Philippines và Indonesia cải tổ ngành du lịch khi mở cửa trở lại

Các quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực cải tổ ngành công nghiệp du lịch theo hướng linh hoạt hơn để đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Các quan chức ngành du lịch của Indonesia và Philippines cho biết, hai nước này đang nỗ lực thu hút khách du lịch nước ngoài bằng các biện pháp nới lỏng hạn chế biên giới.

Theo Bộ trưởng Du lịch Philippines - bà Bernadette Romulo-Puyat trong Hội nghị chuyên đề “Các giải pháp phục hồi bền vững cho Đông Nam Á” kéo dài 2 ngày do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chủ trì, nước này sẽ tập trung vào “việc phục hồi thu nhập và việc làm và chuẩn bị đối phó với các hậu quả của đại dịch”. Quốc gia này đã mở cửa biên giới từ hồi tháng 2 cho những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ đến từ 150 quốc gia.

Nhằm tạo điều kiện để phát triển du lịch và cạnh tranh với các thị trường khác, Bộ Du lịch nước này đã phê duyệt hơn 70 tuyến du lịch, gồm các tuyến du lịch về lịch sử ẩm thực, thiên nhiên và các điểm tham quan theo chủ đề khác.

Du lịch và lữ hành là những trụ cột quan trọng của kinh tế Đông Nam Á khi chiếm giữ 12,1% tổng sản phẩm quốc nội của khu vực này vào năm 2019, theo số liệu của ADB. Đại dịch Covid-19 đã tàn phá ngành du lịch, khiến các quốc gia trong khu vực phải tìm các hướng đi phát triển bền vững hơn đối với ngành này.

Bộ trưởng Du lịch Philippines Romulo-Puyat nói thêm rằng, trong vòng 6 năm tới, nước này sẽ đưa ra các chính sách du lịch mới. Chính sách này "sẽ mở đường xây dựng một nền tảng vững chắc để phòng chống những cú sốc tương tự mà ngành có thể gặp phải trong tương lai" - bà Romulo-Puyat nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Du lịch Indonesia - ông Sandiaga Uno cho biết, nước này đang chuyển dịch ngành du lịch từ số lượng sang chất lượng. Indonesia sẽ tập trung vào du khách dài hạn như người lao động làm việc từ xa, những người chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động kinh doanh địa phương và bảo vệ môi trường. Ví dụ, nước này sẽ cung cấp các phương thức để khách du lịch bù đắp các hậu quả của ô nhiễm carbon đến từ các chuyến bay của họ, chẳng hạn như trồng rừng ngập mặn khi đi nghỉ.

Ông Uno cho biết, nước này đang có khoảng 3.000 ngôi làng tham gia một dự án du lịch "dựa vào cộng đồng". Dự án này khuyến khích du khách hỗ trợ kinh doanh và sản phẩm địa phương.

“Chúng tôi sẽ tập trung vào thiên nhiên và văn hóa” - ông Uno khẳng định. Đồng thời, ông cũng cho biết thêm, Indonesia xếp thứ 3 sau Mỹ và Hàn Quốc về tỷ trọng của lĩnh vực sáng tạo trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Theo ông, nếu các doanh nghiệp dịch vụ khách sạn chỉ bám vào các cách làm cũ, không chịu đón nhận các công nghệ mới, doanh nghiệp đó sẽ gặp khó khăn.

Các diễn giả khác tham gia sự kiện cũng cho rằng du lịch đang thay đổi, không thể dựa vào các du khách Trung Quốc như trước đây. Chính sách Zero Covid của Trung Quốc khiến cho các công dân nước này ngại ngần khi đi du lịch nước ngoài. Ông Uno cho biết, năm ngoái, lượng khách du lịch nước ngoài của Indonesia đã giảm xuống còn 2 triệu lượt khách. Con số này trước đại dịch là 17 triệu khách.

Đông Nam Á đang bước vào giai đoạn mở cửa trở lại. Chính phủ các nước đang dần lược bỏ các hạn chế. Tuy nhiên, theo ước tính của ADB, phải đến năm 2024, ngành du lịch tại khu vực này mới hồi phục hoàn toàn.

Thu Thủy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/philippines-va-indonesia-cai-to-nganh-du-lich-khi-mo-cua-tro-lai-173504.html