngành. Muốn có được những quyết sách đúng đắn, trước tiên, bộ trưởng cần lắng nghe phân tích, lời khuyên của các chuyên gia.

Thời gian qua, ngành giáo dục để xảy ra nhiều vấn đề khủng hoảng, gây mất niềm tin trong nhân dân.

GS.TSKH Phạm Tất Dong

Mặt khác, ông Dong cũng cho rằng thời gian qua, vai trò của các thứ trưởng giáo dục không rõ nét, không chia sẻ được gánh nặng một cách hiệu quả với bộ trưởng. Do đó, ngành giáo dục cũng phải tăng cường vai trò của các thứ trưởng để giải quyết được nhiều vấn đề của ngành.

Theo TS Vũ Thu Hương, người từng nhiều năm công tác tại ĐH Sư phạm Hà Nội, số lượng quyết định, nghị định, luật, thông tư ban hành trong thời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhiều hơn các thời bộ trưởng khác. Riêng trong năm 2018, Bộ GD&ĐT ban hành 128 thông tư, nghị định, thông báo.

Dù đánh giá bộ trưởng nhiệt tình, năng nổ, bà Hương cho rằng ông Phùng Xuân Nhạ có nhiều nghị định, quyết định chưa phù hợp.

Đơn cử, ngày 24/9, bộ này có chỉ thị 3798/CT-BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong cơ sở giáo dục phổ thông. Chỉ thị này yêu cầu giáo viên không cho phép học sinh được viết vẽ vào sách giáo khoa, dẫn đến những khó khăn rất lớn với giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học. Sau đó, Bộ GD&ĐT lại khẳng định không cấm học sinh viết vào sách giáo khoa.

Hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục tiểu học, TS Vũ Thu Hương nhận thấy bộ trưởng chưa khắc phục được các vấn đề tồn đọng trong ngành giáo dục như sĩ số học sinh quá tải, đặc biệt là với "thế hệ vàng" đầu cấp; tình trạng xuống cấp của đạo đức học đường... Bộ trưởng cũng đã nhận trách nhiệm về hàng loạt gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết ông xem kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để cố gắng hơn nữa. Ảnh: Hoàng Hà.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết ông xem kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để cố gắng hơn nữa. Ảnh: Hoàng Hà.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng để thay đổi tình hình, Bộ trưởng GD&ĐT nên gần gũi với người dân hơn và lắng nghe thêm ý kiến của chuyên gia, các tổ chức giáo dục.

Theo ông Nhĩ, thời gian tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần giải quyết tốt nhất Nghị quyết 29, làm thế nào để giáo dục Việt Nam liên thông với thế giới.

Hết THCS, học sinh sẽ được đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng, số học sinh đi học để trở thành người nghiên cứu sau này chỉ chiếm một bộ phận, còn lại là học nghề để thiết thực hơn với cuộc sống.

Hiện tại, dư luận băn khoăn về chương trình học của Việt Nam nặng nề, thiếu thực hành, kém liên thông, không tiếp nhận được chương trình quốc tế.

Nhóm phóng viên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phieu-tin-nhiem-thap-va-niem-tin-giao-duc-post887195.html