Philippe Troussier: Tuyển Nhật Bản đã đùa với lửa
'Không cần nhìn đâu xa, Nhật Bản là hình mẫu lý tưởng để tuyển Việt Nam học hỏi và hướng tới', đó là quan điểm của 'Phù thủy trắng' Troussier ở trận thua 0-1 của thầy trò ông Park.
Nhận lời bình luận của Zing, cựu HLV tuyển Nhật Bản, ông Philippe Troussier đánh giá màn thể hiện của hai đội Việt Nam và Nhật Bản ở loạt trận thứ 5 vòng loại thứ ba World Cup 2022 diễn ra vào tối 11/11 trên sân Mỹ Đình.
Tập thể tốt sẽ hạn chế sai lầm cá nhân
Như tôi đã đề cập trước trận đấu, để tạo ra khó khăn và bất ngờ cho tuyển Nhật Bản, đội Việt Nam cần bắt đầu trận đấu với cách tiếp cận chủ động. Sự thật là, chủ nhà đã có 45 phút đầu tiên chơi không tồi. Các cầu thủ nhập cuộc với sự tự tin, trong khi đó, tôi cảm nhận phía Nhật Bản chưa thực sự "nóng máy" và không có đủ thời gian để tập luyện, gắn kết lối chơi tập thể. Họ chơi rời rạc khoảng 15 phút đầu trận và mắc nhiều đường chuyền lỗi.
Cầu thủ Việt Nam dường như cảm nhận được sự lúng túng của đối thủ. Họ quyết tâm hơn trong việc đẩy cao đội hình. Đội khách thường xuyên bị cô lập và bị ép ra không gian hẹp gần biên vì hệ thống áp sát tốt của Việt Nam. Từ đó, họ phải dựa vào các pha bóng dài vượt tuyến hoặc phá bổng không định hướng để giải vây.
Tuy nhiên, đẩy cao đội hình là con dao hai lưỡi. Nó cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đối đầu với những cầu thủ kỹ thuật tốt của Nhật Bản, hệ thống tạo áp lực của Việt Nam cần sự đồng bộ để đảm bảo khoảng trống luôn được khỏa lấp và quán xuyến tốt. Hai pha bóng nguy hiểm nhất mà Nhật Bản tạo ra trong hiệp 1 (bàn thắng và tình huống không được công nhận) đều đến từ những pha chuyển đổi trạng thái mà họ thoát ra được áp lực gần bóng của tiền vệ Việt Nam. Trong khi đó, các hậu vệ thiếu sự phản ứng cần thiết để đưa ra quyết định phòng ngự hợp lý.
Ở bàn thắng thứ nhất, có thể đánh giá hậu vệ biên Nguyễn Phong Hồng Duy mắc lỗi cá nhân khi không thể theo kèm Junya Ito. Nhưng ở phía trong, trung vệ lệch trái Bùi Tiến Dũng có trách nhiệm quan trọng là bao quát không gian và phán đoán tình huống. Trong khi đó, nguyên nhân dẫn tới tình huống dứt điểm thứ hai của Ito cũng tương đồng. Sau đường chuyền lỗi, áp lực tức thời lên bóng cần được thực hiện ngay.
Nếu Việt Nam không thể kiềm tỏa bóng trong khu vực tầm cao với số đông, thì cầu thủ sẽ lập tức bị đặt vào trạng thái phải thể hiện khả năng cá nhân. Như tôi đã nói, năng lực của cầu thủ Việt Nam khi đặt cạnh những đội tuyển hàng đầu châu Á không có cách biệt quá xa. Khoảng cách chỉ bắt đầu xuất hiện từ chênh lệch về cơ hội thi đấu đỉnh cao.
Trước một đối thủ như Nhật Bản, nếu không thể hạn chế những tình huống đối đầu cá nhân như vậy, sự hiệu quả và kinh nghiệm cá nhân của đối phương sẽ khiến Việt Nam thất thế. Vì lẽ đó, đấu pháp và đồng bộ tập thể, đối với tôi, luôn là yếu tố tiên quyết. Vận hành tập thể tốt, bạn sẽ hạn chế sai lầm con người.
