Philippines để ngỏ khả năng mở căn cứ quân sự cho Nhật Bản
Ngày 12/2, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr cho biết, ông không thấy lý do gì mà Philippines không thể ký thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) với Nhật, nếu điều này giúp tăng cường an ninh trên biển và bảo vệ tốt hơn cho các ngư dân Philippines.
Tuy nhiên, ông Marcos cũng nói với báo chí rằng ông sẽ thận trọng với việc theo đuổi VFA với Tokyo, “vì chúng tôi không muốn bị cho là khiêu khích”.
Chuyến thăm đầu tiên của ông Marcos đến Nhật Bản diễn ra sau khi Philippines cho phép Mỹ sử dụng thêm căn cứ quân sự theo VFA hai nước đã ký. Trung Quốc nói rằng bước đi này làm suy yếu ổn định khu vực và gia tăng căng thẳng. VFA cho phép Mỹ luân chuyển hàng ngàn binh lính đến Philippines mỗi năm để diễn tập.
“Nếu nó giúp Philippines được bảo vệ tốt hơn, bảo vệ các ngư dân và chủ quyền trên biển của chúng tôi tốt hơn, tôi không thấy lý do gì để không chấp nhận thỏa thuận như vậy”, ông Marcos nói với báo chí sau khi trở về từ chuyến thăm Nhật.
Ông Marcos thăm Nhật Bản trong 5 ngày, nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh giữa hai quốc gia.
Trong dịp này, Tổng thống Marcos và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida ký một thỏa thuận để cho phép lực lượng vũ trang hai nước phối hợp với nhau trong cứu trợ thảm họa. Thỏa thuận được coi là một bước tiến tới khuôn khổ rộng hơn để cho phép hai bên đưa lực lượng đến lãnh thổ của nhau.
“Tôi luôn nghĩ về sự cần thiết phải bảo vệ các ngư dân. Chúng tôi cần phải thể hiện rõ ràng rằng chúng tôi đang tuần tra trên vùng biển của mình và bảo đảm chủ quyền trên biển của chúng tôi được công nhận rõ ràng”, ông Marcos nói.
Philippines ký VFA với Mỹ, còn Tokyo đã có VFA với Úc và Anh, đồng thời là nơi đóng quân lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài.
Nhật Bản tập trận chung với Mỹ và Philippines gần đây nhất vào tháng 10 năm ngoái.
Thủ tướng Kishida cho biết, Philippines và Nhật Bản đã đồng ý thiết lập một khuôn khổ để “tăng cường và tạo điều kiện cho quá trình tổ chức hoạt động diễn tập chung”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Nikkei ngày 12/2, ông Marcos nói rằng Philippines có thể bị kéo vào một cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan, vì Philippines nằm gần hòn đảo thuộc Trung Quốc này.
“Khi nhìn vào tình hình khu vực, nhất là căng thẳng ở eo biển Đài Loan, chúng ta có thể thấy rằng chỉ vì vị trí địa lý mà nếu có xung đột ở đó, sẽ rất khó tưởng tượng Philippines sẽ không bị cuốn vào”, ông Marcos nói.