Philippines tiêm 9 triệu liều vắc xin trong 3 ngày để đối phó Omicron
Trước nguy cơ lây lan nhanh chóng của biến chủng mới Omicron, nhiều nước châu Âu đã ban hành lệnh cấm đi lại hoặc tăng cường kiểm soát nhập cảnh đối với các nước châu Phi, trong khi Israel và Nhật Bản liên tiếp tuyên bố 'đóng cửa quốc gia'. Trước tình hình phòng, chống dịch bệnh khốc liệt, Philippines không thể ngồi yên.
Mục tiêu tiêm chủng 9 triệu liều trong 3 ngày
Theo Reuters, Philippines - quốc gia có tỷ lệ hoàn thành tiêm chủng chỉ đạt 40%, đã phát động chiến dịch "Tiêm chủng đột phá" vào hôm nay 29-11, dự kiến sẽ hoàn thành tiêm chủng 9 triệu liều trong vòng ba ngày (29-11 đến 1-12). Theo đó chính phủ Philippines đã cử lực lượng an ninh và 160.000 tình nguyện viên tới 11.000 địa điểm tiêm vắc xin cả nước để đảm bảo kế hoạch được thực hiện suôn sẻ.
Người đứng đầu Lực lượng Đặc trách chống Covid-19 của Chính phủ Philippines, ông Czar Carlito Galvez Jr tin rằng “Philippines đã chuẩn bị tốt cho làn sóng bùng phát dịch mới của biến thể Omicron".
Mục tiêu khó nhằn
Tuy nhiên, Reuters cho rằng kế hoạch này rất khó hoàn thành, bởi Philippines tiêm được 829.000 liều vắc xin mỗi ngày trong tháng 11, và mục tiêu của chiến dịch "Tiêm chủng đột phá" này sẽ là 3 triệu liều mỗi ngày, gấp khoảng 4 lần so với khối lượng tiêm chủng trước đó.
Về hỗ trợ hậu cần: Trong thời gian ngắn như vậy, cần phải tiêm phòng trên diện rộng, và Philippines cũng gặp nhiều thách thức về hỗ trợ hậu cần. Hãng thông tấn Philippines (PNA) ngày 27-11 thông báo Lực lượng đặc nhiệm phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ Philippines và Trung tâm hành động Tiêm chủng Quốc gia (NVOC) Philippines đã điều chỉnh mục tiêu ban đầu là "15 triệu liều trong vòng ba ngày" xuống còn 9 triệu liều hiện nay.
Theo các báo cáo, nguyên nhân chính của việc điều chỉnh chỉ tiêu là do thiếu hụt nguồn cung cấp phụ trợ y tế, đặc biệt là nguồn cung cấp bơm kim tiêm vắc xin Pfizer. Hiện tại, việc giao ống tiêm và các vật tư y tế khác được sử dụng đặc biệt để tiêm chủng vắc xin Pfizer do Philippines mua thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) đã bị trì hoãn.
Sau chiến dịch "Tiêm chủng đột phá" này, dự kiến từ ngày 15 đến 17-12, chính phủ Philippines sẽ một lần nữa thực hiện kế hoạch tiêm chủng tập trung kéo dài 3 ngày.
PNA đưa tin, mục tiêu của Philippines là hoàn thành tiêm chủng cho 54 triệu người vào cuối năm nay và đến tháng 3 năm sau, con số này dự kiến sẽ tăng lên 77 triệu người. Tờ “Lianhe Zaobao” của Singapore ngày 28-11 cũng cho biết vào rằng các quan chức chính phủ Philippines cho biết nước này sẽ mua thêm 20 triệu liều vắc xin Pfizer trong nỗ lực tiêm chủng cho 90 triệu người vào giữa năm 2022.
Ngoài ra, Reuters dẫn số liệu của chính phủ Philippines cho biết tỷ lệ tiêm chủng giữa các vùng khác nhau trên cả nước vẫn không đồng đều. Tính đến giữa tháng 11, 93% người dân ở thủ đô Manila đã hoàn thành tất cả các mũi tiêm, trong khi tại các khu định cư chính của người Hồi giáo ở phía nam đất nước, con số này chỉ là 10,9%.
Trước đó, Chính phủ Philippines đã nới lỏng các biện pháp hạn chế trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm và tỉ lệ tiêm chủng trên toàn quốc tăng.
Tuy nhiên, ngày 28-11, Philippines đã siết chặt hơn nữa kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn biến thể Omicron và bổ sung thêm 7 quốc gia châu Âu vào "danh sách đỏ", gồm Áo, CH Séc, Hungary, Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ và Italy, theo đó cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ những quốc gia này. Trước đó, Philippines đã cấm nhập cảnh đối với các du khách đến từ Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Eswatini và Mozambique. Theo báo cáo của CNN (Philippines), để đối phó với mối đe dọa từ chủng đột biến Omicron, dự kiến chính phủ Philippines sẽ sớm đưa ra thông báo hạn chế nhập cư.