Philipp Plein bị ném đá vì lợi dụng cái chết của Kobe Bryant để bán đồ
Những chiếc áo Jersey theo kiểu đội bóng Lakers, in số 24 lấy cảm hứng từ đồng phục bóng rổ của Kobe Bryant hiện được bán với giá 2.070 USD.
Philipp Plein đang đối mặt với phản ứng dữ dội của dư luận sau buổi trình diễn bộ sưu tập Thu - Đông 2020 tưởng nhớ về huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant. Nhiều người lên tiếng chỉ trích về việc nhà thiết kế (NTK) người Đức sử dụng sự ra đi của Kobe để đánh bóng tên tuổi, cũng như thu lợi nhuận từ các sản phẩm thời trang ăn theo.
Cụ thể, các người mẫu xuất hiện trên sàn diễn trong thiết kế áo Jersey, hoodie đính kết pha lê Swaroski cùng chữ số 24 lấy cảm hứng từ đồng phục thể thao của Kobe Bryant. Ngoài ra, chữ Plein còn được in phía trên cùng nhằm đánh dấu các sản phẩm này của anh mà không hề có bất cứ động thái gì để chứng tỏ sự tôn vinh dành cho huyền thoại bóng rổ.
Không chỉ thế, điểm khiến không ít người bất bình còn đến từ việc thương hiệu sắp đặt chiếc trực thăng ở trên sân khấu, gợi nhớ người xem đến cái chết đau thương của Kobe Bryant.
Theo chia sẻ của tờ Highsnobiety, thông thường các bộ sưu tập sẽ được trình diễn trước nửa năm, sau đó được bày bán vào mùa mốt sau. Tuy nhiên, Philipp Plein lại mở bán mẫu áo Jersey và Hoodie lấy cảm hứng đồng phục thể thao của Kobe Bryant ngay khi kết thúc show diễn với mức giá đắt đỏ 2.070 USD, 3.150 USD.
Không chỉ thế, NTK người Đức còn chưa đưa ra bất kỳ thông tin nào về việc số tiền lãi khi bán các sản phẩm có được đóng góp hay hỗ trợ cho đội bóng rổ Los Angeles Lakers.
Người hậm mộ cũng thể hiện sự bất bình trong các bài đăng trên Twitter: "Nếu muốn tôn vinh huyền thoại bóng rổ, tại sao Philipp Plein lại in tên của mình trên sản phẩm thay vì Kobe Bryant?".
Tài khoản Bliss Foster bức xúc: "Tôn vinh Kobe mà lại nhanh chóng bán sản phẩm với giá đắt đỏ sau khi trình diễn. Phải chăng đó chỉ là chiêu thức để Philipp Plein đánh bóng tên tuổi?".
Ngoài Philipp Plein, không ít người đã lợi dụng sự ra đi của Kobe Bryant để đẩy giá các dòng giày gắn với tên anh lên cao nhằm thu lợi nhuận khủng.
Điển hình, đôi adidas EQT Elevation mà Kobe mang tại Slam Dunk Contest 1997 từng được bán với giá 170 USD. Sau khi huyền thoại bóng rổ qua đời, giá trị của đôi giày này bị độn lên tới 1.000 USD. Mẫu Nike Kobe 4 Protro và một số mẫu sneakers khác cũng có hiện tượng tương tự.
Một số dân mạng bày tỏ việc bán lại giày mang tên Kobe với giá trên trời để thu lợi nhuận là sai hoàn toàn.
Trang web bán giày nổi tiếng RIF LA quyết định gỡ toàn bộ sneakers mang tên Kobe Bryant và sẵn sàng hoàn tiền cho các đơn hàng đã thanh toán.
Jaysse Lopez - chủ một shop giày có tiếng - đồng quan điểm. Anh cho rằng mọi người không nên "thổi phồng" giá nhằm tôn trọng di sản của người khuất và gia đình anh ấy.