Philippines và 'hành trình mới' trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ

Cựu Thượng nghị sĩ Marcos Jr đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines. Quan hệ giữa Manila với Bắc Kinh và Washington có thể sẽ bước vào một 'quỹ đạo mới'.

Cựu Thượng nghị sĩ Marcos Jr đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines. (Nguồn: AFP)

Cựu Thượng nghị sĩ Marcos Jr đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines. (Nguồn: AFP)

Tăng cường hợp tác nhưng không nhượng bộ

Chiến thắng quyết định của ông Ferdinand Marcos Jr trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines hôm 9/5 sẽ tái định hình mối quan hệ của quốc gia Đông Nam Á này với Trung Quốc và Mỹ.

Philippines là “bản lề” trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc. Năm 2016, Tòa Trọng tài ở La Haye đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết này được nhiều nước trong đó có Mỹ hoan nghênh trong bối cảnh gia tăng quan ngại về các hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên các đảo ở vùng biển quan trọng này.

Tuy nhiên, trong các cuộc phỏng vấn trong chiến dịch tranh cử, ông Marcos nói rằng phán quyết này "không hiệu quả" bởi Trung Quốc không công nhận nó. Ông cho biết, ông sẽ tìm kiếm một thỏa thuận song phương với Trung Quốc để giải quyết những bất đồng giữa họ.

Trong một cuộc tranh luận, ông Marcos cũng lập luận về việc thể hiện quyết tâm ở Biển Đông. Ông cho biết mục tiêu "là để cho Trung Quốc thấy rằng, chúng tôi đang bảo vệ những gì chúng tôi coi là lãnh hải của mình”.

Ông Marcos cũng nhấn mạnh Manila cần “cho Trung Quốc hiểu rằng chúng tôi biết họ đang làm gì và chúng tôi không đồng ý với những gì họ đang làm. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông qua các kênh ngoại giao cũng như các kênh khác để khắc phục vấn đề và đảm bảo không tái diễn”.

Rommel Banlaoi, một chuyên gia an ninh tại Manila, cho rằng, ông Marcos muốn tăng cường quan hệ hơn với Trung Quốc nhưng không phải là nhượng bộ.

Theo chuyên gia Banlaoi, ông Marcos muốn thu hút đầu tư từ Trung Quốc cho chương trình cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của mình. Ông Banlaoi cho biết: "Gia đình Marcos có những kỷ niệm rất đẹp về những chuyến đi đến Trung Quốc”. Năm 1974, khi 18 tuổi, ông Marcos đã cùng mẹ là bà Imelda tới Bắc Kinh trong một chuyến đi lịch sử mở đường cho tiến trình hòa giải ngoại giao giữa hai nước. Ông Marcos đã tới thăm Trung Quốc nhiều lần sau đó.

Để ngỏ những chọn lựa

Về phía Mỹ, Washington đã tăng cường can dự ở khu vực, trong đó có Philippines để kiềm chế Trung Quốc. Vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua, hơn 5.000 quân nhân Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận với các đối tác Philippines. Đây là cuộc tập trận lớn nhất trong vòng 7 năm qua.

Renato Cruz De Castro, một nhà phân tích các vấn đề quốc tế tại Đại học De la Salle ở Manila, cho rằng, các cuộc diễn tập đã cho thấy các yêu cầu chiến lược đã buộc Philippines phải xây dựng mối quan hệ bền chặt với Washington.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết trong một cuộc họp báo ngày 10/5 rằng, hiện vẫn còn quá sớm để bình luận về kết quả cuộc bầu cử ở Philippines hoặc tác động của nó đối với các mối quan hệ.

Tuy vậy, ông Ned Price cho biết: "chúng tôi mong muốn được nối lại quan hệ đối tác đặc biệt của mình và làm việc với chính quyền mới ở Manila". Mỹ cũng cam kết tôn trọng các nền tảng trong quan hệ với Philippines.

Trong 15 năm qua, ông Marcos chưa từng đặt chân tới Mỹ. Người phát ngôn của ông Marcos đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận về kế hoạch công du tới Mỹ của ông trên cương vị tổng thống.

Greg Poling, Giám đốc Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, nhận định: “Chiến thắng của ông Marcos sẽ khiến nhiều người ở Washington thất vọng. Tuy nhiên, nó không làm thay đổi thực tế rằng, liên minh Mỹ-Philippines quan trọng hơn bao giờ hết và Mỹ cần tiếp tục làm việc để làm sâu sắc hơn mối quan hệ đó”.

Chuyên gia Banlaoi cho rằng, ông Marcos sẽ tìm cách duy trì liên minh với Mỹ nhưng vẫn để ngỏ các lựa chọn của mình. Ông Banlaoi đánh giá tiến triển của mối quan hệ Mỹ-Philippines dưới thời ông Marcos sẽ định hướng việc đàm phán lại hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước.

Nhìn chung, xét ở cấp cao nhất, ông Marcos, giống như mọi nhà lãnh đạo Philippines, luôn tìm cách duy trì lợi ích quốc gia của đất nước bất chấp cạnh tranh ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong một cuộc tranh luận, ông Marcos nói: “Bất kể các siêu cường có tham vọng gì, điều chúng ta làm cũng chỉ vì lợi ích của Philippines. Chúng ta không thể cho phép mình trở thành một phần của chính sách đối ngoại của các quốc gia khác. Chúng ta phải có chính sách đối ngoại của riêng mình”.

Tuyên bố này cho thấy, ông Marcos định hướng Manila không gắn bó với liên minh với Washington cũng như sẽ không tạo ra mối quan hệ đối tác mới với Bắc Kinh.

Thay vào đó, ông muốn định hướng một con đường trung gian để xoay xở hiệu quả trong cuộc cạnh tranh leo thang giữa các cường quốc.

Tất cả hiện nay mới chỉ đơn thuần là các tuyên bố. Ông Marcos sẽ phải có những hành động tương xứng với lời nói trong những năm tới để chứng minh, ông thực sự có kế hoạch bảo vệ chủ quyền của Philippines trước Trung Quốc và ưu tiên cho liên minh với Mỹ.

(theo Reuters, Foreign Policy)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/philippines-va-hanh-trinh-moi-trong-quan-he-voi-trung-quoc-va-my-183201.html