Bất chấp thực tế là các bạn đã chủ động gây khó khăn hơn lên đối thủ ở thời điểm không bóng, tuyển Việt Nam hiện tại vẫn cần làm việc nhiều hơn nhằm cải thiện khả năng chơi bóng. Khi nhìn lại, cả hai tình huống nguy hiểm Nhật Bản tạo ra trong hiệp 1 mà chúng ta nhắc tới, đều đến từ hệ quả của việc Việt Nam không thể duy trì quyền kiểm soát. Rốt cuộc, họ để mất bóng và dẫn tới phản công. Đối với tôi, kiểm soát bóng tốt là phương án phòng ngự tốt nhất.
Nếu tuyển Việt Nam muốn ghi bàn hay hướng tới cách tiếp cận tích cực thì chất lượng chơi bóng cần sự phối hợp tốt hơn. Bóng đá là môn thể thao giành chiến thắng bởi ba động tác đơn thuần: Chuyền bóng, nhận bóng và di chuyển. Đấu pháp của Nhật Bản không có gì đặc biệt, họ chỉ đơn giản làm thật tốt những yêu cầu trên. Tôi nghĩ Việt Nam không cần nhìn đâu xa, Nhật Bản là hình mẫu lý tưởng để học hỏi và hướng tới.
Điểm sáng Hidemasa Morita
Về phía đội Nhật Bản, tôi thấy sau những lúng túng trong 15 phút đầu tiên, họ dần lấy lại thế trận. Họ trở về với hình ảnh quen thuộc, sử dụng những pha phối hợp chuyền bóng đập nhả tự tin, bất chấp áp lực chủ động từ phía Việt Nam vẫn được duy trì liên tục. Ngoài Junya Ito để lại ấn tượng với bàn thắng và sự đột biến cá nhân, tôi đặc biệt ấn tượng với cầu thủ số 13 Hidemasa Morita.
Tôi biết Morita khởi đầu sự nghiệp từ vị trí hậu vệ. Anh ta thường chơi lệch biên phải. Dẫu vậy trong những năm gần đây, khi tiến lên chuyên nghiệp, Morita đã hoàn thiện bản thân hơn và chiếm lĩnh vị trí đá chính trong đội hình CLB Kawasaki Frontale vô địch J1 League. Khi trao đổi với HLV của CLB Kawasaki, tôi nhận được những phản hồi tích cực về cá nhân Morita. Tinh thần nỗ lực và cầu tiến của cậu ấy luôn ở mức hàng đầu.
Từ một cầu thủ phòng ngự thuần túy, Morita trở nên toàn năng hơn với bóng. Chúng ta có thể quan sát khá thường xuyên những tình huống xử lý gọn gàng của Morita trong phạm vi hẹp để thoát pressing. Bên cạnh đó, anh ta còn có sự xông xáo, sẵn sàng lao lên tham gia kết thúc tình huống tấn công trong vòng cấm.
Khoảng một năm trước, tôi đã giới thiệu Morita cho một CLB Ligue 1, nhưng cậu ấy chọn Bồ Đào Nha. Không sao cả, tôi tin chắc rằng môi trường kỹ thuật ở đó sẽ giúp cầu thủ sinh năm 1995 trưởng thành hơn.
Ngoài ra, tôi không còn quan sát được nhiều điểm ấn tượng từ khía cạnh tập thể lẫn cá nhân của Nhật Bản. Phần lớn cầu thủ Nhật Bản hiện nay chơi bóng tại châu Âu rõ ràng là bước tiến lớn của cả nền bóng đá. Thế nhưng, thời gian tập trung ngắn và quãng đường di chuyển dài đã ảnh hưởng tới tính gắn kết tập thể và thể trạng cá nhân của cầu thủ Nhật Bản.
Tuy vậy, trong hoàn cảnh Việt Nam tiếp cận chủ động hơn, Nhật Bản đã đùa với lửa. Cách biệt một bàn là thực sự mong manh, bất chấp sự kiểm soát gần như toàn diện trong hiệp 2. Hãy thử tưởng tượng, Việt Nam tận dụng được một cơ hội hiếm hoi và gỡ hòa, Nhật Bản khi đó sẽ đối diện với muôn vàn khó khăn.
Rõ ràng, cá tính và sự bùng nổ vẫn là yếu tố mà tuyển Nhật Bản đang thiếu để vươn lên đẳng cấp cao hơn. Chúng ta thấy được đột biến từ Ito đã thay đổi cục diện trận đấu thế nào. Nhật Bản cần nhiều những cá nhân sở hữu phẩm chất đó hơn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/philippe-troussier-tuyen-nhat-ban-da-dua-voi-lua-post1276963.html